Không gian phố đi bộ Hồ Gươm chuẩn bị được chỉnh trang, mở rộng (ảnh Quang Dương)
Theo tìm hiểu được biết, tại buổi giao ban báo chí do Ban tuyên giáo Thành Ủy Hà Nội tổ chức vào chiều 11/9 vừa qua, UBND quận Hoàn Kiếm đã đề xuất mở rộng không gian đi bộ phía Nam khu phố cổ kết nối với phía Bắc khu vực hồ Hoàn Kiếm. Chủ trương của UBND quận Hoàn Kiếm được đánh giá nhằm giảm áp lực đông người và phù hợp với thực tiễn, kết hợp 2 khu vực không gian đi bộ thành một chỉnh thể thống nhất.
Xung quanh thông tin này, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có buổi làm việc với ông Phạm Tuấn Long – Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm.
Ông Phạm Tuấn Long – Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm trao đổi về những kết quả tích cực sau khi triển khai phố đi bộ.
Ông Phạm Tuấn Long cho biết: Từ năm 2004, khi phố cổ được xếp hạng là di tích quốc gia, quận đã tổ chức đi bộ trên 5 phố Hàng Ngang - Hàng Đào - Hàng Đường - Đồng Xuân - Hàng Giấy gắn với chợ đêm (phố thương mại). Sau đó, nhân dịp kỉ niệm giải phóng Thủ đô 10/10/2014, quận tiếp tục tổ chức phố đi bộ trong khu bảo tồn cấp 1 khu phố cổ Hà Nội gồm 6 phố Mã Mây - Hàng Giầy - Lương Ngọc Quyến - Hàng Buồm - Tạ Hiện và Đào Duy Từ (phố đi bộ du lịch dịch vụ). Mới nhất, năm 2016, quận tiến hành tổ chức phố đi bộ trong khu vực hồ Hoàn Kiếm (phố đi bộ kết hợp cảnh quan mặt nước, cây xanh và không gian công cộng).
Từ khi đi vào hoạt động, phố đi bộ đã trở thành điểm đến sinh hoạt cộng đồng cho người dân Hà Nội. Phố đi bộ Hồ Gươm trở thành không gian giao lưu văn hóa, thu hút du lịch. Đáng chú ý, kinh tế quận đã có bước phát triển mạnh: Năm 2014 tổng thu của quận là 3500 tỷ, đến 2018 là hơn 7700 tỷ. Như vậy, chỉ trong 4 năm triển khai phố đi bộ, tổng nguồn thu quận Hoàn Kiếm đã tăng lên gấp đôi. Lượng khách du lịch tăng đáng kể, năm 2017 khách du lịch quốc tế tăng 23%. Từ đầu năm 2018 đến nay, khu phố đi bộ đón hơn 2 triệu lượt khách.
Các sự kiện lớn, nhỏ được tổ chức với mật độ dày đặc tại khu vực phố đi bộ (ảnh Quang Dương).
Chính những hoạt động, dich vụ phát sinh kèm theo phố đi bộ đã giải quyết việc làm trên địa bàn quận, giảm hộ nghèo. Số hộ nghèo những năm qua giảm mạnh, toàn quận hiện chỉ có 43 hộ.
Việc quản lý không gian, đảm bảo an ninh trật tự được UBND quận Hoàn Kiếm đặt lên hàng đầu và là nhiệm vụ trọng tâm. Ông Phạm Tuấn Long khẳng định: Có những ngày cao điểm, phố đi bộ đón hơn 2 vạn lượt tham quan, vì vậy nếu không có biện pháp xử lý sẽ gây hỗn loạn, ảnh hưởng đến du khách. Quận đã lập các chuyên án xử lý nghiêm việc chèo kéo khách du lịch, tình trạng cướp giật không hề tồn tại, UBND quận luôn kiểm soát gắt gao đối với vấn nạn trộm cắp móc túi.
Ông Phạm Tuấn Long đánh giá, hồ Hoàn Kiếm đã, đang và sẽ trở thành sân khấu ngoài trời của TP Hà Nội. Khu vực phố đi bộ là địa điểm vàng để quảng bá, giới thiệu văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Suối thời gian qua, khu vực phố đi bộ Hồ Gươm đã tổ chứ 1081 sự kiện tầm cỡ quốc gia, cấp thành phố và nhiều lễ hội truyền thống.
Mở rộng tuyến phố đi bộ sẽ đem đến nhiều hiệu quả rõ rệt trong việc thu hút khách du lịch (ảnh Quang Dương).
Với những hiệu quả đã đạt được, UBND quận Hoàn Kiếm có chủ tương mở rộng tuyến phố đi bộ, thêm các tuyến Gia Ngư – Đinh Liệt – Hàng Bè – Hàng Bạc vào quy hoạch. Tuy nhiên, để thực hiện điều này, hiện UBND quận đang tiến hành chỉnh trang toàn bộ khu phố cổ, sửa sang hè phố, bố trí lại giao thông, đảm bảo công tác vệ sinh môi trường.
Trong năm qua, UBND quận Hoàn Kiếm đã phối hợp với Sở Xây dựng triển khai các dự án đầu tư cải tạo hạ tầng kỹ thuật như: Hoàn thiện công tác chuẩn bị dự án đầu tư cải tạo nâng cấp chỉnh trang khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm; Lắp đặt bổ sung hệ thống đèn chiếu sáng xung quanh đường dạo của hồ, tại các điểm di tích và những công trình kiến trúc đẹp; Phối hợp với Cty TNHH MTV thoát nước Hà Nội thực hiện dự án Cải tạo môi trường nước hồ Hoàn Kiếm – hạng mục nạo vét hồ; Chỉnh trang các công trình trên tuyến phố Đinh Tiên Hoàng – Lê Thái Tổ - Hàng Khay, Hàng Hành, Đinh Lễ, Nguyễn Xí, Cầu Gỗ, Nhà Thờ, Tràng Thi…