Trong một vài năm trở lại đây, cơ sở vật chất ngành du lịch đã phát triển mạnh mẽ, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam. Đến nay nước ta đã có hơn 20.100 cơ sở lưu trú với trên 420.000 phòng, tăng hơn 1,5 lần trong giai đoạn 2011 - 2015.
Đầu tư vào du lịch tăng cả về số lượng và chất lượng với nhiều dự án lớn từ các nhà đầu tư chiến lược như SunGroup, VinGroup, Mường Thanh, FLC, Vina Capital…
Nhiều chuỗi khách sạn hiện đại, tiêu chuẩn quốc tế đã được đầu tư tại các điểm du lịch trọng điểm như chuỗi khách sạn Vinpearl Nha Trang, Phú Quốc, Hạ Long, hệ thống cáp treo tại Đà Nẵng, Sa Pa, Hạ Long, hệ thống khách sạn Mường Thanh có mặt tại 30 tỉnh/thành phố trên cả nước.
Bên cạnh đó là sự gia tăng các khu vui chơi giải trí, khách sạn có quy mô và chất lượng mang tầm cỡ quốc tế (4 - 5 sao)… Nhiều thương hiệu quốc tế lớn về du lịch đã có mặt tại Việt Nam như Accor, Marriot, Hyatte, Intercontinental, HG, Four Seasons
Du khách cũng có nhiều sự lựa chọn phù hợp với khả năng kinh tế và nhu cầu nghỉ dưỡng.
Tuy nhiên, phát triển hạ tầng du lịch không chỉ nằm ở chất lượng cơ sở lưu trú, mà cả từ các hạ tầng giao thông phục vụ cho việc di chuyển giữa các vùng du lịch. Ông Vũ Văn Thanh, Vụ trưởng Vụ khách sạn thuộc Tổng cục Du lịch cho rằng, du lịch đang có sự bứt tốc khá mạnh mẽ trong vài năm trở lại đây nhưng không thể phủ nhận rằng sự phát triển chưa tương xứng của hệ thống giao thông, đặc biệt là đường không, đường biển.
"Đầu tư nâng cao chất lượng cơ sở lưu trú là một vế, nhưng vế còn lại cần phải quan tâm là làm sao để đưa khách đến các khu du lịch một cách nhanh chóng và thuận tiện nhất. Thực tế, rất nhiều khu du lịch, resort được đầu tư khá bài bản, nhưng không đón được khách. Vấn đề không nằm ở chất lượng dịch vụ của cơ sở, mà do du khách ngại di chuyển trên một quãng đường quá xa bằng ô tô trong khi các phương tiện giao thông khác (máy bay, tàu thủy) không đáp ứng nổi", ông Thành nói.
Lấy dẫn chứng về câu chuyển của FLC Quy Nhơn, ông Lê Thành Vinh – Tổng giám đốc Tập đoàn FLC cho biết:"“Những doanh nghiệp như FLC rất quan tâm đến vấn đề làm sao để đưa khách đến các khu du lịch. Chúng tôi đầu tư rất nhiều vào Thanh Hoá, Quảng Bình, nhưng hệ thống sân bay chưa đáp ứng được nhu cầu. Những dự án lớn của tập đoàn đã thay đổi diện mạo du lịch tại nhiều địa phương chúng tôi triển khai, và thu hút nhiều hơn khách du lịch đến đây. Nhưng với các hệ thống hạ tầng như sân bay đã quá tải, sẽ khó khai thác hết công suất của các khu du lịch nghỉ dưỡng".
Tại hội thảo về "Liên kết phát triển du lịch vùng duyên hải miền Trung với vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, các tỉnh Nam Lào và Đông Bắc Campuchia" tổ chức mới đây tại Bình Thuận, TS. Trần Du Lịch cho rằng, định hướng, quy hoạch du lịch đã có nhưng hạn chế là giao thông kết nối giữa các vùng chưa đóng vai trò khai phá. Hiện nay, hệ thống đường bộ, đường sắt của Việt Nam vẫn còn lạc hậu.
