Theo thống kê, cứ 1km trên sông Kim Ngưu có tới 7 ống cống xả thải trực tiếp ra lòng sông. Những đường ống như “vết tiêm độc dược” này đang ngày ngày biến sông Kim Ngưu – một chứng tích còn lại của Hà Nội xưa trở thành “dòng sông chết”.
Với quyết tâm “hồi sinh” một dòng sông nhằm lấy lại vẻ đẹp cho tuyến vành đai thành phố, thành phố Hà Nội đang huy động nhiều trí lực của cả cơ quan quản lý và xã hội để cải tạo môi trường sông Kim Ngưu. Đáng chú ý, mới đây ý tưởng đề xuất xây dựng dòng sông này thành “dòng sông hai đáy” đã nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân thành phố. Công ty R&D Planners (đơn vị tư vấn đề xuất ý tưởng trên) đang phối hợp với nhà đầu tư xem xét, đánh giá và điều chỉnh các đề xuất dự án cho phù hợp hơn để trình UBND thành phố Hà Nội cho chủ trương trong thời gian tới.
Cải tạo triệt để môi trường nước và không khí
Theo khảo sát của Công ty R&D Planners, sông Kim Ngưu hiện như một tuyến kênh phục vụ thoát nước mưa, nước thải và đang bị ô nhiễm. Dọc sông là phố Kim Ngưu với lưu lượng giao thông lớn, kết nối vành đai I và II của Hà Nội. Khu vực đô thị này có mật độ dân số cao, trong khi hạ tầng kỹ thuật cũ kỹ, phát triển từ 15 - 20 năm trước.
Con sông không chỉ hứng chịu nước thải dân cư xung quanh khu vực mà còn tiếp nhận một lượng nước thải lớn từ đường Lò Đúc, Trần Khát Chân không qua xử lý, xả thẳng vào. Cảnh quan tổng thể khu vực đã xuống cấp; hệ thống hạ tầng xã hội, thương mại dịch vụ ở mức trung bình so với mặt bằng chung của Hà Nội.
Trước thực trạng trên, Công ty R&D Planners đã đề xuất ý tưởng chỉnh trang đô thị, cải tạo môi trường sông Kim Ngưu, đoạn từ ngã tư Lò Đúc – Trần Khát Chân tới cầu Mai Động, dài khoảng 1,2km với diện tích 42.000m2. Trong tương lai, dự án sẽ hoàn thành toàn tuyến dài 3km, nối với trạm bơm Yên Sở, đảm bảo mục tiêu cải tạo môi trường cảnh quan, ô nhiễm mùi, không khí do sông Kim Ngưu gây ra.
Ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty R&D Planners cho biết: Dự án đề xuất 6 giải pháp cơ bản, theo đó sẽ hình thành sông hai lớp. Lớp dưới là hệ thống cống ngầm được xây dựng dưới lòng sông, từ cốt đáy hiện trạng, cao 4,4 - 4,6m. Hệ thống cống ngầm này sẽ thu gom 100% nước thải đổ ra sông hiện nay, bảo đảm thoát nước mưa và nước thải về trạm bơm Yên Sở. Nước thải sẽ được thu gom và thoát theo đường thoát riêng biệt. Lớp trên chính là hệ thống mặt nước sông sẽ được phát triển kết hợp giữa không gian thương mại dịch vụ, cây xanh cảnh quan và đường dạo đi bộ dọc sông. Sau cải tạo, sông sẽ có mặt cắt lòng sông từ 16 - 18m, chiều sâu lòng sông từ 1 - 1,2m. Nguồn nước cấp cho lòng sông có thể từ nguồn nước mặt phố Kim Ngưu, nước mặt các công trình cao tầng trong khu vực cũng như nước bơm đã qua xử lý từ trạm bơm Yên Sở.
Trong không gian thương mại dịch vụ, dự án đề xuất bố trí các nhà đỗ xe tự động cao tầng (dưới 12m), nhằm giải quyết vấn đề đỗ xe công cộng. Các công trình thương mại dịch vụ, văn hóa, giáo dục được bố trí phù hợp với tổng thể, không ảnh hưởng đến cảnh quan xung quanh và dòng chảy của sông.
