Aa

Hà Nội thiếu 7.000 trụ nước, 300 bể lấy nước chữa cháy so với tiêu chuẩn!

Thứ Tư, 13/11/2019 - 16:49

Theo Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai thì thực tế hạ tầng kỹ thuật, giao thông phục vụ công tác PCCC còn nhiều bất cập, ví dụ như Hà Nội hiện còn thiếu tới 7.000 trụ nước, 300 bể nước lấy nước chữa cháy so với tiêu chuẩn.

Hàng trăm chung cư, cao ốc ẩn chứa nguy cơ cháy nổ

Ngày 13/11, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014 - 2018.

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu cơ bản nhất trí với các nhận định, đánh giá và đề xuất, kiến nghị được nêu trong Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát và dành sự quan tâm đặc biệt đối với trách nhiệm để xảy ra tình trạng cháy, nổ thời gian vừa qua. 

Nói về nguyên nhân chủ quan dẫn đến cháy nổ, đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) cho rằng, không chỉ do vấn đề đề tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng còn hạn chế, yếu kém mà một vấn đề rất quan trọng là bảo đảm thực thi pháp luật phòng cháy, chữa cháy đang đặt ra nhiều thách thức cần phải chấn chỉnh.

Theo đó, Báo cáo của Đoàn giám sát đã chỉ rõ, hiện nay chúng ta còn 2.662 công trình nguy hiểm cháy nổ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt, thiết kế, hoặc đã được thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy. Tính đến tháng 7/2018, cả nước vẫn tồn tại 110 công trình chung cư, nhà cao tầng đã được đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy.

"Vậy tại sao có tình trạng này, là do vi phạm của chủ đầu tư hay do tiêu cực trong công tác kiểm tra, xử lý sai phạm trong công tác phòng cháy, chữa cháy? Điều gì sẽ xảy ra nếu hỏa hoạn tại hàng trăm chung cư, cao ốc đang ẩn chứa nguy cơ an toàn cháy nổ?", đại biểu Cao Thị Xuân đặt câu hỏi và đề nghị Chính phủ, Bộ Công an và chính quyền địa phương xử lý nghiêm tình trạng này, đặc biệt với các chung cư, nhà cao tầng khi đã đưa vào sử dụng thì bắt buộc phải đáp ứng các yêu cầu về PCCC theo đúng quy định.

Nhiều trụ nước cứu hỏa trên địa bàn TP. Hà Nội không phát huy tác dụng. Ảnh: Toàn Vũ

Hà Nội còn thiếu 7.000 trụ nước, 300 bể nước và 400 bến lấy nước chữa cháy

Ở góc độ khác, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên) cho rằng, việc tổ chức hệ thống hạ tầng phục vụ PCCC trong đô thị rất cần được quan tâm đúng mức. 

"Các quy định pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC trong lập quy hoạch đô thị, cũng như thiết kế công trình đã được ban hành khá đầy đủ. Tuy nhiên, thực tế hạ tầng kỹ thuật, giao thông phục vụ công tác PCCC còn nhiều bất cập, các quy chuẩn chưa được tuân thủ nghiêm ngặt", đại biểu Mai đánh giá.

Đại biểu ví dụ, ở TP. Hà Nội có nhiều tuyến phố nhỏ, ngõ sâu, xe cứu hỏa không vào được, mật độ dân cư đông đúc, thường xuyên xảy ra ùn tắc vào giờ cao điểm, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn. Không chỉ vậy, Hà Nội hiện còn thiếu 7.000 trụ nước, 300 bể nước, 400 bến nước lấy nước chữa cháy so với tiêu chuẩn, quy chuẩn, do đó việc rà soát, xây dựng hệ thống hạ tầng đáp ứng tốt yêu cầu PCCC là vấn đề cấp bách hiện nay.

Từ thực tế này, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai đề nghị: Trong quy hoạch đô thị cần tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong PCCC, từ việc bố trí đường giao thông, các họng nước chữa cháy đến bảo đảm lưu lượng nước phục vụ cho công tác chữa cháy. Thiết kế của các công trình cần tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC, bất cứ công trình nào cũng chỉ được đưa vào sử dụng sau khi đã được các cơ quan chức năng nghiệm thu hệ thống PCCC.

"Hệ thống này cần được kiểm tra định kỳ, kết hợp với tổ chức các buổi phòng cháy, diễn tập chữa cháy để nâng cao khả năng ứng phó với hỏa hoạn của người dân. Đặc biệt các công trình nhà chung cư cao tầng cần thực hiện nghiêm quy định về gian lánh nạn", đại biểu nhấn mạnh.

Nhìn thẳng vào thực trạng để truy trách nhiệm

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp). Ảnh: VGP

Trước những con số mà Báo cáo giám sát chỉ ra, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cho rằng, đã đến lúc nhìn thẳng vào thực trạng phòng, chống cháy nổ hiện nay để thấy những lỗ hổng cần phải truy trách nhiệm, làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan.

Theo đại biểu, trước tiên là lỗ hổng trong những văn bản hướng dẫn. 

"Qua tham gia một số đoàn giám sát, đại biểu nhận thấy có sự chồng chéo, bấp cật, thiếu thống nhất, sự lạc hậu của các quy định pháp luật, không chỉ quy định pháp luật trực tiếp về phòng, chống cháy nổ mà cả các quy định liên quan ở đối tượng xây dựng, giao thông, điện lực. Đây là nguyên nhân khiến các địa phương lúng túng trong thực hiện", đại biểu Mai Hoa nêu.

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng “lỗ hổng trong thực hiện cũng khá rõ”. Cơ quan chức năng khẳng định làm tốt công tác tuyên truyền, nhưng người dân khi được hỏi thì bảo không biết. Cơ quan chức năng khẳng định quan tâm thực hiện kiểm tra, giám sát nhưng những sai phạm trong cháy nổ phát hiện và xử lý rất ít.

Thực tế khi sự cố cháy nổ xảy ra mới xem xét nguyên nhân, quy trách nhiệm. Cháy rừng ở một vài địa phương thì các địa phương khác quan tâm đến công tác phòng chống cháy rừng. Cháy quán karaoke ở một địa phương thì ở các địa phương khác rà soát phòng, chống cháy nổ ở đây. Cháy chung cư ở một địa phương thì người dân, cũng như chính quyền ở các địa phương khác mới quan tâm, lo lắng giám sát nhiều hơn.

Theo đại biểu, chuyện đáng buồn là khi quy trách nhiệm thì có tình trạng đổ lỗi, trên đổ lỗi cho dưới là không chấp hành, dưới đổ lỗi cho trên là không hướng dẫn. Người dân cho là chính quyền không quan tâm, chính quyền cho là người dân không chấp hành.

Cho rằng “đây là văn hóa đổ lỗi trong quy trách nhiệm”, đại biểu tỉnh Đồng Tháp cho rằng, chúng ta phải nhìn thẳng vào các tồn tại, bịt ngay lỗ hổng trong công tác xây dựng lập pháp, hướng dẫn triển khai thực hiện, giám sát thực hiện. 

"Hơn hết là hãy dừng đổ lỗi để truy xét trách nhiệm rõ hơn, nhận trách nhiệm nghiêm túc hơn, từ đó tìm giải pháp phù hợp hơn", đại biểu kết luận./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top