Aa

Hạ tầng còn đuối, đừng kỳ vọng đón dòng khách cao cấp

An An
An An pvhongvu@gmail.com
Thứ Năm, 25/04/2019 - 06:01

Từ câu chuyện mất nước ở Sa Pa, các chuyên gia cho rằng, sự lãng quên hạ tầng kỹ thuật khiến các địa điểm du lịch trở nên mất giá, khó có thể đón được dòng khách cao cấp.

Nếu tài nguyên là điều kiện cần thì hạ tầng kỹ thuật được coi là một trong những cơ sở quan trọng nhất, thúc đẩy du lịch phát triển mạnh mẽ và bền vững. Thậm chí, đây còn được xem là yếu tố có tính “mở đường”, nhằm khai thác nguồn tài nguyên du lịch một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Song câu chuyện mất nước tại Sa Pa trong nhiều ngày qua khiến giới chuyên gia phải đặt ra câu hỏi các khu du lịch sẽ tồn tại như thế nào nếu thiếu đi thứ tối thiểu là nước sinh hoạt? Chất lượng hạ tầng kỹ thuật tại các khu du lịch nhìn chung đã được đảm bảo hay chưa? Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật ở các khu du lịch phải thực hiện như thế nào để không xảy ra trường hợp tương tự như Sa Pa?

Trò chuyện với một chuyên gia đầu ngành về du lịch, ông chia sẻ, có một thực tế đáng buồn là việc hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện vẫn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển ngành du lịch.

Chuyên gia nhận định: “Tại sao chỉ nghĩ ùn tắc, quá tải ở các đô thị Hà Nội, TP.HCM mà không nghĩ đến chuyện nếu tích tụ quá đông người tại các khu du lịch, các thành phố du lịch thì cũng có thể dẫn đến quá tải hạ tầng kỹ thuật? Người dân thành phố luôn kêu cứu vì tắc đường, kẹt xe, mất nước sinh hoạt, thang máy hư hỏng, cháy nổ nhưng khách du lịch cũng kêu tương tự tại các điểm du lịch như Đền Hùng, Sầm Sơn, thậm chí cả Đà Lạt? Điều này cũng đang khiến cho không ít điểm du lịch hấp dẫn chưa đón được lượng khách lớn, khách cao cấp”. 

“Đuối” hạ tầng kĩ thuật, du lịch kém phát triển

“Đuối” hạ tầng kỹ thuật, du lịch kém phát triển

Theo phân tích của vị chuyên gia, việc xây dựng và phát triển các khu du lịch dù với quy mô lớn hay nhỏ, với các đơn vị và chủ đầu tư khác nhau thì cũng bắt buộc phải xây dựng đồng bộ với các công trình hạ tầng kỹ thuật ở bên trong diện tích đất được giao. Còn phía ngoài khu vực dự án thì buộc phải có sự kết nối về cao độ nền, hệ thống cấp nước, thoát nước… giữa các công trình hạ tầng bên trong và bên ngoài. Bởi nếu không có giải pháp thích hợp để giải quyết vấn đề này thì hệ thống hạ tầng kỹ thuật các khu du lịch sẽ manh mún, độc lập với nhau, không phát huy hết hiệu quả của hệ thống hạ tầng kỹ thuật, không chỉ gây ngập úng, mất nước mà còn nhiều vấn đề phát sinh khác.

“Chúng ta vẫn đang mải mê bàn tán và phẫn nộ với những đề án quy hoạch kiến trúc, cảnh quan đến làm thế nào để bảo tồn di sản, văn hoá nhưng ít có người thực sự đặt vấn đề nghiêm túc về tính đồng bộ và quy hoạch tầm nhìn dài hạn tại các khu du lịch, trong đó có vấn đề thiết yếu và cấp bách như nước sạch”, chuyên gia nhấn mạnh.

Phân tích về bài toán quy hoạch hạ tầng nói chung, TS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho hay, thực tế có việc các chủ đầu tư chỉ tập trung vào làm các công trình, trong đó có nhà ở để kinh doanh lấy lãi, còn việc xây dựng các hạ tầng xã hội thì ít được chú trọng. Bên cạnh đó, vấn đề kết nối các hạ tầng kỹ thuật như: giao thông, điện, nước... với các khu vực xung quanh chưa tạo nên sự đồng bộ. Đáng lẽ, trước khi thực hiện một dự án xây dựng mới, bao giờ cũng phải xác định dân số khống chế đi kèm còn khi dự án hoàn tất và đưa vào khai thác sử dụng, việc khống chế dân số là một việc rất khó.

Theo đó, ông Nghiêm cho rằng, khi phát triển khu đô thị hay khu du lịch thì vấn đề dân số, không gian kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật phải được quản lý chặt chẽ. Cụ thể, về dân số phải tính toán dân số tạm trú, dân số ổn định và khách vãng lai. Sức chịu tối đa của hạ tầng kỹ thuật sẽ được tính toán dựa theo dân số được quy đổi từ khách vãng lai, tạm trú.

Theo PGS.TS. Phùng Chí Sỹ, Viện Kỹ thuật nhiệt đới và Bảo vệ môi trường phân tích, việc mất nước kéo dài tại khu du lịch Sa Pa một phần do thời tiết không có mưa, một phần còn do tình trạng nước ngầm bị suy giảm và ảnh hưởng từ các dự án thủy điện. Cụ thể, nếu xây dựng dự án thủy điện với mật độ quá dày có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sinh thái và các hoạt động kinh tế xã hội của người dân. Hơn nữa, Sa Pa còn là một thành phố du lịch, nên phân tích thiệt hơn để cân nhắc có nên giữ lại thủy điện hay nên xóa bỏ thì tốt hơn. Giải pháp khắc phục tại Sa Pa, đầu tiên là phải trồng lại rừng, tiếp đến là rà soát lại quy hoạch các thủy điện, phải xóa bỏ các dự án không phù hợp và chỉ giữ lại những thủy điện bảo đảm được lợi ích chung. Đặc biệt, cũng phải quản lý chặt chẽ, buộc các thủy điện vận hành đúng quy trình.
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top