
Hà Nội: Tuyến đường 2km làm gần 10 năm chưa hoàn thành
Dự án xây dựng tuyến đường từ phố Tố Hữu đến đường 70 kéo dài (đoạn từ làng Vạn Phúc, quận Hà Đông cũ đến tổ dân phố Tháp, phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm cũ) khởi công từ năm 2016, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2020, thế nhưng đến nay vẫn còn ngổn ngang.
***
Tuyến đường được kỳ vọng trở thành trục giao thông huyết mạch phía Tây Hà Nội, giúp giảm tải áp lực cho tuyến đường 70 cũ vốn đã quá tải, đồng thời kết nối giao thông giữa các khu vực và giảm ùn tắc trên các tuyến đường chính như Đại lộ Thăng Long, Tố Hữu và Lê Quang Đạo. Tuy nhiên, sau gần 10 năm triển khai, dự án vẫn chưa thể hoàn thành.
Dự án này do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Nam Từ Liêm (cũ) làm đại diện chủ đầu tư, được khởi công năm 2016, có tổng mức đầu tư hơn 581 tỷ đồng với tổng chiều dài 2.067m... Đến nay, dự án mới hoàn thành khoảng 68% khối lượng theo hồ sơ thiết kế được duyệt.
Sau gần 10 năm triển khai, dự án xây dựng tuyến đường từ phố Tố Hữu đến đường 70 kéo dài tới nay vẫn chưa hoàn thành.
Ghi nhận thực tế của PV Reatimes cho thấy, đoạn đầu dự án nối với đường 70 chưa hoàn thành, nhưng vẫn phải thông tuyến để người dân đi lại nên khu vực rất bụi bẩn, ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan nghiêm trọng.
Vì mới thi công được 1/2 tuyến, phía trái tuyến chưa thi công nên đường rất xấu, nhiều hố lớn gây khó khăn và nguy hiểm cho việc đi lại của người dân. Đặc biệt, đoạn cuối dự án giáp đường 70 kéo dài, đi vào Aeon Mall Hà Đông, dài khoảng 500m cũng trong tình trạng thi công dang dở.
Nhiều đoạn có mặt bằng đã được thi công xong hầu hết các hạng mục và thông tuyến, còn đoạn chưa giải phóng mặt bằng, chưa triển khai thi công đã khiến khoảng 200m đường bị thắt cổ chai, nền đường hai bên không đều nhau nên tạo thành độ dốc, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.


Nhiều đoạn hàng rào giữa hai làn đường đổ xiêu vẹo, tấm tôn cong vênh chờm ra lối đi lại có thể gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.



Nền đường nhiều đoạn thảm nhựa, nhưng có chỗ đổ bê tông, chỗ lại trơ đá vụn...
Khu vực này có mật độ dân cư cao với nhiều chung cư và trường học. Tuy nhiên, đường chưa có hệ thống chiếu sáng, mặt đường xuống cấp khiến tai nạn giao thông, ùn tắc xảy ra thường xuyên, đặc biệt vào giờ cao điểm.
Với phần đường đã làm xong, vỉa hè lại là nơi để các cửa hàng kinh doanh hai bên đường tập kết hàng hóa, vật liệu sản xuất khiến cho con đường đã hẹp lại càng hẹp hơn, gây khó khăn trong việc đi lại.
Trao đổi với báo chí, ông Lê Quang Cường, cán bộ phụ trách dự án, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Nam Từ Liêm (cũ) cho biết: “Nguyên nhân chính khiến dự án chậm tiến độ là do công tác giải phóng mặt bằng chưa hoàn thành. Chưa có mặt bằng nên chúng tôi phải tạm dừng thi công dự án".
Dự án hạ tầng giao thông chậm tiến độ không chỉ gây lãng phí ngân sách đã đầu tư, mà còn để lại nhiều hệ lụy trong phát triển đô thị, tiềm ẩn nhiều nguy cơ với người tham gia giao thông như ùn tắc, tai nạn.


Đoạn từ Vạn Phúc đến Đại Mỗ hiện mới chỉ trải nhựa một chiều, chiều còn lại vẫn là mặt đường gồ ghề, ngăn cách bởi hàng rào tôn cao gần 2m chạy suốt tuyến.



Khởi công năm 2016 và dự kiến hoàn thành vào năm 2020 nhưng đến nay dự án vẫn "án binh bất động", không có sự hiện diện của đơn vị thi công, máy móc.
Nhiều người dân sinh sống hai bên đường của dự án này cho biết, do hai chiều đường chênh lệch độ cao với nhau có chỗ tới 30cm nên hễ trời mưa to là nước mưa từ bên cao lại đổ sang bên thấp hơn. Nếu dự án vẫn "bất động" thì đoạn đường trước cửa nhà các hộ dân vẫn phải chứng kiến cảnh tắc nghẽn hàng ngày, mưa là ngập.





Vỉa hè và hàng rào ngăn cách giữa hai làn đường đang thi công lại thành nơi để phế thải, rác thải...


Việc ùn tắc giao thông thường xuyên trên con đường này gây nhiều bất tiện và bức xúc cho người dân.



Dọc tuyến đường, nhiều khu nhà tôn lụp xụp mọc lên làm nhà xưởng; vỉa hè, lòng đường bị biến thành nơi tập kết hàng hóa, chỗ đổ rác thải...
Đến nay, dự án mới hoàn thành khoảng 68% khối lượng theo hồ sơ thiết kế được phê duyệt. Nguyên nhân chính khiến dự án chậm tiến độ là do công tác giải phóng mặt bằng chưa hoàn tất.