Aa

Hà Nội: Loạt công trình chưa nghiệm thu phòng cháy đã đưa vào sử dụng

Châu Anh
Châu Anh nchauanh9999@gmail.com
Thứ Ba, 13/05/2025 - 11:28

Mới đây, UBND quận Hà Đông (Hà Nội) đã công bố danh sách 120 công trình chưa được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy nhưng đã đưa vào hoạt động.

Theo thống kê, hiện có gần 50 cơ sở giáo dục các cấp từ mầm non đến THPT trên địa bàn quận Hà Đông – bao gồm các phường Quang Trung, Hà Cầu, La Khê, Vạn Phúc, Yên Nghĩa… – chưa được nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy (PCCC) nhưng vẫn đang hoạt động.

Tại phường Hà Cầu, các trường trong danh sách bao gồm: Mầm non tư thục Học viện IQ, Tiểu học IQ, Mầm non Hà Cầu, Mầm non Hà Trì và THCS Lê Hồng Phong. Tại phường Yên Nghĩa, danh sách này có Trường Mầm non Yên Nghĩa, Mầm non Yên Hòa, Mầm non Hòa Bình và Tiểu học Lê Trọng Tấn. Các cơ sở giáo dục này phục vụ học sinh trong độ tuổi mầm non và phổ thông cơ sở, nhiều nơi nằm trong khu dân cư đông.

Ngoài nhóm trường học, nhiều công trình dân dụng, khu chung cư, tòa nhà cao tầng cũng được ghi nhận chưa nghiệm thu PCCC. Một số công trình gồm: Chung cư SME Hoàng Gia (phường Quang Trung), Tòa nhà hỗn hợp Tháp Doanh Nhân (phường Mộ Lao), các tòa CT5AB, CT6, CT4 và cụm tòa Usilk City (phường La Khê). 

Hà Nội: Loạt công trình chưa nghiệm thu phòng cháy đã đưa vào sử dụng- Ảnh 1.

Chung cư SME Hoàng Gia. (Ảnh: Dân đầu tư)

Trong danh sách còn có các công trình công cộng và trụ sở hành chính đang hoạt động như: Văn phòng Ban Quản lý khu Thanh Hà (phường Phú Lương), Bến xe Yên Nghĩa (phường Yên Nghĩa)...

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ cũng được liệt kê. Một số trong đó là: Công ty TNHH MTV Ô tô Trường Hải Tây Nam – Hà Nội (phường Biên Giang), CTCP Kiến trúc và Xây dựng Maxhome (phường Vạn Phúc), Nhà hàng Trâu Ngon Phú Lương (phường Phú Lương)...

Danh sách các công trình chưa nghiệm thu PCCC nhưng đã đưa vào sử dụng bao gồm nhiều loại hình: giáo dục, nhà ở, dịch vụ, cơ quan nhà nước. Các công trình này hiện vẫn đang hoạt động, thu hút lượng lớn người dân đến sinh sống, học tập, làm việc và giao dịch mỗi ngày.

Hà Nội: Khoảng 67,74% cơ sở chưa bảo đảm các yêu cầu phòng cháy, chữa cháy

Trước đó, ngày 9/4, Công an thành phố Hà Nội đã tổ chức hội nghị sơ kết công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) quý I và triển khai ra quân thực hiện cao điểm tuyên truyền, hướng dẫn an toàn PCCC và CNCH đối với cơ sở, khu dân cư.TQua rà soát, trên địa bàn thành phố hiện có 69.712 cơ sở phải thực hiện các giải pháp tăng cường về PCCC theo Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ "Về tăng cường công tác PCCC đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ và nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh"; gồm 412 nhà nhiều căn hộ, 39.993 nhà trọ, 29.307 nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.

Các đơn vị đã tổ chức kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, tuyên truyền, kiến nghị, phúc tra và yêu cầu 100% cơ sở ký cam kết thực hiện các giải pháp tăng cường PCCC, đồng thời, xử phạt 4.011 trường hợp với số tiền trên 14,7 tỷ đồng; tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động 815 trường hợp. Đến thời điểm hiện tại, đã có 24.579 cơ sở đã hoàn thành khắc phục các giải pháp đảm bảo an toàn PCCC theo tài liệu kỹ thuật hướng dẫn. Như vậy, vẫn còn tới 67,74% chưa thực hiện đầy đủ các yêu cầu này.

Loại nhà chung cư phải áp dụng quy chuẩn về PCCC

Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 04:2021/BXD do Bộ Xây dựng ban hành kèm theo Thông tư 03/2021/TT-BXD quy định các yêu cầu kỹ thuật áp dụng khi xây dựng mới, xây dựng lại nhà chung cư có chiều cao đến 150 m hoặc có đến 3 tầng hầm, bao gồm nhà chung cư được xây dựng với mục đích để ở và nhà chung cư được xây dựng có mục đích sử dụng hỗn hợp.

Đối với nhà chung cư cao trên 150 m hoặc có từ 4 tầng hầm trở lên, thì ngoài việc tuân thủ quy chuẩn này còn phải bổ sung các yêu cầu kỹ thuật và các giải pháp về tổ chức, về kỹ thuật công trình phù hợp với các đặc điểm riêng về phòng chống cháy của nhà chung cư đó, trên cơ sở tài liệu chuẩn được phép áp dụng theo quy định của pháp luật. Các yêu cầu và giải pháp này phải được thẩm duyệt của cơ quan chuyên môn có thẩm quyền.

Đối với phòng ở, chiều cao thông thủy không được nhỏ hơn 2,6 m; Đối với phòng bếp và phòng vệ sinh, chiều cao thông thủy không được nhỏ hơn 2,3 m; Đối với tầng hầm, tầng nửa hầm, tầng kỹ thuật, chiều cao thông thủy không nhỏ hơn 2,0 m; Đối với không gian bên trong của mái dốc được sử dụng làm phòng ngủ hoặc phòng sinh hoạt, chiều cao thông thủy của 1/2 diện tích phòng không được nhỏ hơn 2,1 m. Chiều cao thông thủy của các phòng và các khu vực khác lấy theo nhiệm vụ thiết kế hoặc tiêu chuẩn lựa chọn áp dụng.

Chiều cao phòng cháy chữa cháy (chiều cao PCCC) của nhà được xác định bằng khoảng cách từ mặt đường thấp nhất cho xe chữa cháy tiếp cận tới mép dưới của lỗ cửa (cửa sổ) mở trên tường ngoài của tầng trên cùng, không kể tầng kỹ thuật trên cùng. Khi không có lỗ cửa (cửa sổ), thì chiều cao PCCC được xác định bằng một nửa tổng khoảng cách tính từ mặt đường cho xe chữa cháy tiếp cận đến mặt sàn và đến trần của tầng trên cùng. Trong trường hợp mái nhà được khai thác sử dụng thì chiều cao PCCC của nhà được xác định bằng khoảng cách lớn nhất từ mặt đường cho xe chữa cháy tiếp cận đến mép trên của tường chắn mái.



Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top