Vừa qua, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có văn bản yêu cầu UBND các quận, huyện kiểm tra, giải tỏa các điểm trông giữ phương tiện không phép, sai phép, vi phạm an toàn giao thông và vi phạm quy định thu phí, đặc biệt là các điểm trông giữ xe đã bị xử phạt vi phạm hành chính.
Đồng thời, yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện và Trưởng công an các xã, phường, thị trấn giám sát chặt chẽ các điểm trông giữ xe. Nếu để xảy ra vi phạm trên địa bàn mà không có biện pháp xử lý dứt điểm, Chủ tịch UBND quận, huyện chịu trách nhiệm trước pháp luật và Chủ tịch UBND TP.
Tuy nhiên, tại quận Cầu Giấy hiện nay vẫn tồn tại nhiều bãi xe không phép đang hoạt động ngang nhiên, khiến dư luận bức xúc.
Theo phản ánh từ phía người dân, bên cạnh những bãi xe được đặt tại các trục đường lớn, có rất nhiều bãi xây dựng cạnh các khu dân cư, ngay sát nhà dân, khiến cuộc sống của họ bị ảnh hưởng. Số lượng xe cộ gửi xe tại bãi lớn, ra vào thường xuyên, gây ra tình trạng ô nhiễm tiếng ồn và khói bụi.
Điều đáng nói, mặc dù người dân đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp chính quyền địa phương về hoạt động của các bãi trông giữ xe nói trên nhưng tình trạng này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Quan sát một số bãi xe trên địa bàn quận Cầu Giấy, PV nhận thấy nhiều điểm hoạt động một cách quy mô lớn với số lượng xe ô tô lên đến con số hàng trăm.
Trực tiếp khảo sát tại bãi trông giữ xe ở cuối đường Thành Thái, thuộc phường Dịch Vọng, chúng tôi nhận thấy đây là khu đất rộng tới hàng nghìn m2. Theo tìm hiểu, diện tích này thuộc đất dự án của Công ty Đo đạc Địa chính. Sau nhiều năm dự án chưa được triển khai, bãi xe đã mọc lên. Với số lượng xe không hề nhỏ, cùng phí gửi xe ô tô trung bình từ 800.000 - 950.000 đồng/xe/tháng thì rõ ràng nguồn thu từ việc trông giữ xe ô tô không phép tại đây không hề nhỏ.
Hàng loạt bãi trông giữ xe khác đang có dấu hiệu vi phạm như: Bãi xe tại vị trí D32 đô thị mới Cầu Giấy, số 8 - 9 Trần Kim Xuyến, phía sau lô đất số 39 Trần Kim Xuyến, phía sau số 120 Trung Kính (phường Yên Hòa),…
Tuy nhiên, những bãi đỗ xe kiểu này cũng thường rất sơ sài, không được trang bị hệ thống PCCC nên nếu chẳng may có tình huống hỏa hoạn xảy ra, nguy cơ gây mất an toàn đối với các khu dân cư xung quanh là rất cao.
Chị H.O, một người dân cho biết: “Xe ô tô thường xuyên ra vào, rất nhiều người nên chúng tôi không thể phân biệt được người nào với người nào. Như thế là gây mất trật tự an ninh, nếu lỡ như kẻ xấu lợi dụng để giở trò, ai sẽ chịu trách nhiệm?”.
Anh L.B, cũng là một người dân sống cạnh bãi gửi xe không phép, bức xúc: “Thời điểm nhiều xe ra vào nhất chính là sáng sớm, chiều muộn và đêm khuya. Đây là những mốc thời gian vô cùng nhạy cảm bởi nếu là chiều muộn thì sẽ gây ách tắc giao thông, còn vào đêm khuya thì có người bấm còi inh ỏi, khiến cuộc sống chúng tôi bị ảnh hưởng”.
Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, có hiệu lực từ 1/8/2016 đã nêu rõ: Điều 14. Xử phạt các hành vi vi phạm về xây dựng bến xe, bãi để xe, trạm dừng nghỉ, trạm thu phí đường bộ: Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: a) Xây dựng hoặc thành lập bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, trạm thu phí đường bộ không theo quy hoạch hoặc không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; b) Xây dựng bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, trạm thu phí đường bộ không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, không theo đúng thiết kế đã được duyệt Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây: Thực hiện hành vi quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này còn buộc phải tháo dỡ công trình trái phép, khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra. |