Hà Tĩnh: Điểm hội tụ mới của bất động sản công nghiệp

Hà Tĩnh: Điểm hội tụ mới của bất động sản công nghiệp

Hà Thương
Hà Thương ngthuongreatimes@gmail.com
Thứ Hai, 26/12/2022 - 06:12

Những năm đầu sau tái lập tỉnh (giai đoạn 1991 - 2000), Hà Tĩnh vẫn là một địa phương thuần nông khi hạ tầng giao thông chưa phát triển và số lượng dự án đầu tư vào địa bàn còn ít. Vốn đầu tư chủ yếu phụ thuộc vào Ngân sách Nhà nước, nguồn vốn tư nhân chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

5 năm tiếp đó (giai đoạn 2001 - 2005), hoạt động thu hút đầu tư bắt đầu có những bước tiến mới. Thời kỳ này, đã có 24 dự án trong nước và 2 dự án FDI đầu tư vào địa bàn tỉnh với tổng số vốn hơn 615 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này không quá nổi bật và còn khá thấp so với nhiều địa phương khác cùng khu vực. 

Nhận thấy được thực tế này cũng như vai trò của các nguồn vốn đầu tư trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh, từ năm 2006 đến nay, Hà Tĩnh đã bắt đầu có những chính sách quan tâm, mở cửa kinh tế nhằm đẩy mạnh nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước. 

Nơi hội tụ của hơn 1.400 nhà đầu tư

Xác định các dòng vốn đầu tư tư nhân - nguồn lực quan trọng để kinh tế Hà Tĩnh “cất cánh”, tỉnh đã luôn chú trọng các hoạt động cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính nhằm “trải thảm đỏ” mời gọi các nhà đầu tư. 

Cụ thể, tháng 4/2007, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 16/2007/QĐ-UBND về việc quy định một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào Khu kinh tế Vũng Áng và các khu công nghiệp của tỉnh như: Giảm thuế, hỗ trợ tiền thuê đất, hỗ trợ đào tạo nhân lực và hạ tầng kỹ thuật… Cùng với đó, liên tục trong nhiều năm qua, tỉnh đã tổ chức hàng loạt sự kiện xúc tiến đầu tư có quy mô ở nhiều quốc gia như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đức… qua đó chủ động kết nối, đề xuất hợp tác với các tập đoàn, doanh nghiệp có năng lực cùng với đó là phân tích về các lợi thế, cơ hội đầu tư vào Hà Tĩnh.

Hiện nay, tỉnh Hà Tĩnh đang triển khai thực hiện rà soát, điều chỉnh lập Quy hoạch tổng thể tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Một trong những định hướng điều chỉnh lớn là tăng cường thu hút nguồn vốn từ doanh nghiệp FDI nhằm phát huy tối đa hiệu quả và khai thác lợi thế cũng như tiềm năng sẵn có của tỉnh. Với việc nhất quán quan điểm “thành công của doanh nghiệp và các nhà đầu tư là thành công của tỉnh”, Hà Tĩnh đang dần trở thành là miền đất mới đầy hy vọng cho các “đại bàng làm tổ”. 

Nhờ những chính sách đúng đắn, kịp thời thay đổi để không ngừng phát triển, Hà Tĩnh đang là nơi hội tụ của hơn 1.400 doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế với 1.378 dự án với tổng số vốn đăng ký 430.518 tỷ đồng. Trong đó, có 1.305 dự án trong nước, tổng nguồn vốn 113.049 tỷ đồng; 73 dự án FDI, vốn đăng ký 13,7 tỷ USD (tương đương 317.469 tỷ đồng). Với những con số “biết nói” này, Hà Tĩnh hiện đã lọt top 9 địa phương thành công nhất trong 63 tỉnh, thành về công tác mời gọi đầu tư.

