Cơ hội cho nhà đầu tư tư nhân
Theo Quyết định 236/QĐ-TTg được Thủ tướng phê duyệt đầu năm 2018, đến năm 2030 trong số 28 sân bay được khai thác, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất, Long Thành là các cửa ngõ quốc tế trọng điểm. Quyết định 236 cũng tập trung phát triển thêm các đường bay theo mô hình hoạt động “điểm - điểm”, khuyến khích mở các chuyến bay quốc tế đi và đến các cảng hàng không có nhu cầu và tiềm năng phát triển du lịch...
Dự kiến tổng nhu cầu vốn cho các dự án cảng hàng không lên tới 227.800 tỷ đồng, tương đương 14,2 tỷ USD. Trong đó, đầu tư mua máy bay 117.000 tỷ đồng (7,3 tỷ USD), đầu tư cơ sở vật chất cảng 90.000 tỷ đồng (5,6 tỷ USD).
Nếu không giải quyết sớm những thách thức về hạ tầng, ngành hàng không có thể sẽ đối mặt với sự bất cân xứng. Cụ thể, khi có nhiều hãng hàng không hoạt động, các sân bay vẫn xưa cũ, sẽ tạo áp lực lớn cho công tác quản lý, dẫn đến nguy cơ mất an toàn cũng như tình trạng hoãn, hủy chuyến tràn lan.
PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả.
Trong năm 2018, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã hoàn thành và đang triển khai xây dựng hàng loạt nhà ga tại các cảng hàng không trên cả nước để nâng công suất phục vụ hành khách. Hiện ACV đã trình Bộ GTVT phê duyệt kế hoạch này. Riêng về đầu tư xây dựng cơ bản, Bộ GTVT đã đồng ý cho ACV triển khai các dự án nhà ga Vinh, Phú Bài, Cát Bi (dự kiến đạt 5 triệu hành khách/năm) và nhà ga Tân Sơn Nhất, Chu Lai (dự kiến khởi công trong năm 2019).
Hiện cả nước có 22 cảng hàng không hoạt động (9 cảng hàng không quốc tế, 13 cảng hàng không nội địa), trong đó Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn mới đi vào hoạt động năm 2018, cho thấy làn sóng đầu tư tư nhân vào lĩnh vực hạ tầng hàng không, đang diễn ra mạnh mẽ. Có thể nói, Cảng hàng không Vân Đồn là sân bay tư nhân đầu tiên của Việt Nam được đầu tư theo hình thức hợp tác công-tư (BOT), vốn đầu tư 7.500 tỷ đồng.
Theo đó, sân bay quốc tế Vân Đồn do Tập đoàn Sungroup đầu tư trực tiếp vận hành, khai thác, giá dịch vụ chuyên ngành hàng không tại sân bay Vân Đồn vẫn do Nhà nước thống nhất quản lý theo quy định của pháp luật. Nhiều chuyên gia cho rằng đây sẽ là tiền đề để các nhà đầu tư tư nhân mạnh dạn hơn trong việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng hàng không trong tương lai.
Hiện nay, tỉnh Lào Cai đã xin phép triển khai dự án sân bay Sa Pa theo tiêu chuẩn 4C, với tổng quy mô đầu tư lên đến 5.800 tỷ đồng. Dự án có thể tiến hành theo phương thức BOT với mục tiêu đạt công suất 1,5 triệu lượt khách/năm. Ngoài Lào Cai, các tỉnh khác cũng đề xuất đầu tư cảng hàng không, trong đó phải kể đến Bình Thuận với dự án sây bay trị giá 5.600 tỷ đồng, Vũng Tàu với dự án sân bay Gò Găng và sân bay Lộc An phục vụ Khu du lịch Hồ Tràm Strip.
Sẽ có thêm hãng hàng không vào cuộc
Việt Nam hiện có 4 hãng hàng không đang hoạt động Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific và Vasco. Giai đoạn 2010-2017, thị trường vận tải hàng không Việt Nam tăng trưởng đạt mức 16,64%/năm về hành khách, 14%/năm về hàng hóa. Riêng 6 tháng đầu năm 2018, vận tải hành khách đường hàng không đạt mức 24,6 triệu lượt khách, tăng 15,2%; vận tải hàng hóa đạt 176.400 tấn, tăng 14,8% so với cùng kỳ.
Trước nhu cầu phát triển hàng không ngày một tăng, một số nhà đầu tư tư nhân đã mạnh dạn bỏ vốn đầu tư hạ tầng hàng không, lĩnh vực được cho là lợi nhuận thu hồi lâu nhưng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, lan tỏa cho phát triển kinh tế vùng, nâng cao vị thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, thị trường hàng không Việt Nam còn nhiều tiềm năng để phát triển. Dự báo, tổng thị trường vận chuyển hành khách của các hãng hàng không Việt Nam tăng trung bình 16%/năm giai đoạn đến năm 2020, và 8%/năm giai đoạn 2020-2030. Hàng hóa tăng trung bình 18%/năm giai đoạn đến 2020 và 12%/năm giai đoạn 2020-2030.
Sản lượng vận chuyển đạt 74 triệu lượt hành khách/năm vào năm 2020 và 131 triệu lượt hành khách vào năm 2030. Việc tăng thêm các hãng hàng không mới và các hãng hàng không tăng chuyến bay, tăng công suất hoạt động sẽ tạo ra cú hích để phát triển cơ sở hạ tầng ngành hàng không.
Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, vận tải hàng hóa hàng không là phương tiện chủ lực trong thương mại điện tử, nhất là thương mại điện tử xuyên biên giới. Nhưng thực tế hiện nay, ngoài tàu bay hệ thống kết nối phức tạp và dịch vụ hàng hóa còn thủ công, đã dẫn tới tốc độ và sản lượng xử lý ra vào các cảng còn rất chậm. Đây đang là thách thức đòi hỏi phải có giải pháp hiệu quả tháo gỡ điểm nghẽn này.