Hà Nội hiện có 10 khu công nghiệp và chế xuất, Khu Công nghệ Cao Hòa Lạc, với 661 doanh nghiệp và khoảng 165.000 lao động (trên 80% là lao động ngoại tỉnh). Tuy nhiên, các dự án nhà ở của thành phố chỉ đáp ứng gần 30% nhu cầu của công nhân lao động, còn lại hơn 70% đang phải thuê nhà trọ trong điều kiện sinh hoạt không được đảm bảo.
Thực tế đó cho thấy nhiệm vụ phát triển nhà ở cho công nhân đang là vấn đề cấp thiết và chính đáng. Người lao động mong muốn có một chỗ ở an toàn, có điều kiện tái tạo sức lao động hiệu quả hơn.
Vẫn còn nhiều bất cập
Do thiếu quỹ nhà ở, tại nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, công nhân phải thuê nhà trọ của người dân trong khu vực lân cận với điều kiện sống tạm bợ, diện tích phòng ở chật hẹp, an ninh trật tự và vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, mức giá thuê, tiền điện, tiền nước cao…
Ngoài ra, các công trình phúc lợi công cộng như: Trường Mầm non công lập còn thiếu, nhà văn hóa, khu thể thao và khu vui chơi giải trí, các điểm sinh hoạt phục vụ công nhân lao động ở các khu công nghiệp tập trung hầu như chưa có.
Khối trường Phổ thông Trung học còn thiếu, cùng với đó là cơ chế chỉ học sinh có hộ khẩu ở Hà Nội mới đủ điều kiện được đăng ký thi vào trường Phổ thông Trung học công lập đã gây bức xúc, khó khăn hơn cho người lao động nhập cư khi phải cho con học trường dân lập với chi phí tốn kém, chưa phù hợp mức thu nhập.
Bà Nguyễn Thị Tám - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đông Anh, cho biết hiện nay, trên địa bàn huyện có trên 4.000 doanh nghiệp đang hoạt động tại các khu công nghiệp; trong đó có gần 22.500 công nhân đang thuê trọ. Riêng xã Kim Chung có khoảng 800 nhà dân có nhà cho thuê trọ và rải rác ở các xã lân cận như: Kim Nỗ, Đại mạch, Võng La, Hải Bối…
"Từ thực tiễn kiểm tra phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua cho thấy việc ăn ở, sinh hoạt của người lao động tại các khu nhà trọ còn chưa được đảm bảo. Đa số người lao động sinh hoạt trong điều kiện khó khăn, không có không gian để nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động một cách tốt nhất," bà Tám cho biết.
Mới đây, tại cuộc Tọa đàm với chủ đề "Đảm bảo chỗ ở an toàn cho công nhân: Từ mục tiêu đến hành động," các nhà khoa học, chuyên gia ở nhiều lĩnh vực đã đưa ra nhiều ý kiến với mong muốn góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, cũng như giải pháp thực thi hiệu quả các chính sách về phát triển nhà ở cho công nhân.
Bà Bùi Thị An - đại biểu Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Hội Nữ Trí thức thành phố Hà Nội, cho rằng nhu cầu nhà ở cho công nhân (cả thuê và mua) đều cấp thiết, song, từ thực tế triển khai thời gian qua vẫn còn những bất cập.
Khẳng định Đề án "Đầu tư Xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030" của Chính phủ có tính khả thi cao, song theo Phó giáo sư - tiến sỹ Bùi Thị An, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với vai trò, trách nhiệm chăm lo cho công nhân cần kiến nghị Chính phủ có kế hoạch cụ thể, đồng hành với anh chị em công nhân để họ có chỗ ở, yên tâm làm việc.
"Các cơ quan chuyên môn phân rõ trách nhiệm của Nhà nước, doanh nghiệp và bản thân người lao động. Tất cả chính sách cho người lao động vay vốn ưu đãi để mua nhà phải cụ thể, minh bạch," Phó giáo sư - tiến sỹ Bùi Thị An nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho rằng phát triển nhà ở cho công nhân, người lao động, sinh viên, thậm chí công chức, viên chức ở các đô thị lớn luôn là nhu cầu cấp thiết và chính đáng. Đặc biệt, công nhân là lực lượng tạo ra sản phẩm cho xã hội nên phải tạo môi trường làm việc cũng như nơi ở đảm bảo điều kiện cuộc sống cho công nhân.
"Vấn đề đặt ra là Nhà nước phải quản lý như thế nào để các nhà chung cư quy mô nhỏ, nhà trọ được xây dựng và quản lý vận hành đúng quy hoạch, an toàn về mặt kết cấu, đặc biệt đảm bảo về phòng cháy chữa cháy; trong đó, có việc tăng cường quản lý từ khâu cấp phép xây dựng, trong quá trình xây dựng đến quản lý vận hành. Nếu quản lý tốt quy hoạch sẽ hạn chế hậu quả khi xảy ra cháy, nổ…," ông Nguyễn Mạnh Hà bày tỏ quan điểm.