Các “ông lớn” trong nước và quốc tế đến với Hà Tĩnh có thể kể tới: Tập đoàn Formosa, Mitsubishi Nhật Bản, Samsung Hàn Quốc, Vingroup, Nguyễn Hoàng… Các tập đoàn kinh tế lớn này đã mở ra một khu vực kinh tế năng động, tạo nên diện mạo mới, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của địa phương. Qua đó giúp gia tăng giá trị sản xuất, tăng thu ngân sách nhà nước, tăng kim ngạch xuất khẩu và tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người dân địa phương. Sự hiện diện của các “ông lớn” còn tạo ra hiệu ứng lan tỏa cùng một làn sóng đầu tư mới rất rõ nét cho Hà Tĩnh suốt nhiều năm qua. 

Ông Trần Nguyễn Huỳnh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và Xúc tiến đầu tư Hà Tĩnh cho biết, nhờ sự quan tâm của các thế hệ lãnh đạo tỉnh và công tác triển khai đạt hiệu quả trong quảng bá tiềm năng, lợi thế cùng với những cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư nên tỉnh đã thu hút nhiều dự án lớn có tính đột phá. 

Đó là lý do đã giúp Hà Tĩnh trở thành một trong các tỉnh thu hút vốn FDI top đầu cả nước. Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng đã nghiên cứu, đầu tư các dự án trên nhiều lĩnh vực để dần tạo sự cân bằng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh như: Các dự án về công nghiệp, nông nghiệp, phát triển hạ tầng, đô thị, thương mại, dịch vụ, du lịch… 

Cũng theo ông Trần Nguyễn Huỳnh, với niềm tin cùng sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, trong thời gian tới, hoạt động thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công hơn nữa, đóng góp tích cực vào sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh. Đặc biệt, tỉnh đang tập trung thu hút đầu tư theo hướng ưu tiên các dự án có sản phẩm chứa hàm lượng giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao; các dự án sản xuất điện gió, điện quang, điện sinh học; các dự án xử lý rác thải, nước thải tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp… Trong đó, ưu tiên các dự án công nghệ cao, công nghệ tiên tiến từ các nước công nghiệp phát triển như: Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Hà Tĩnh đã bắt đầu có những chính sách quan tâm, mở cửa kinh tế nhằm đẩy mạnh nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước. (Ảnh BHT)

“Dự báo đến hết năm 2022, tỉnh Hà Tĩnh sẽ thu hút khoảng 150 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 4 tỷ USD, trong đó vốn FDI khoảng 2 tỷ USD. Những dự án có khả năng chấp thuận chủ trương đầu tư gồm: Nhà máy sản xuất ô tô, linh kiện, Dự án đầu tư cảng biển và Logistics, Khu nghỉ dưỡng Kỳ Ninh, Quần thể sân Golf, trung tâm hội nghị, khu du lịch nghỉ dưỡng, biệt thự nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp…”, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và Xúc tiến đầu tư Hà Tĩnh cho biết.

Có thể thấy, bằng các chính sách mở cửa mời gọi đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã đi từ ngạc nhiên đến chú ý và dành sự đặc biệt quan tâm đến thị trường Hà Tĩnh. 

Lợi thế cạnh tranh từ quỹ đất lớn

Sự đổ bộ nhiệt tình của các nhà đầu tư trong và ngoài nước về với Hà Tĩnh không đơn thuần chỉ nhờ vào chính sách mời gọi, chế độ đãi ngộ hợp lý mà mảnh đất này còn có những lợi thế hấp dẫn giúp các doanh nghiệp khai thác hiệu quả và phát triển mạnh mẽ. Nổi bật là lợi thế về quỹ đất. Theo đó, Hà Tĩnh là địa phương có diện tích quỹ đất lớn với 97.000ha đất nông nghiệp, 366.000ha rừng và đất rừng, quỹ đất đủ để đáp ứng những dự án mang tầm vóc, đồng bộ về tiện ích, hạ tầng cảnh quan… 

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhận định, quỹ đất là một trong những yếu tố quyết định khả năng phát triển của địa phương. Những địa phương có quỹ đất đã được khai thác một cách triệt để thì cơ hội phát triển và bứt phá là không còn nhiều. Dư địa chỉ xuất hiện ở những vùng đất mới.

“Ở đâu còn quỹ đất lớn, ở đó còn thu hút đầu tư. Nên có thể khẳng định, thị trường bất động sản Hà Tĩnh đang là một “miếng bánh béo bở” trong mắt các “ông lớn” cho đến nhà đầu tư nhỏ lẻ nhờ sở hữu quỹ đất dồi dào, mặt bằng giá cả của bất động sản tại Hà Tĩnh đang ở mức vừa phải, thậm chí là thấp hơn nhiều so với các thành phố khác trên cả nước”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh đánh giá.