Theo ông Trần Tuấn Anh, kết quả mà dự án hướng tới là cải tạo triệt để môi trường nước và không khí của sông Kim Ngưu; bảo đảm thoát nước trong mùa mưa; nâng cao môi trường sống cho người dân hai bên sông và hình thành các khu thương mại hỗn hợp dọc theo sông, tạo nên sức sống mới cho dòng sông cũng như tạo không gian giải trí, văn hóa mới cho Thủ đô.
Trước e ngại dự án liệu có biến tướng thành nơi kinh doanh, ông Trần Tuấn Anh cho rằng: Định hướng của thành phố Hà Nội là xã hội hóa nên khi nhà đầu tư nghiên cứu, bỏ kinh phí triển khai sau khi đề xuất dự án được thông qua, chắc chắn họ cần có lợi nhuận đi kèm. Để hài hòa giữa lợi ích nhà đầu tư và các vấn đề môi trường, cảnh quan, cuộc sống người dân, các bên (bao gồm nhà đầu tư), các sở, ban, ngành cần xem xét tỷ lệ, diện tích phát triển thương mại cho phù hợp, hoặc cần có các công tác đối ứng cho nhà đầu tư, đảm bảo dự án khả thi cao.
Ủng hộ ý tưởng khôi phục các dòng sông đô thị
Là người sinh sống ở phố Kim Ngưu, nhìn ra sông Kim Ngưu hơn 30 năm, Phó Giáo sư – Tiến sỹ - Kiến trúc sư Nguyễn Quốc Thông ủng hộ ý tưởng khôi phục các sông trong đô thị nói chung, sông Kim Ngưu nói riêng theo hướng làm sống lại dòng sông.
Chứng kiến và chia sẻ về sự biến đổi của sông theo thời gian, ông Thông cho biết, gia đình ông sống ở phố Kim Ngưu từ năm 1984, đến nay đã hơn 33 năm. Khi chuyển đến là lúc xây dựng nhà ở đường Lò Đúc – Minh Khai kéo dài theo hình thức rất mới là Nhà nước và nhân dân cùng làm, phố chưa là phố. Ngoài khu tập thể 8/3 và Quỳnh Lôi, xung quanh vẫn là ruộng rau muống và làng Thanh Nhàn.
Khi người dân tin hơn vào chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm, họ về ở nhiều hơn, dần dần hình thành nên những dãy nhà liền kế, nối tiếp thành phố như bây giờ. Ruộng không còn nữa. Những năm 90 của thế kỷ trước, hai bên bờ sông Kim Ngưu cỏ mọc um tùm, dòng sông vẫn chảy. Những ngày trời mưa, cá từ ao, hồ ra đầy sông, người dân vẫn ra sông câu cá rô, cất vó...
“Nhưng rồi mật độ nhà ở tại phố Kim Ngưu cũng như trong phố xung quanh ngày càng tăng cao. Tất cả khu vực này đều đổ thải nước ra sông. Nước sông dần trở lên đen và hôi thối, thậm chí không chảy nữa. Sông chỉ chảy khi mưa to và thoát úng ngập cho khu vực. Còn bình thường, dòng chảy của sông chỉ là những vệt chảy nước thải. Sông đã được nạo vét và kè nhưng nước thải vẫn đổ dồn vào đấy. Dòng sông hiện như một cống hở”, ông Thông chia sẻ.
Trước thực tế trên, ông Thông bày tỏ sự ủng hộ ý tưởng khôi phục các sông trong đô thị nói chung, sông Kim Ngưu nói riêng, theo hướng làm sống lại dòng sông. Tuy nhiên, từ ý tưởng đến thực tế là một quá trình đòi hỏi hội tụ rất nhiều yếu tố mà trong đó điều cốt lõi là quyết tâm của lãnh đạo, chính quyền thành phố, tâm huyết của doanh nghiệp và đặc biệt không thể thiếu sự đồng thuận, ủng hộ từ chính những người dân Thủ đô, nhất là những cư dân sinh sống và gắn bó với dòng sông bao đời nay.
*Tiêu đề bài viết đã được thay đổi