Xuất khẩu tăng trưởng trở lại, đầu tư công giải ngân hiệu quả
Tại phiên họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức chiều 2/3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2024 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, hầu hết các lĩnh vực đạt kết quả tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023, tạo động lực mới, khí thế mới và đà phát triển thời gian tới.
Nổi bật là kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm. Cụ thể, cả 3 khu vực kinh tế đều phát triển tốt. Trong đó, nông nghiệp phát triển ổn định; sản xuất công nghiệp tăng 5,7% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,1%, khách quốc tế đạt trên 3 triệu lượt, tăng 68,7%.
Trong tháng 2, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) cũng thể hiện rõ mức độ cải thiện của ngành sản xuất khi đạt 50,4 điểm. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 2 tháng đầu năm tăng 18,6%, trong đó xuất khẩu tăng 19,2% (khu vực trong nước tăng 33,3%, cao hơn nhiều khu vực FDI (14,7%); nhập khẩu tăng 18%; xuất siêu 4,72 tỷ USD. Thu ngân sách nhà nước 2 tháng ước đạt 23,5% dự toán năm, tăng 10,4%.
Về phát triển doanh nghiệp, đã có trên 22.100 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 12,4% và có 19.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 4,4%. Như vậy, kết thúc 2 tháng đầu năm, tổng số doanh nghiệpgia nhập thị trường lên hơn 41.000 doanh nghiệp, tăng 8,5% so với cùng kỳ.
Về đầu tư phát triển, đại diện Chính phủ cho biết tiếp tục đạt nhiều kết quả khả quan. Giải ngân vốn đầu tư công đạt 9,13% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ (6,97%). Riêng thu hút FDI, 2 tháng đạt 4,29 tỷ USD, tăng 38,6%. Trong đó, vốn FDI thực hiện đạt 2,8 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, thu hút đầu tư nước ngoài tăng gần 40% chứng tỏ, niềm tin của các nhà đầu tư vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đangtăng lên. Và đây là tín hiệu tích cực, tạo động lực thúc đẩy kinh tế 2024 hồi phục.
Đẩy nhanh tiến độ các dự án kết cấu hạ tầng để thu hút FDI
Chia sẻ rõ hơn về tình hình thu hút FDI trong 2 tháng đầu năm 2024, tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, thông thường khi báo cáo, mấy phần trăm đã là khủng khiếp, nhưng tăng 38,6% là sự đáng mừng cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài hết sức quan tâm. Giải ngân cũng hết sức tích cực, tăng đến 9,8% - tương đương với 2,8 tỷ USD, cho thấy các cam kết của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là cụ thể.
"Một điểm đáng chú ý khác về vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam là có tỉ lệ về vốn mới và dự án mới rất cao. Đây là một tín hiệu hết sức tốt và kỳ vọng lượng vốn mới này sẽ tác động đến tăng trưởng của chúng ta trong năm 2024 cũng như 2025", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.
Liên quan đến các lĩnh vực nhà đầu tư nước ngoài quan tâm khi đến Việt Nam, ông Phương cho biết, hạ tầng và đất đai là một trong ba lĩnh vực được quan tâm nhiều nhất. Do để phát triển các dự án lớn, nhu cầu về đất đai rất lớn.
Vì vậy, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, giải pháp đối với lĩnh vực đất đai và hạ tầng là cần tập trung tiếp tục hoàn thiện, đẩy nhanh tiến độ các dự án kết cấu hạ tầng quy mô lớn như đã đặt ra trong triển khai xây dựng, và đặc biệt là triển khai ngay những văn bản hướng dẫn để thực hiện sớm trong những ngày đầu Luật Đất đai có hiệu lực. Đây là điều không chỉ người dân Việt Nam mà cả các nhà đầu tư và các nhà đầu tư nước ngoài hết sức mong chờ và quan tâm. Bởi vì, trong Luật Đất đai có nhiều điểm mới, tháo gỡ cho việc thúc đẩy khu vực đầu tư và phát triển nâng cao kim ngạch.
Bên cạnh hạ tầng và đất đai, các nhà đầu tư nước ngoài còn quan tâm đến nguồn nhân lực và thể chế. Do đó, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Việt Nam có lợi thế nguồn nhân lực hết sức dồi dào, vẫn còn trong thời kỳ dân số vàng nhưng vẫn cần tập trung nhiều vào trình độ, kỹ năng của người lao động. Đây cũng là điều Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm, các bộ ngành đều phải chung tay để có thể nhanh chóng cải thiện được trình độ của người lao động Việt Nam. Thông qua đó, Việt Nam tăng được chất lượng về tăng trưởng trong năng suất lao động.
Về thể chế, thời gian vừa qua, Chính phủ đã trình và được Quốc hội thông qua rất nhiều chính sách đột phá mới và có tác động tích cực đến tăng trưởng, thu hút đầu tư như là Luật Đất đai, Luật Đấu thầu và các luật khác. Hay đơn giản hơn là các quy định về xuất nhập cảnh hay các thủ tục, nội quy visa cũng tác động rất tốt đến tâm lý của nhà đầu tư khi đến Việt Nam. Không chỉ khách du lịch mà cả nhà đầu tư cũng rất hoan nghênh chính sách đổi mới như vậy.
"Tuy nhiên, cái quan trọng hơn nữa mà chúng ta cần nghiên cứu tập trung sâu là những chính sách mang tính khích lệ, động viên cũng như tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư có quy mô lớn để thực hiện các dự án lớn tại Việt Nam, đủ mức độ hấp dẫn và tối ưu để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh./.