Aa

Hà Nội: Vì sao đất dự án vẫn ngang nhiên bị “băm nát”?

Thứ Hai, 29/04/2019 - 02:00

Nhiều khu đất dự án trên địa bàn TP. Hà Nội vẫn đang bị “băm nát” và biến tướng thành các gara ô tô, quán ăn, nhà xưởng,... Vậy, tại sao tình trạng này vẫn ngang nhiên diễn ra?

Những năm trước, khi thị trường bất động sản phát triển “nóng”, hàng loạt chủ đầu tư đua nhau xin cấp đất để xây dựng dự án nhà ở, trung tâm thương mại… Trong đó, hàng trăm nghìn mét vuông đất nông nghiệp được quy hoạch trở thành đất dự án.

Nhìn vào những bản vẽ quy hoạch hoành tráng của các khu đô thị mới, khu nhà ở, khu phức hợp,… người dân đều nghĩ đến một viễn cảnh tươi sáng về bức tranh đô thị hiện đại sau khi hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được hoàn thành.

Tuy nhiên, thực tế đáng buồn đang diễn ra là nhiều dự án bị chậm tiến độ cả chục năm trời và đến nay vẫn chỉ “nằm trên giấy”. Đó là chưa kể, thay vì những tòa nhà cao tầng, biệt thự, trung tâm thương mại được xây dựng, thì tại nhiều quận nội thành Hà Nội, các ô đất dự án đang bị biến tướng thành nhà hàng, sân bóng mini, gara ô tô,...

Không quá khi nói, chính việc sử dụng đất sai mục đích trên đã làm phá vỡ quy hoạch, khiến cho bộ mặt đô thị Thủ đô trở nên nhếch nhác. Trong năm 2018 vừa qua, TP. Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong việc “mạnh tay” thu hồi các dự án sử dụng đất chậm triển khai cũng như vi phạm Luật Đất đai.

Vậy nhưng đến thời điểm hiện tại, UBND TP. Hà Nội mới chỉ ban hành quyết định thu hồi 16 dự án. Nhìn vào con số khiêm tốn trên so với số liệu thống kê gần 400 dự án có tình trạng ôm “đất vàng” nhiều năm không chịu triển khai, nhiều ý kiến cho rằng, chính quyền TP. Hà Nội cần phải làm quyết liệt và hiệu quả hơn nữa.

Theo số liệu, riêng trên địa bàn quận Cầu Giấy đã có hơn 20 dự án trên tổng số 172 dự án ngoài ngân sách chậm triển khai được các quận, huyện, thị xã đề nghị rà soát trong giai đoạn 2012 - 2017.

Trong số các dự án này, không ít những chủ đầu tư bị đặt dấu hỏi về năng lực tài chính để có thể tiếp tục triển khai dự án, hay lại tiếp tục ôm tiếp “đất vàng” chưa thể xây dựng. Cùng với đó, trên các khu đất dự án chậm triển khai ấy, tình trạng biến tướng và “xẻ thịt” đất dự án vẫn đang diễn ra khiến dư luận bức xúc.

Qua khảo sát, các khu đất dự án bị biến tướng sử dụng sai mục đích nằm tập trung tại Khu đô thị mới Cầu Giấy, Khu đô thị mới Yên Hòa, Khu đô thị mới Nam Trung Yên,… Những dự án này đang nằm “đắp chiếu” nhiều năm và hiện tại đang được biến thành các tụ điểm ăn uống, gara ô tô, sân bóng mini,...

Tình trạng đất dự án bị

Tình trạng đất dự án bị "xẻ thịt" và biến tướng thành tụ điểm ăn uống, sân tennis,... vẫn đang diễn ra trên địa bàn nhiều quận, huyện của TP. Hà Nội. (Ảnh: Hà Cường)

Vì sao những khu đất đã nằm trong quy hoạch và các dự án đầu tư xây dựng đã được phê duyệt, nhưng tình trạng “xẻ thịt” đất dự án vẫn ngang nhiên diễn ra? Nguyên nhân nào khiến những vi phạm “to như con voi” ấy qua mặt được các lực lượng chức năng, đặc biệt là lực lượng quản lý trật tự xây dựng đô thị các quận, huyện?

Việc chủ đầu tư chậm triển khai đầu tư xây dựng dự án có nhiều nguyên nhân khác nhau, cả về mặt chủ quan và khách quan. Tuy nhiên, thật khó để có thể giải thích việc đất dự án bị “băm nát” và sử dụng sai mục đích không có trách nhiệm của các cấp quản lý địa phương.

Có thể nói, tình trạng vi phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn TP. Hà Nội luôn là vấn đề “nóng” và đòi hỏi các lực lượng chức năng phải thường xuyên sát sao, quyết liệt. Đây cũng là điều mà các lãnh đạo của TP. Hà Nội đã nhiều lần nhắc đến.

Mới đây, tại phiên giải trình về quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP. Hà Nội ngày 25/3, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, các sai phạm về trật tự xây dựng của Hà Nội tập trung vào một số nhóm chính gồm: Vi phạm ở các công trình, dự án của các chủ đầu tư; vi phạm ở các công trình do các cá nhân, hộ gia đình xây dựng; vi phạm đất nông nghiệp, đất công do phường/xã quản lý; phát sinh nhà siêu mỏng, méo do mở đường;…

Ông Chung cũng cho hay, nhóm vi phạm trật tự xây dựng tại các dự án nhà ở, bất động sản là khá “nhức nhối”. “Một trong những nguyên nhân là phát hiện sai phạm ở cơ sở không kịp thời, có nơi cán bộ biểu hiện làm ngơ, bao che nên khi công trình sai ở quy mô lớn mới được phát hiện”, ông Chung nói về nguyên nhân để tình trạng vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn TP. Hà Nội.

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc thì cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến các công trình vi phạm tồn tại kéo dài là lực lượng Thanh tra xây dựng chưa làm hết trách nhiệm.

“Hộ dân xây nhà, chỉ đẩy một xe cát vào thanh tra xây dựng đã biết. Nhưng tại sao có những cái nhà xây to như con voi mà chúng ta không biết? Rõ ràng ở đây làm chưa hết trách nhiệm, chỉ lập biên bản báo cáo để đấy chứ không xử lý”, bà Ngọc nhận định.

Thiết nghĩ, chính quyền TP. Hà Nội cần có chỉ đạo quyết liệt hơn nữa và các lực lượng quản lý trật tự xây dựng đô thị quận, huyện phải thấy rõ được vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. Để từ đó, không chỉ các cấp chính quyền địa phương mà bản thân các chủ đầu tư dự án, cộng đồng xã hội cùng chung tay góp sức để xây dựng bộ mặt đô thị Thủ đô văn minh, khang trang hơn.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top