Aa

Hạ tầng giao thông Hà Nội "đua không kịp" cao ốc

Hồng Vũ
Hồng Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Hai, 16/04/2018 - 19:31

Nhìn lại diện mạo Hà Nội sau 10 năm, nhiều người sẽ phải ngỡ ngàng bởi cùng với quá trình đô thị hóa, hàng trăm tòa cao ốc, chung cư cũng đua nhau mọc lên, ngày một khổng lề về quy mô tiện ích dự án, về đẳng cấp sang trọng, và tất nhiên cả về yếu tố chiều cao. Mặt khác, giao thông cũng được đầu tư xây dựng song dường như lại thu kém hơn khi liên tục chậm tiến độ về đích.

Cao ốc mọc như nấm sau mưa

Đi một vòng Hà Nội, không khó để nhìn thấy những tòa cao ốc "chọc trời", san sát cạnh nhau. Từ đường lớn, đến phố nhỏ, đâu đâu cũng thấy những chung cư, nhà văn phòng, trung tâm thương mại... Theo khảo sát, trên đoạn đường Nguyễn Tuân dài hơn 1km đếm sơ đã có khoảng 20 tòa nhà, khu chung cư cao tầng với đủ loại diện tích với chiều cao trên 20 tầng như: HUD Tower, Tòa nhà Công ty CP lắp máy điện nước và xây dựng, Tòa nhà Sông Đà - Nhân Chính, Tổ hợp HDI Homes,… Trong đó, dự án Chung cư số 90 Nguyễn Tuân quy mô gần 500 căn hộ và 87 nhà liền kề.

Cách đó không xa, tuyến Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển cũng dày đặc các dự án bất động sản có thể kể đến như Ecogreen City, Thăng Long Number 1, dự án của Vinaconex 1, khu đô thị Đại Kim, khu đô thị Kim Văn Kim Lũ quy mô hàng nghìn căn hộ. Trong đó, khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ được điều chỉnh quy hoạch chi tiết tại lô đất CT2 với tòa nhà A cao 45 tầng, tòa B cao 45 tầng, tòa C cao 36 tầng và D1 cao 36 tầng, D2 cao 40 tầng.

Theo báo cáo thị trường bất động sản của Savills Việt Nam, trong quý I/2018, tại Hà Nội, có 11 dự án mới, số liệu mở bán đạt 5.530 căn. Dự báo trong năm 2018, hơn 20.000 căn hộ từ 38 dự án sẽ tiếp tục được mở bán ra thị trường, trong đó hầu hết là các căn hộ hạng B. Số căn hộ này phù hợp với nhu cầu và vừa túi tiền với đa số người dân có nhu cầu mua nhà. Theo đó, dân số từng khu vực sẽ tăng lên gấp 2 - 3 lần hiện nay, hiển nhiên đã tạo thêm áp lực cho các khu vực trung tâm, gây khó khăn việc cho việc đi lại của người dân, nhất là vào giờ cao điểm.

Tốc độ phát triển các dự án chung cư, khu đô thị quá nhanh tại các con đường lớn thực sự làm

Tốc độ phát triển các dự án chung cư, khu đô thị quá nhanh tại các con đường lớn đang "làm khó" giao thông đô thị

Các cơ quan chức năng, chuyên gia quy hoạch, chủ đầu tư xây dựng nhiều cao ốc ở khu trung tâm Hà Nội đều có những lý giải khá giống nhau trong các hội thảo, tọa đàm về sự xuất hiện ngày một nhiều của các cao ốc trong nội thành rằng lỗi do quy hoạch, do điều chỉnh quy hoạch, do cung cầu nhà ở, thậm chí cả vấn đề lợi ích nhóm.

Một đại diện chủ đầu tư giấu tên chia sẻ rằng, xây cao ốc trong nội thành là câu chuyện tự nhiên của luật đầu tư. Doanh nghiệp mất nhiều chi phí và thời gian để xin cấp phép xây dựng nhà ở vì chính khách hàng cũng không hào hứng với các dự án nhà ở ngoại thành. Hầu hết các dự án chung cư hiện nay cũng đều trông chờ “ăn theo” các dự án xây dựng giao thông nhà nước đề ra, đây là quy luật tất yếu.

Nỗi lo giao thông sau vài lần “mừng hụt”

Theo các chuyên gia, bất luận với lý do gì, việc các cao ốc ở khu trung tâm được xây dựng ngày một nhiều đang gây ra nỗi lo cho giao thông cả trong hiện tại và tương lai. Giải pháp giao thông của Hà Nội là đầu tư nhiều dự án cải tạo, mở rộng, quy hoạch nhiều tuyến đường nhưng, tất cả các điều kiện giao thông nói trên lại chưa được triển khai đồng bộ với việc hình thành các cao ốc.

Chia sẻ về câu chuyện này, chuyên gia giao thông TS. Nguyễn Xuân Thủy nhận định: “Đến nay chúng ta thấy, tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội đang triển khai nhưng cũng chưa đến đâu bởi một sơ đồ không thực tế. Tuyến Ngọc Hồi kéo dài ra đến Như Quỳnh nhưng quy hoạch và tính lô-gic cũng không rõ ràng. Tiếp đến là tuyến đường sắt Trần Hưng Đạo - Nam Thăng Long đang đề nghị tăng vốn cơ sở khoa học nhưng đến nay nhiều người vẫn thắc mắc sao phải làm tuyến đó khi phải chi mức giá 19 tỷ đồng mà lại còn đang đề nghị tăng gấp đôi?”

Cũng theo TS. Nguyễn Xuân Thủy, dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông có thể coi gần khớp với thời gian hoàn tất xây dựng của nhiều cao ốc ở nội thành và kỳ vọng sẽ phần nào giúp giảm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, tính từ thời điểm khởi công đến nay, dự án trải qua gần 7 năm thi công, có tới 4 lần chính thức phải điều chỉnh tiến độ do vướng mặt bằng, tai nạn lao động. Bên cạnh đó, các dự án giao thông còn lại vẫn “trên giấy” để nghiên cứu, tìm kiếm các nguồn vốn đầu tư và thời gian thực hiện chưa biết khi nào bắt đầu và khi nào sẽ về đích.

Theo Đồ án quy hoạch Giao thông vận tải Thủ đô, với giao thông đường bộ, TP. Hà Nội đang hướng tới việc khép kín hệ thống các Vành đai: 1; 2; 2,5; 3 và 3,5; triển khai các thủ tục đầu tư, khởi công hoàn thành một số đoạn tuyến của Vành đai 4. Tập trung đầu tư các cầu vượt sông Hồng, sông Đuống gồm: Trần Hưng Đạo, Thượng Cát, Tứ Liên, Vĩnh Tuy giai đoạn 2, Giang Biên; Đuống 2… Triển khai thi công, hoàn thành cơ bản đoạn tuyến Vành đai 2 trên cao Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở.

Ngoài ra, TP sẽ nỗ lực hoàn thành thủ tục đầu tư một số đoạn tuyến của: QL1A (phía Nam); trục Hồ Tây - Ba Vì; QL6; Tây Thăng Long; trục cầu Vĩnh Tuy - Giang Biên - Ninh Hiệp; QL3… Đối với hệ thống giao thông tĩnh, phấn đấu hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng 4 bến xe khách liên tỉnh Yên Sở, Cổ Bi, Sơn Tây, Đông Anh, 6 bãi đỗ xe ngầm bên trong Vành đai 3... Cùng với đó, giai đoạn 2017 - 2021, Hà Nội sẽ phối hợp với Bộ GTVT hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng 2 tuyến đường sắt đô thị đang triển khai thi công là: Số 2A Cát Linh - Hà Đông và số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội; khởi công tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top