Tòa nhà cao hơn 10 tầng ở ngõ 156 đường Tam Trinh, quận Hoàng Mai, Hà Nội đã bỏ hoang nhiều năm nay… Được biết tòa nhà này có kinh phí đầu tư gần 300 tỷ đồng. Theo ghi nhận, hạ tầng kỹ thuật xung quanh tòa chung cư tái định cư này đã có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng, trong khuôn viên thành điểm tập kết rác thải, vật liệu xây dựng, cỏ mọc cao… tạo nên khung cảnh nhếch nhác, mất vệ sinh, ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống của người dân xung quanh.
Theo tấm biển đặt ngay cửa công trình: Gói thầu số 3 xây dựng và lắp đặt thiết bị Dự án xây dựng khu tái định cư và nhà ở thấp tầng tại ô đất Kí hiệu: B10/0DK3, phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Chủ đầu tư dự án là UBND quận Hoàng Mai, Hà Nội. Đại diện chủ đầu tư là Ban quản lý Dự án quận Hoàng Mai. Công trình khởi công năm 2012, hoàn thành năm 2017.
Chị Lan, người dân sống cạnh tòa nhà này cho biết: "Đây là khu nhà xây với mục đích tái định cư đã hoàn thành 7-8 năm, nhưng đến nay vẫn không có người ở, chủ đầu tư quây tôn, cỏ mọc um tùm và thành nơi "đổ rác" rất mất vệ sinh, người dân ở ngõ này đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị lên UBND phường nhưng vẫn không có gì thay đổi".
Ông Tuấn, người dân sống tại ngõ 156 đường Tam Trinh, nói: "Không hiểu sao Ban quản lý Dự án quận Hoàng Mai xây khu nhà tái định cư này xong rồi bỏ hoang đấy rất lãng phí. Xung quanh hạ tầng và tiện ích không có gì, trong khuôn viên tòa nhà vẫn là đất trống cỏ mọc cao hơn đầu người. Để hoang như vậy chúng tôi thấy rất lãng phí".
Trên thực tế, ngoài nguyên nhân về vướng mắc giải phóng mặt bằng, việc người dân không chịu nhận nhà tái định cư khi được bố trí, không thực hiện mua nhà mà đề nghị được hỗ trợ bằng hình thức khác, không nhận nhà mà nhận tiền hỗ trợ... là một trong những lý do chính khiến nhà tái định cư xây xong không ai ở.
Liên quan đến việc nhiều nhà ở tái định cư ở Hà Nội bị bỏ không lãng phí, các khu nhà tái định cư bị người dân "quay lưng", GS.TSKH. Đăng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT cho rằng, chất lượng của các khu tái định cư tương đối kém và vị trí, tính chất của nhiều khu tái định cư ảnh hưởng đến sinh kế của người dân.
Theo GS.TSKH. Đăng Hùng Võ: "Việc xây dựng nhà tái định cư đã bộc lộ quá nhiều bất cập. TP. Hà Nội không thể cứ tiếp tục xây dựng những khu nhà tái định cư để rồi không có người ở, gây lãng phí ngân sách.
Rất nhiều khu tái định cư, chỉ cần sau 2 năm không có người đến ở là có thể thấy cơ sở vật chất, hạ tầng đều xuống cấp. Chất lượng nước, điện, thang máy, phòng cháy chữa cháy cũng không đảm bảo. Dẫn đến chuyện nhiều khu tái định cư, kể cả nằm ở vị trí vàng, nhưng người dân vẫn không muốn ở".
Cũng theo GS.TSKH. Đặng Hùng Võ, chủ trương về tái định cư là hoàn toàn đúng, song việc thực hiện lại có nhiều vấn đề. Theo chủ trương của nhà nước và luật pháp quy định, nơi tái định cư phải có trước khi tiến hành thu hồi đất ở, nhưng chúng ta lại đang làm ngược với quy trình này. Hầu hết các khu tái định cư hiện nay đều xây theo kiểu tái định cư tập trung, thường là chung cư cao tầng.
Những người bị thu hồi đất ở, cần phải giải quyết tái định cư thường là những người có thu nhập thấp. Họ cần không gian phát triển kinh tế hộ gia đình. Việc đưa họ vào chung cư sẽ không giúp họ giải quyết được vấn đề kinh tế. Đây là một trong những lý do chính của việc nhà tái định cư bị người dân "quay lưng".
Một số hình ảnh khác tại tòa nhà tái định cư ngõ 156 đường Tam Trinh, quận Hoàng Mai, Hà Nội: