Từ câu chuyện của một Trà Vinh xanh
Thành phố Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh) là nơi duy nhất ở đồng bằng sông Cửu Long có những con đường nội ô rợp bóng cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Toàn thành phố hiện có hơn 15.000 cây xanh, với gần 40 chủng loại, trong đó có tới hàng nghìn cây được trồng từ thời Pháp thuộc, phân bố trên 30 tuyến đường
Trà Vinh đề ra chủ trương chú trọng đến vai trò của cây xanh trong phát triển đô thị, theo đó, các công trình xây dựng đều phải né cây theo phương châm: tường nhường cây, đường nhường cây, ống nước ống cống tránh rễ cây. Ông Nguyễn Văn Hưởng, cán bộ Phòng Tổng hợp phụ trách cây xanh, Công ty Công trình đô thị thành phố Trà Vinh cho biết: Một công trình xây dựng muốn bứng được một cây còn sống phải xin chỉ đạo trực tiếp của UBND tỉnh. Nhờ đó, hệ thống cây cổ thụ hầu như được giữ nguyên vẹn.
Nhờ vào việc ứng dụng công nghệ GIS để quản lý cây xanh, Công ty Công trình đô thị quản lý được mật độ cây xanh như thế nào là vừa phải, lập kế hoạch tỉa cây trong mùa mưa cũng như trồng cây bổ sung. Mỗi khi thành phố quy hoạch và mở mới con đường, từ văn phòng trực, người phụ trách có thể nắm bắt được tình hình và từ đó kịp thời đưa ra phương án thực hiện chủ trương “đường mở tới đâu, cây trồng tới đó”…
Ðến xu thế tất yếu
Ðến nay, không chỉ có thành phố Trà Vinh mà nhiều địa phương khác như: TP Hồ Chí Minh, Huế, Hải Phòng… cũng nhanh chóng ứng dụng công nghệ thông minh này. Theo PGS, TS Viên Ngọc Nam, giảng viên Trường đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh, việc ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong quản lý cây xanh đô thị thông qua các phần mềm có mã nguồn mở kết hợp với điện thoại thông minh giúp việc chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý, cá nhân được thuận lợi và nhanh chóng. “Ðây là phần mềm miễn phí, sử dụng đơn giản trong việc khảo sát, xác định vị trí tọa độ và thông tin từng cây xanh, độ cao theo dạng 3D, chụp hình có gắn tọa độ, thâu âm để báo cáo và lưu trữ...”, ông Nam nói. Trên thực tế, Trường đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh đã thành công khi ứng dụng GIS trong quản lý hệ thống cây xanh của trường.
Như chia sẻ của một chuyên gia, hệ thống cây xanh ở nhiều thành phố có nhiều chủng loại, số lượng lớn, nhưng việc quản lý lại chủ yếu trên giấy tờ, bằng phương pháp thủ công, chưa có sự kết hợp giữa nguồn số liệu và sự phân bố của chúng trên thực tế. Việc ứng dụng công nghệ GIS quản lý cây xanh sẽ khắc phục những hạn chế trên. Sử dụng công nghệ này có thể cập nhật số liệu, những biến động hằng ngày, hằng tuần, phía công ty môi trường đô thị quản lý có thể biết hiện tại trên địa bàn thành phố có bao nhiêu cây xanh, kích cỡ ra sao, loại cây gì, số lượng cây do công ty quản lý. Mặt khác công nghệ cũng giúp theo dõi những biến động hằng giờ như sâu bệnh, héo úa, bố trí cây xanh chưa hợp lý để có kế hoạch trồng, di dời, thay mới…
Với ưu điểm đó, nhiều ý kiến cho rằng, các thành phố tại các địa phương cần đầu tư thỏa đáng trong việc ứng dụng công nghệ tiên tiến, cũng như đặt hàng các nhà khoa học trong nước xây dựng phần mềm tin học hiện đại quản lý cây xanh trên địa bàn thành phố mình. Có thể xem xét nhập khẩu công nghệ phần mềm quản lý cây xanh của các đô thị hiện đại ở châu Á như Xin-ga-po, Côn Minh, hay Thượng Hải (Trung Quốc)… nếu phù hợp với đặc điểm, tình hình của cây xanh đô thị Việt Nam.
Ðô thị phát triển ngày một rộng lớn, cây có tuổi và cây mới trồng cứ nối tiếp nhau, muốn có một bản “giao hưởng” tốt, nghĩa là tạo được sự hài hòa cộng hưởng của hệ thống cây xanh đô thị, rất cần có hệ thống quản lý thông minh. Các đô thị Việt Nam đang có xu hướng phát triển theo mô hình đô thị thông minh trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, do đó phát triển cây xanh đô thị thông minh cũng đóng góp vào sự hoàn thiện của mô hình đô thị xanh, đô thị thông minh.
*Tiêu đề bài viết đã được thay đổi