Aa

Hà Nội yêu cầu Sở Xây dựng lên kế hoạch "xoá sổ" lò gạch thủ công gây ô nhiễm

Thứ Hai, 31/10/2016 - 06:41

UBND thành phố Hà Nội yêu cầu sở Xây dựng đề xuất cụ thể những giải pháp và kế hoạch xóa bỏ các lò gạch thủ công, các lò gạch nung theo công nghệ không khói gây ô nhiễm môi trường.

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Công văn số 6199/UBND-ĐT cho ý kiến về hoạt động chung của các lò gạch thủ công, lò gạch nung theo công nghệ không khói trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, công văn nêu, UBND thành phố nhận được các văn bản của Sở Xây dựng về việc gia hạn thời gian sản xuất gạch của Công ty cổ phần Đầu tư sản xuất gạch Đức Hòa tại xã Đức Hòa, huyện Sóc Sơn và của UBND huyện Phúc Thọ về việc xin gia hạn đối với các lò gạch nung theo công nghệ xử lý khói không gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn huyện Phúc Thọ.

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Về việc trên, UBND thành phố chỉ rõ, trên cơ sở Quyết định số 1469/2014/QĐ-TTg ngày 22/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 14/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung, hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung; Thông tư số 09/2012/TT-BXD ngày 28/11/2012 của Bộ Xây dựng về việc sử dụng vật liệu xây không nung.

UBND thành phố giao Giám đốc Sở Xây dựng chủ trì làm việc cụ thể với các sở, ngành liên quan và UBND quận, huyện, thị xã hiện đang còn tồn tại các loại hình lò gạch đốt thủ công trên địa bàn thành phố: Tổ chức kiểm tra, rà soát, báo cáo kết quả hoạt động của các lò gạch nung theo công nghệ nung, có xử lý khói không gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn các quận, huyện; phân loại, đánh giá (lò thủ công, lò thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng...), mức độ ảnh hưởng, mức độ gây ô nhiễm....

Đồng thời, đề xuất cụ thể những giải pháp để thực hiện (đề xuất để tồn tại, gia hạn hoặc phải phá dỡ theo quy định) và kế hoạch xóa bỏ các lò gạch thủ công, các lò gạch nung theo công nghệ không khói gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn những năm tiếp theo, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của UBND thành phố.

Sở Xây dựng chịu trách nhiệm tổng hợp, đề xuất báo cáo UBND thành phố trong tháng 11/2016 để thống nhất giải quyết chung trên địa bàn thành phố (không báo cáo đề xuất UBND thành phố xử lý gia hạn đối với các lò gạch đơn lẻ).

Trước đó, báo chí đã đăng tải thông tin nghi vấn Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội đòi 250 triệu đồng "bảo kê" cho lò gạch thổ phỉ hoạt động. Sau thông tin này, lãnh đạo Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, đã “tạm đình chỉ công tác" đối với ông Đinh Hoàng Minh - chuyên viên thuộc bộ phận Thanh tra chuyên ngành số 2 thanh tra sở.

Theo báo cáo của UBND huyện Sóc Sơn, hiện trên địa bàn huyện còn tồn tại 57 lò gạch (53 lò gạch từ trước năm 2014, 4 lò gạch phát sinh năm 2015 gồm 2 lò đã đi vào hoạt động và 2 lò xây mới nhưng hiện đã bị đình chỉ hoạt động). Trong đó, có 50 lò úp vung áp dụng công nghệ xử lý khói thải; 6 lò vòng và 1 lò đứng. Các lò gạch này hoạt động không có giấy phép xây dựng, giấy phép hoạt động, hầu hết không đảm bảo vệ sinh môi trường.

Nguyên nhân của việc phát sinh hàng loạt lò gạch hoạt động trái phép trên địa bàn huyện là do một số xã buông lỏng quản lý, xử lý thiếu kiên quyết dẫn đến một số chủ lò gạch tự đầu tư chuyển đổi lò gạch sử dụng công nghệ cải tiến nhưng không được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Qua đó, theo chủ trương xử lý triệt để sai phạm của UBND TP Hà Nội, UBND huyện Sóc Sơn đưa ra phương án phá dỡ những lò gạch này.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top