Tại Hà Nội, hễ trời mưa là nhiều khu đô thị mới ngập sâu trong biển nước. Có thể kể đến như khu đô thị Dương Nội (Hà Đông), khu đô thị Văn Phú (Hà Đông), khu đô thị Cổ Nhuế (Bắc Từ Liêm), Khu đô thị An Khánh (Hoài Đức).....Các khu đô thị này nằm chủ yếu ở phía Tây và Tây Bắc của Hà Nội.
Đánh giá về nguyên nhân ngập sâu tại Hà Nội, đặc biệt là phía Tây và Tây Nam, ông Phạm Ngọc Đăng, Chủ tịch Hội Môi trường đô thị từng cho biết, Hà Nội đã mở rộng về phía Tây với việc hình thành nhiều khu đô thị song cốt nền tại nhiều khu đô thị mới không đồng nhất, khu vực xây dựng sau hay cao hơn khu vực trước. Trong khi đó, việc thoát nước khu phía Tây vẫn dựa trên hệ thống tưới tiêu nông nghiệp, chưa đầu tư hệ thống thoát nước đô thị.
"Trước đây, phía Tây thủ đô là đồng ruộng, ao hồ rất dễ thoát nước vì mưa ngấm xuống đất, song nay khu vực này đã bê tông hóa, nước không thể thấm xuống bê tông nên bị ứ đọng trên diện rộng. Quận Hà Đông cũng vậy, Hà Đông ngập là do tốc độ đô thị hóa khu vực này quá nhanh, song không có sự kiểm soát cốt nền trong các dự án xây dựng cũng như không có giải pháp về thoát nước đồng bộ khu vực", ông Đăng nói.
Câu chuyện ngập do quy hoạch cũng là bài toán chưa có lời giải tại TPHCM. Mới đây, trận mưa chiều tối 26 và 27/9 cũng gâp ngập khắp nơi. Đặc biệt, đường Nguyễn Lương Bằng đi qua khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7) nước ngập 40-60 cm. Còn trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, D2 (Bình Thạnh) nước ngập đến nửa mét. Các tuyến đường ở khu vực Q.2, Bình Thạnh, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Tân...cũng trong tình trạng ngập nặng
Nhận định về nguyên nhân Sài Gòn TS Phạm Sanh (giảng viên ĐH GTVT) cho biết hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố khi áp dụng các tiêu chuẩn, quy hoạch đã quá lạc hậu, lỗi thời, không còn phù hợp với tình hình thực tế và diễn biến mưa lũ phức tạp như thời gian gần đây. Bên cạnh đó, nhiều chủ đầu tư khi đầu tư xây dựng hạ tầng thoát nước thì thường chỉ biết làm sao thoát nước cho con đường mình làm, chứ chưa tính toán đến kết nối đồng bộ, giải quyết ngập cho toàn khu vực xung quanh.
“Theo tôi, ngoài tính toán thiết kế hệ thống thoát nước cho từng tuyến đường, thành phố cần phải quy hoạch, xây dựng các hầm sự cố, hồ điều tiết dưới lòng đất tại từng khu vực, vùng để ứng phó cho việc tiêu thoát nước về các hầm sự cố, hồ điều tiết khi xảy ra những cơn mưa vượt tần suất như chiều tối 26.9” - TS Phạm Sanh đề xuất.
Bàn về vấn đề ngập lụt sâu ở các thành phố lớn hiện nay ông Bùi Thiện Cảnh, Tổng giám đốc CP Đô Thị FPT Đà Nẵng cho biết: "Tôi cho rằng, các đô thị lớn nên học tập Đà Nẵng. Quy hoạch Đà Nẵng luôn đi trước sự phát triển của đô thị khoảng 10 năm. Chính vì thế không chỉ vấn đề về ngập lụt mà ngay đến quy hoạch đô thị của Đà Nẵng cũng rất đồng nhất".
"Hơn thế nữa, ngoài chính quyền thì hiện nay các doanh nghiệp phát triển BĐS tại Đà Nẵng cũng rất chú trọng đến quy hoạch đô thị. Chẳng hạn như tại dự án FPT City được chúng tôi quy hoạch theo thiết kế chuẩn dựa trên những tính toán về cấp thoát nước và cao độ để không bị tác động bởi thủy triều trong vòng 50 năm tới. Cụ thể, nếu như so với mặt nước biển, thành phố Đà Nẵng là 4m thì tại FPT City cao độ tối thiểu của khu đô thị này là 4,5m", ông Cảnh nhấn mạnh.
Bàn về hình mẫu quy hoạch ở Đà Nẵng, ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cũng đã từng khẳng định: "Dấu ấn cho sự phát triển đô thị Đà Nẵng trong những thập kỷ qua là quy hoạch đi trước một bước để đầu tư phát triển hạ tầng. Đà Nẵng là đô thị thực hiện có hiệu quả đồ án quy hoạch phát triển. Thành phố ven biển miền Trung này thực hiện có chất lượng và có tầm nhìn ở đồ án quy hoạch chung, triển khai có ý tưởng rành mạch về các phân khu chức năng quy hoạch chi tiết".
Có lẽ cũng chính vì có tầm nhìn và chiến lược trong quy hoạch nên thành phố Đà Nẵng luôn là hình mẫu về quy hoạch mà hiện nay các thành phố lớn đang hướng tới. Và phải chăng cách làm của Đà Nẵng cũng là một trong những phương án để Hà Nội và TPHCM học tập khi đang loay hoay tìm lời giải cho bài toán "hễ mưa là ngập"./.