Nói thêm về lợi thế của Hà Tĩnh, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho biết, bên cạnh quỹ đất trù phú, Hà Tĩnh còn là địa phương hội tụ nhiều yếu tố thiên thời - địa lợi - nhân hòa. Với đường bờ biển dài 137km cùng hàng loạt các bãi biển đẹp, hoang sơ như: Bãi biển Thiên Cầm, Xuân Thành, Cửa Sót,… và hàng chục di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng trong và ngoài nước như: Ngã Ba Đồng Lộc, Chùa Hương Tích, Khu lưu niệm Nguyễn Du… Hà Tĩnh đã, đang và sẽ thu hút hàng triệu lượt du khách từ mọi miền đến tham quan, trải nghiệm và nghỉ dưỡng. Đây cũng chính là yếu tố thuận lợi thúc đẩy các ngành du lịch, dịch vụ và bất động sản phát triển với nhiều phân khúc như: Nhà hàng, khách sạn, shophouse, resort…

Ở phương diện vị trí địa lý, Hà Tĩnh được xem là điểm giao giữa hai đầu cầu kinh tế lớn của cả nước Hà Nội và TP.HCM, nằm trong hành lang phát triển kinh tế Đông - Tây của tiểu vùng sông Mekong qua cửa khẩu Cầu Treo. Trong những năm qua, lợi thế về vị trí đã khiến Hà Tĩnh không ngừng tập trung xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông cả về đường bộ, đường sắt và đường thủy. Đơn cử như quốc lộ 1A và đường sắt Bắc - Nam hay các tuyến đường trọng điểm QL 15A, QL 18B và dự án đầu tư mở rộng Quốc lộ 1A đoạn Nam cầu Bến Thủy - tuyến tránh TP. Hà Tĩnh.

Nhận xét về phương diện vị trí địa lý của tỉnh Hà Tĩnh, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho biết, sự phát triển của các khu kinh tế trọng điểm cũng là một tiềm năng lớn làm đòn bẩy cho thị trường Hà Tĩnh hấp dẫn nhiều nhà đầu tư. Đây sẽ là yếu tố quan trọng tác động đến giá bất động sản, nhất là bất động sản công nghiệp - một trong những phân khúc được xem là lợi thế cạnh tranh nổi bật của tỉnh Hà Tĩnh. 

“Nếu nói Thanh Hoá có du lịch, Nghệ An có bất động sản đô thị thì Hà Tĩnh có bất động sản công nghiệp. Việc thu hút đầu tư từ các tập đoàn lớn trong và ngoài nước vào phát triển các ngành khai thác, sản xuất, chế biến tại Hà Tĩnh đã đưa bất động sản công nghiệp lên một tầm cao mới, trở thành phân khúc chủ lực, là lợi thế cạnh tranh nổi bật của Hà Tĩnh với các địa phương khác hiện nay”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh đánh giá. 

Bất động sản công nghiệp: Động lực lan tỏa

Nếu như những năm trước đây, thị trường bất động sản Hà Tĩnh luôn trong trạng thái “chững”, chưa tìm được phân khúc trọng tâm để phát triển thì ở thời điểm hiện tại, bất động sản công nghiệp đã trở thành lợi thế cạnh tranh nổi bật của tỉnh. 

Việc cải cách mạnh mẽ về hành chính cùng những chính sách ưu đãi thu hút đầu tư và ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông, dịch vụ; làm tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, đẩy nhanh quá trình giải phóng mặt bằng… đã khiến Hà Tĩnh có bước “chuyển mình” đầy tích cực, trở thành môi trường kinh doanh lý tưởng cho các tập đoàn lớn trong việc phát triển công nghiệp.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2 khu kinh tế cấp Quốc gia là Khu kinh tế Vũng Áng và Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo; 2 khu công nghiệp Hạ Vàng và Gia Lách thuộc Quy hoạch khu công nghiệp Quốc gia cùng 17 cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được tập trung đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng sẵn sàng triển khai các dự án. Sự xuất hiện của các khu kinh tế, khu công nghiệp là cơ hội để tập hợp đông đảo các tập đoàn trong và ngoài nước tham gia phát triển kinh tế cho tỉnh Hà Tĩnh nói riêng và cả nước nói chung. 