Phấn đấu 100% các khu công nghiệp có nhà ở công nhân
Xác định nhu cầu về nhà ở cho công nhân là chính đáng và cấp bách, tại Kế hoạch Triển khai Chỉnh trang các Khu Công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội số 276/KH-UBND vừa được ban hành ngày 22/11, thành phố đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, 100% các khu công nghiệp được quy hoạch và triển khai đầu tư xây dựng nhà ở công nhân và thiết chế văn hóa cho người lao động.
Thành phố cũng phấn đấu 100% các khu công nghiệp được xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại theo quy hoạch được duyệt.
Hiện nay, trong số 10 khu công nghiệp đi vào hoạt động với tổng diện tích hơn 1.300ha có 9 khu công nghiệp đã hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng (tỷ lệ lấp đầy 100%), 1 khu công nghiệp đang hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và tích cực thu hút dự án đầu tư.
Song, tại 10 khu công nghiệp này mới có 4 dự án nhà ở cho công nhân lao động đã và đang tiến hành xây dựng (một phần đã đưa vào khai thác, sử dụng) với tổng công suất thiết kế khoảng 22.420 chỗ ở. Hiện, thành phố đã hoàn thành 8.388 chỗ ở và đã bố trí cho công nhân thuê được 8.082 chỗ.
Thời gian tới, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện rà soát, chỉnh trang, xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tại các khu công nghiệp đang hoạt động nhằm tăng mức độ thu hút đầu tư, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp và người lao động.
Theo kế hoạch, thành phố sẽ tiến hành triển khai các nội dung thực hiện chỉnh trang các khu công nghiệp, gồm: rà soát, triển khai xây dựng đồng bộ hạ tầng ngoài hàng rào khu công nghiệp; cải tạo xây dựng hạ tầng đồng bộ trong khu công nghiệp; xây dựng các thiết chế văn hóa, nhà ở cho công nhân lao động…
Việc rà soát, chỉnh trang xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp được thực hiện hàng năm, phấn đấu đến năm 2030 các khu công nghiệp của thành phố được xây dựng đồng bộ, hiện đại, xanh, sạch, đẹp. Trước mắt, đến năm 2025, ít nhất xây dựng thêm được 1 đến 2 khu nhà ở công nhân cho các khu công nghiệp đang hoạt động.
Thành phố giao Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội chủ trì, phối hợp cùng các Sở, ngành và các quận, huyện có khu công nghiệp rà soát tình hình đầu tư xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp và chỉ đạo các chủ đầu tư hạ tầng hoàn thiện các phần hạ tầng chưa xây dựng giai đoạn từ nay đến năm 2025.
Đồng thời, Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội phối hợp với các Sở, ngành rà soát về nhu cầu nhà ở công nhân, rà soát điều chỉnh quy hoạch để tạo quỹ đất cho nhà ở công nhân và các công trình thiết chế văn hóa phục vụ người lao động.
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết theo Chương trình Phát triển Nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030, Hà Nội đặt mục tiêu phát triển đa dạng các loại hình nhà ở, chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà chung cư, nhà cho thuê, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở cho các tầng lớp dân cư với mức thu nhập khác nhau, đặc biệt là nhà ở cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội.
Thành phố phấn đấu đến năm 2030, diện tích sàn nhà ở bình quân đạt 32 m2 sàn/người; tỷ lệ nhà ở xã hội cho thuê đạt tối thiểu 10% diện tích nhà ở xã hội tại dự án; tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị đảm bảo tỷ lệ nhà ở cho thuê đạt tối thiểu 5% và nhà ở cho thuê mua đạt tối thiểu 10% trên tổng diện tích sàn nhà ở chung cư tại dự án.
Trên cơ sở Chương trình Phát triển Nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 2021-2025, Hà Nội sẽ phát triển mới khoảng 1,215 triệu m2 sàn nhà ở xã hội; chuẩn bị đầu tư 1-2 khu nhà ở xã hội độc lập (tập trung) và nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết 2-3 khu.
Đáng chú ý, theo Đề án "Đầu tư Xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030" của Chính phủ, Hà Nội được giao chỉ tiêu 56.200 căn, gồm 18.700 căn giai đoạn 2021-2025 và 37.500 căn giai đoạn 2026-2030.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 40 dự án đang triển khai, gồm 18 dự án dự kiến hoàn thành giai đoạn 2021-2025 với khoảng 0,869 triệu m2 sàn, 12.137 căn hộ; 22 dự án dự kiến hoàn thành giai đoạn sau 2025 với khoảng 1,689 triệu m2 sàn, 22.400 căn hộ.
Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đang tổ chức triển khai lập hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư 5 dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở xã hội độc lập (tập trung) với tổng quy mô sử dụng đất khoảng 277ha.
Dự kiến, 5 dự án này sẽ bổ sung khoảng từ 2-2,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu rất lớn của thành phố và góp phần hoàn thành chỉ tiêu nhà ở xã hội theo Đề án trên của Chính phủ./.