Aa

Báo cáo môi trường Hà Nội 2019 sử dụng số liệu 2005: Sẽ thận trọng hơn

Chủ Nhật, 10/11/2019 - 06:10

Liên quan việc sử dụng số liệu môi trường Hà Nội từ năm 2005 trong báo cáo của Chính phủ về việc thi hành Luật Thủ đô, Bộ Tư pháp chỉ đạo các đơn vị thận trọng hơn.

Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Tư pháp diễn ra mới đây, phóng viên đã đặt câu hỏi về trách nhiệm của những cán bộ liên quan trong việc Báo cáo số 296/BC-CP của Chính phủ về việc thi hành Luật Thủ đô trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội sử dụng số liệu liên quan đến ô nhiễm không khí ở Nội công bố từ năm 2005 để báo cáo môi trường Hà Nội năm 2019.

Trả lời báo giới, ông Nguyễn Quốc Hoàn - Phó Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Tư pháp cho biết, ngày 17/10, Bộ Tư pháp đã có báo cáo chính thức gửi các đại biểu để sử dụng trong kỳ họp Quốc hội.

“Với tinh thần trách nhiệm, tiếp thu các ý kiến góp ý của cơ quan thông tấn, báo chí, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo các đơn vị, công chức của Bộ thận trọng trong việc sử dụng số liệu, nguồn thông tin để phục vụ cho công tác chuyên môn của mình", ông Nguyễn Quốc Hoàn chia sẻ.

Ông Nguyễn Quốc Hoàn - Phó Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Tư pháp trả lời tại buổi họp báo.

Như đã đưa tin, trong Báo cáo số 296/BC-CP của Chính phủ về việc thi hành Luật Thủ đô ngày 19/7/2019 do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thay mặt Chính phủ, thừa uỷ quyền Thủ tướng ký gửi đến Quốc hội, Bộ Tư pháp nêu những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong thi hành Luật Thủ đô. Tuy nhiên, các số liệu về môi trường trong báo cáo đã được công bố trên báo chí từ cuối năm 2005 - trước khi Luật Thủ đô có hiệu lực 8 năm.

Trả lời báo chí, lãnh đạo Bộ Tư pháp thừa nhận thông tin về môi trường Hà Nội trong báo cáo nêu trên được lấy từ bài viết của một tờ báo mạng, đăng tải năm 2018. Cán bộ tham mưu sơ suất, không để ý thông tin tờ báo đó dẫn lại thông tin từ năm 2005 nên tưởng số liệu mới.

Được biết, báo cáo về việc thi hành Luật Thủ đô nêu trên dẫn thông tin: “Thống kê gần đây nhất cho thấy, mỗi năm môi trường không khí TP. Hà Nội phải tiếp nhận khoảng 80.000 tấn bụi khói, 9.000 tấn khí SO2, 19.000 tấn khí NO2, 46.000 tấn khí CO2. Trong đó, quá trình phá dỡ, đào, san lấp, vận chuyển vật tư và tập trung nhiều thiết bị thi công có sử dụng động cơ diezen công suất cao đã phát thải khí độc hại như SO2, NOx, CO… làm ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân trên một diện rộng quanh khu vực thi công”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top