Lời dẫn: Nhiều năm qua, những sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng đã trở thành vấn đề nhức nhối tại Hà Nội. Trước tình trạng này, mới đây chính quyền thành phố đã có những động thái mạnh mẽ, yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp, biện pháp xử lý, khắc phục các vi phạm đất đai.
Với mong muốn đồng hành cùng chính quyền Thủ đô trong công cuộc chống sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng, chúng tôi sẽ phản ánh đến độc giả những thông tin trung thực, chính xác nhất về công tác xử lý, khắc phục các vi phạm trên tại địa bàn Hà Nội. Tin rằng, với những hành động quyết liệt từ bộ máy chính quyền thành phố, các sai phạm này sẽ được xử lý triệt để trong thời gian tới.
Bức xúc trước sai phạm của lãnh đạo chính quyền, người dân gửi đơn thư tố cáo
Ngày 1/7/2020, UBND quận Tây Hồ có văn bản số 825/UBND – TTr gửi ông Đào Tuấn Long (địa chỉ tại P34-C7, tập thể Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội) về việc thông báo xử lý đơn tố cáo.
Theo đó, ngày 16/06/2020, UBND quận Tây Hồ nhận được đơn thư tố cáo đề ngày 15/06/2020 của ông Đào Tuấn Long (địa chỉ tại P34C7, tập thể Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội) tố cáo đích danh ông Nguyễn Công Quảng - Phó chủ tịch UBND phường Tứ Liên, có hành vi lợi dụng quyền hạn, huỷ hoại tài sản của công dân, vi phạm Bộ Luật Hình sự.
Sau khi xem xét nội dung đơn thư tố cáo, căn cứ quy định của Luật Tố cáo năm 2018, UBND quận Tây Hồ đề nghị ông Long liên hệ với cơ quan Công an quận Tây Hồ để thụ lý, giải quyết theo quy định của pháp luật.
Trước đó, ông Đào Tuấn Long (SN 1971) đã có đơn thư tố cáo gửi đến Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội và các cơ quan chức năng, tố cáo đích danh ông Nguyễn Công Quảng, Phó chủ tịch UBND phường Tứ Liên về việc ông Quảng chỉ đạo người đến phá dỡ tài sản nhà ông Long nằm trên địa phận phường Tứ Liên mà không hề có văn bản chỉ đạo, thông báo cho chủ hộ, gây ra thiệt hại lớn cho gia đình ông Long.
Như trong bài viết "Lãnh đạo phường Tứ Liên buông lỏng hay "làm ngơ" cho sai phạm trật tự xây dựng?" đã nêu trường hợp một người dân khác là ông Dương Tiến Sử (địa chỉ ngõ 76, phố An Dương, phường Tứ Liên, quận Tây Hồ) cũng gửi đơn thư tố cáo đích danh ông Nguyễn Công Quảng về việc “tạo điều kiện” cho sai phạm trật tự xây dựng (TTXD) tràn lan trên địa bàn phường Tứ Liên, Tây Hồ, Hà Nội. Theo nội dung đơn thư, từ năm 2019 cho đến nay, ông Nguyễn Công Quảng sau khi được điều động giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND phường Tứ Liên đã có nhiều dấu hiệu không làm tròn trách nhiệm, dẫn đến nhiều sai phạm trong trật tự xây dựng trên địa bàn.
Cụ thể, trong nội dung đơn tố cáo nêu chính xác các công trình tại số 80B ngõ 310 đường Nghi Tàm; số nhà 27 và 47 thuộc ngách 35/76 phố An Dương; số nhà 3 ngõ 172 phố Âu Cơ đều không có giấy phép nhưng tiến hành xây dựng 3 tầng kiên cố. Hiện tại, ông Dương Tiến Sử đã gửi đơn tố cáo ông Nguyễn Công Quảng lên UBND quận Tây Hồ và các ban ngành chức năng với mong muốn làm rõ các vấn đề sai phạm xảy ra trên địa bàn phường Tứ Liên.
Trước đó, phóng viên đã liên hệ và đặt lịch làm việc tại UBND Phường Tứ Liên, nhưng đã hơn 2 tháng (từ tháng 5/2020 đến tháng 7/2020) chính quyền phường Tứ Liên vẫn "né tránh" mặc dù giấy giới thiệu của PV đã có bút phê trả lời của Chủ tịch UBND quận Tây Hồ - ông Đỗ Anh Tuấn. Bên cạnh đó, khi trao đổi qua điện thoại với ông Nguyễn Việt Cường, chủ tịch UBND phường Tứ Liên, ông Cường cho biết hiện chưa nắm được thông tin người dân và báo chí phản ánh.
