Theo đó, văn bản nêu rõ “để triển khai tốt, chất lượng, hiệu quả” việc cải tạo, chỉnh trang vỉa hè tại các tuyến phố trên địa bàn TP, UBND TP. Hà Nội yêu cầu các đơn vị cần căn cứ vào điều kiện và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tổ chức khảo sát, đánh giá kỹ hiện trạng, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch xây dựng mới và cải tạo, chỉnh trang vỉa hè các tuyến phố, báo cáo Ban thường vụ quận ủy, huyện ủy, thị ủy để lãnh đạo, chỉ đạo.
Đây là văn bản thứ 2 của Hà Nội kể từ cuối tháng 3/2019 liên quan đến nội dung trên. Trước đó trong quyết định "thiết kế mẫu hè đường đô thị trên địa bàn", Hà Nội đã tổng hợp đề xuất của 15 quận, huyện, thị xã và đưa ra danh sách gần 300 tuyến đường nằm trong khu vực cải tạo, chỉnh trang hè phố, với 3 loại vật liệu là: Đá tự nhiên; gạch tezarro hoặc gạch bê tông vân đá; gạch block.
Cả hai văn bản này đều nhấn mạnh các quận chỉ được làm mới vỉa hè những tuyến phố đã xuống cấp, chất lượng không đảm bảo và đã đầu tư đồng bộ, ổn định hạ tầng kỹ thuật (cây xanh, hạ ngầm đường điện, thông tin liên lạc, chiếu sáng...) và nằm trong kế hoạch đầu tư trung hạn của quận, huyện, thị xã. Trường hợp còn lại chỉ tiến hành chỉnh trang, duy tu, tránh lãng phí.
Đồng thời, lãnh đạo các quận, huyện cần quán triệt nội dung như khối lượng xây lắp hoàn thành phải đảm bảo về kỹ thuật, mỹ thuật mới được tiến hành nghiệm thu. Phải thành lập đoàn kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ trong từng khâu, từng dự án, đảm bảo việc triển khai thực hiện tuân thủ đúng các quy định và nếu xảy ra vấn đề gì "phải chịu hoàn toàn trách nhiệm".
Trước đó, dự án "thay đồng phục" cho vỉa hè trên địa bàn Hà Nội đã vấp phải sự phản đối dữ dội của dư luận khi vỉa hè ở những tuyến phố thí điểm sử dụng “vật liệu có độ bền 50 - 70 năm” nhưng chỉ sau một thời gian ngắn đã bị bong tróc, vỡ nát.