Aa

Hà Nội: Những hộ gia đình nghèo nào đủ điều kiện hỗ trợ nhà ở?

Thứ Sáu, 26/01/2018 - 13:39

Đối tượng được hỗ trợ nhà ở là hộ gia đình có nhà ở xuống cấp, hư hỏng, không có khả năng tự cải thiện nhà ở, có nhu cầu được hỗ trợ vay vốn để xây dựng, sửa chữa nhà ở và thuộc diện hộ nghèo.

Ngày 25/1, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 29/KH-UBND về hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn thành phố. Mục đích đặt ra là hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo khu vực nông thôn, đảm bảo có nhà ở an toàn, ổn định, từng bước nâng cao mức sống, góp phần giảm nghèo bền vững và đạt mục tiêu đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của Thành phố còn dưới 1,2%.

Theo đó, đối tượng được hỗ trợ nhà ở là hộ gia đình có nhà ở xuống cấp, hư hỏng, không có khả năng tự cải thiện nhà ở, có nhu cầu được hỗ trợ vay vốn để xây dựng, sửa chữa nhà ở và thuộc diện: Hộ nghèo theo chuẩn nghèo Quốc gia giai đoạn 2011 - 2015 có trong danh sách hộ nghèo năm 2015 do UBND cấp xã quản lý và là hộ độc lập có thời gian tách hộ tính đến năm 2015 tối thiểu 05 năm; Hộ nghèo theo chuẩn nghèo Thành phố giai đoạn 2011 - 2015 và giai đoạn 2016 - 2020, có trong danh sách hộ nghèo do UBND cấp xã quản lý và là hộ độc lập có thời gian tách hộ tính đến tháng 12/2017 tối thiểu 05 năm.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo kết quả rà soát của các huyện, thị xã tại thời điểm tháng 12/2017, có 4.046 hộ nghèo đề nghị hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở (trong đó có 2.153 hộ đề nghị hỗ trợ xây dựng nhà và 1.893 hộ đề nghị sửa chữa nhà).

Cụ thể: Hộ nghèo theo chuẩn nghèo Quốc gia giai đoạn 2011 - 2015 là: 923 hộ (trong đó có 511 hộ đề nghị hỗ trợ xây dựng và 412 hộ sửa chữa); Hộ nghèo theo chuẩn nghèo Thành phố giai đoạn 2016 - 2020 là: 3.123 hộ (trong đó có 1.642 hộ đề nghị hỗ trợ xây dựng và 1.481 hộ sửa chữa).

Điều kiện được hỗ trợ nhà ở: Chưa có nhà ở nhưng đã có đất ở hợp pháp hoặc đã có nhà ở nhưng nhà ở quá tạm bợ, hư hỏng, dột nát, có nguy cơ sập đổ và không có khả năng tự cải thiện nhà ở; Chưa được hỗ trợ nhà ở từ các chương trình, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội khác.

Trường hợp đã được hỗ trợ nhà ở theo các chương trình, chính sách hỗ trợ nhà ở khác thì phải thuộc các đối tượng sau: Nhà ở đã bị sập đổ hoặc hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ do thiên tai gây ra nhưng chưa có nguồn vốn để sửa chữa, xây dựng lại. Đã được hỗ trợ nhà ở theo các chương trình, chính sách hỗ trợ nhà ở khác có thời gian từ 08 năm trở lên (tính đến thời điếm tháng 12/2017), nhưng nay nhà ở đã hư hỏng, dột nát, có nguy cơ sụp đổ.

Trường hợp hộ nghèo thuộc diện được hỗ trợ, nhưng trong quá trình thực hiện chính sách đã thoát nghèo vẫn thuộc đối tượng được vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, nhưng không được hỗ trợ thêm từ nguồn xã hội hóa. Những hộ nghèo đã vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức tín dụng khác để xây dựng, sửa chữa nhà ở từ 01/01/2013 đến nay, vẫn thuộc đối tượng được vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội để trả nợ khoản tiền đã vay làm nhà ở, nhưng không được hỗ trợ thêm từ nguôn xã hội hóa.

Những trường hợp thuộc diện được hỗ trợ nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở không thuộc diện đối tượng hỗ trợ theo quy định của Quyết định số 33/2013/QĐ-TTg.

Dự kiến kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà ở theo quy định, diện tích nhà ở xây dựng phải đảm bảo tối thiểu 24m2/hộ và trên cơ sở suất vốn đầu tư quy định tại Quyết định số 1161/QĐ-BXD ngày 15/10/2015 của Bộ Xây dựng, dự kiến kinh phí xây dựng nhà ở (1 tầng, tường bao xây gạch, mái tôn) là 1.790.000 đồng/m2. Do đó, dự kiến, tổng mức đầu tư xây dựng tối thiểu là 45 triệu đồng/nhà xây mới và 35 triệu đồng/nhà sửa chữa. Hộ gia đình tự huy động thêm để xây dựng, sửa chữa nhà ở tốt hơn.

Các trường hợp hộ nghèo có nhà ở hư hỏng, không có khả năng tự cải thiện nhà ở, phát sinh sau năm 2018, do UBND quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm huy động các nguồn lực của địa phương và nguồn xã hội hóa để hỗ trợ hộ nghèo.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top