Tình trạng sai phạm TTXD tại phường Tứ Liên vẫn..."đều như vắt chanh" dù thành phố chỉ đạo quyết liệt
Ngày 25/3/2019, trước những diễn biến phức tạp trong công tác quản lý TTXD, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội đã tổ chức phiên giải trình về công tác quản lý TTXD. Đây là nội dung được HĐND thành phố Hà Nội quan tâm giám sát, chất vấn và tái chất vấn tại ba kỳ họp liên tiếp của HĐND thành phố khóa 15.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội năm 2019, hiện vẫn còn hàng chục công trình vi phạm TTXD trên địa bàn các quận như Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thạch Thất, Hoài Đức vẫn chưa được xử lý. Trách nhiệm này thuộc về chính quyền các quận, huyện.
Điều đáng nói, đại biểu HĐND thành phố cũng như các cử tri đặt ra là vì sao các sai phạm dù đã rõ địa chỉ, đã được các cấp, các ngành kết luận thanh tra, thậm chí đã từng bị cưỡng chế tháo dỡ, song đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Cá biệt, nhiều vi phạm cũ chưa được xử lý thì đã phát sinh sai phạm mới.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, việc phát hiện vi phạm TTXD ở cơ sở chậm trễ, thậm chí có biểu hiện làm ngơ, bao che cho vi phạm của cán bộ TTXD cơ sở.
Về nguyên nhân dẫn đến những vi phạm còn kéo dài, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội bà Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng nêu quan điểm, một phần là do lực lượng Thanh tra Xây dựng chưa làm hết trách nhiệm. Việc phối hợp với các quận, huyện, thị xã trong việc kiểm tra, đôn đốc còn lỏng lẻo, chưa rõ ràng, ý thức chấp hành của một bộ phận người dân chưa cao… Từ những nguyên nhân này, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị chủ tịch, bí thư ở các địa phương phải tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị 08-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, các cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường trách nhiệm của đội quản lý trật tự xây dựng, kiên quyết xử lý triệt để sai phạm cũ, không để phát sinh vi phạm mới.
Bên cạnh đó, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội cũng đề nghị tăng chế tài xử lý vi phạm hành chính. Đồng thời, đề nghị các địa phương đổi mới công tác tuyên truyền để người dân thực hiện đúng pháp luật; UBND TP chỉ đạo các đơn vị rà soát công tác quản lý, bảo đảm từng địa phương, các cấp, các ngành phải rõ nhiệm vụ, rõ trách nhiệm được giao.
Những chỉ đạo của chính quyền thành phố Hà Nội vô cùng rốt ráo, tuy nhiên trên thực tế, tình hình vi phạm TTXD trên địa bàn thành phố đến nay vẫn không có nhiều chuyển biến, thậm chí còn "nóng" hơn, khiến những người dân thủ đô buộc phải gửi đơn thư tố cáo lãnh đạo chính quyền cơ sở.
Ngoài những sai phạm về TTXD đã được người dân chỉ ra trên địa bàn phường Tứ Liện (quận Tây Hồ), trên địa bàn phường Tứ Liên còn phát hiện rất nhiều sai phạm như công trình 145 Âu Cơ hay tại địa chỉ số 8 ngõ 124/64 đường Âu Cơ, công trình đã xây dựng 6 tầng sai quy định.
Một số công trình tại hẻm 50 ngõ 310 Nghi Tàm cũng trong tình trạng tương tự khi mảnh đất này có nguồn gốc là đất nông nghiệp nhưng giờ đã thành ngôi nhà 2 tầng kiên cố. Tiếp đến là công trình tại địa chỉ số 55 ngách 172/55 Âu Cơ (ngách 124/55 Âu Cơ kéo dài) được quây tôn xây dựng 3 tầng trên nền đất nông nghiệp, hiện đang trong giai đoạn hoàn thiện. Hay công trình số 115 đường nước Phần Lan, được xây dựng đến tầng thứ 5 trên đất nông nghiệp.
GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường từng khi trao đổi với báo chí: "Trên thực tế, nhiều hộ gia đình có nhu cầu tách hộ nhưng không thể đủ điều kiện để mua đất giãn dân đã dẫn đến tình cảnh “làm liều” xây dựng trên đất nông nghiệp. Cùng với đó, tình trạng một số cán bộ bao che, tiếp tay cho sai phạm để thu lợi bất chính.
Bên cạnh đó, khi xử lý cùng một vi phạm thì hiện còn có sự chồng chéo giữa Nghị định số 102/2014/NĐ-CP và Nghị định số 139/2017/NĐ-CP về thời gian xử lý cưỡng chế vi phạm. Để giải quyết triệt để vấn đề này, chúng ta cần phải xây dựng một cơ chế chính sách tạo điều kiện cho người dân có thể mua được đất giãn dân, tái định cư với mức giá phù hợp.
Đồng thời sửa đổi để có sự dung hòa giữa Nghị định số 102/2014/NĐ-CP và Nghị định số 139/2017/NĐ-CP. Dựa trên các quy định pháp luật, cơ quan cấp trên thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm sai phạm nếu có".