Chẳng hạn, đón khách từ sân bay Tân Sơn Nhất về Mũi Né phải mất đến 4 - 5 giờ đi xe vì hiện có cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây nhưng từ Dầu Giây đến Phan Thiết 100km thì chưa có cao tốc kết nối.
Hạ tầng yếu, khó tăng tốc
Báo cáo từ Tổng cục Du lịch cho thấy, tốc tăng trưởng khách du lịch quốc tế đạt 10,2%/năm, khách du lịch nội địa đạt 11,8%/năm. Chỉ tính riêng năm 2016, số lượng khách du lịch quốc tế đạt 10 triệu lượt người, tăng hơn 4,3 lần so với năm 2001; khách du lịch nội địa đạt 62 triệu lượt người, tăng 5,3 lần so với năm 2001. Dự báo, năm 2017 con số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 12,5 triệu lượt và đến năm 2020 là 17 – 20 triệu lượt.
Thế nhưng nếu so sánh với các các quốc gia lân cận như Thái Lan, Singapore hay Malaysia, với số khách quốc tế từ 15 - 30 triệu lượt khách/năm, con số của Việt Nam có thể xem là mức khá khiêm tốn và cho thấy khả năng khai thác du lịch của Việt Nam đang ở dưới mức tiềm năng.
Theo TS Lê Đăng Doanh, du lịch được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn. Với vị thế ấy, nhu cầu đầu tư cho ngành này hàng năm khoảng 3 - 5 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên trên thực tế, nguồn vốn đổ vào đây hiện chỉ đáp ứng được 25 - 30%. Bắt đầu từ năm 2020, đầu tư cho hạ tầng du lịch sẽ ngày càng ít đi. Chính vì vậy, đây là thời điểm cần các địa phương có thế mạnh về du lịch năng động hơn, DN quan tâm đến du lịch chủ động hơn để hợp tác khơi thông nguồn vốn phát triển du lịch...
Hiện nay Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư có đề ra ưu tiên cho phát triển hạ tầng, các địa phương có thể bám sát vào đó để huy động vốn. Tuy nhiên, ông Lê Thành Vinh cho rằng, các quy định về mô hình PPP (hợp tác công tư) hiện nay đã có nhiều cải thiện so với trước đây, nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc. Chẳng hạn như danh mục thực hiện dự án BT nên mở rộng hơn. Bên cạnh đó, thủ tục thực hiện đấu thầu cũng gặp phải nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian, trong khi chu kỳ quay vòng vốn BĐS nghỉ dưỡng đòi hỏi phải nhanh, nếu chậm dễ thất bại.
"Tôi cho rằng không việc gì phải hạn chế, Nhà nước không làm thì tư nhân làm. Có nhiều dự án phục vụ hạ tầng du lịch mà không được làm. Ngoài ra, thủ tục thực hiện đấu thầu cũng khá đau đầu. Doanh nghiệp tâm niệm phải quay vòng vốn nhanh. Bây giờ chúng ta đã có chu kỳ phát triển rất cao về BĐS nghỉ dưỡng, nếu chậm cơ hội thì sẽ mất", ông Vinh nói.
Ông Lương Hoài Nam - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt (Vietstar Airlines), Thành viên Hội đồng tư vấn du lịch thuộc Tổng cục Du lịch - cho rằng vai trò của Nhà nước là có cơ chế chính sách đúng chứ không cần phải lo vốn dự án này, dự án kia.
"Hạ tầng du lịch resort thì tư nhân làm hết, Nhà nước không cần quan tâm. Vấn đề là làm sao để tư nhân thực hiện dự án một cách thuận lợi, không vướng mắc. Còn mảng sân bay, cảng biển tôi nói luôn tư nhân Việt Nam thừa sức đầu tư nếu Nhà nước có cơ chế chính sách hợp lý. Vấn đề là nhà nước có quy hoạch cho người ta làm hay không, có tạo thuận lợi cho người ta làm hay không. Sân bay hay cảng biển vài chục nghìn tỷ tư nhân hoàn toàn có thể làm được việc" ông Nam nói.