Những khó khăn và thách thức của đại dịch Covid-19 trong hai năm vừa qua cũng không thể cản bước phát triển của những doanh nghiệp mạnh khi Hà Tĩnh chứng kiến hàng loạt sự ra đời của những dự án bất động sản công nghiệp với quy mô đồ sộ. Đơn cử như Tập đoàn Vingroup với nhà máy sản xuất pin VinES tại khu kinh tế Vũng Áng được ra mắt vào cuối năm 2021 vừa qua. Dự án có tổng mức đầu tư 3.800 tỷ đồng với diện tích 12,6ha, công suất thiết kế 100.000 bộ pack pin/năm. Bên cạnh đó, khu công nghiệp Vũng Áng còn có nhiều dự án lớn khác mới được triển khai như: Nhiệt điện Vũng Áng 2, Nhà máy luyện gang thép Vũng Áng… 

Theo giới chuyên gia, các dự án nghìn tỷ đã góp phần gia tăng sức nóng cho thị trường bất động sản công nghiệp Hà Tĩnh. Nhờ lọt vào tầm ngắm của những tập đoàn lớn, trong vòng 5 năm trở lại đây, giá bất động sản tại Hà Tĩnh đã tăng gấp 5 - 10 lần. Đơn cử như khu vực xã Yên Hòa (Huyện Cẩm Xuyên) hay vùng đất nằm sát quốc lộ 15B, đoạn qua thôn Lộc Thọ, xã Việt Tiến (Huyện Thạch Hà). Các lô đất thuộc những khu vực này trước có giá từ 600 đến 700 triệu/lô, thì nay đã lên giá mỗi lô lối 1 là hơn 2,6 tỷ đồng, lối 2 có giá 2 tỷ đồng/lô.

Không chỉ chính sách cơi mở, Hà Tĩnh còn có nhều lợi thế khác về vị trí, tự nhiên. (Ảnh BHT)

Một minh chứng rõ rệt hơn là trong đợt cao điểm tái bùng phát dịch lần thứ 4 (tháng 6 - 7/2021), Hà Tĩnh đã tổ chức đấu giá thành công các lô đất với mức giá tăng cao, vượt nhiều bước giá so với cùng kỳ. Điều này cho thấy, giá đất Hà Tĩnh tăng trưởng rõ rệt, nhu cầu đầu tư đổ về đây đang ngày càng cao, đặc biệt là khu vực phía Bắc - nơi được xem là “đất vàng” với quy hoạch của hàng loạt dự án tiềm năng. Cụ thể, 8 lô đất đấu giá tại xã Thạch Thắng (Huyện Thạch Hà) đã vượt giá khởi điểm hơn 13,639 tỷ đồng, thu về hơn 18,716 tỷ đồng (vượt từ 50 - 54 bước giá/lô). Đặc biệt, lô đất ký hiệu 07 có diện tích 200m2, giá khởi điểm 560 triệu đồng được đấu giá thành công với 2,184 tỷ đồng (vượt 58 bước giá - 28 triệu đồng/bước giá)… Đây là hiện tượng chưa từng có tại địa phương.

“Giá đất Hà Tĩnh đang trên đà tăng mạnh khi tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Trong thời gian tới, bằng việc đẩy mạnh logistic thì bất động sản công nghiệp Hà Tĩnh được dự báo sẽ tiếp tục “nóng” hơn. Các “ông lớn” sẽ phải tranh nhau quỹ đất để có cơ hội đầu tư phát triển. Khi đó, giá đất Hà Tĩnh sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới, không thua kém các địa phương trong khu vực”, PGS.TS. Đinh TrọngThịnh đánh giá.

Đưa ra dự đoán cho sự phát triển của các phân khúc khác trên thị trường bất động sản tỉnh Hà Tĩnh trong giai đoạn 2022 - 2023,  PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, bất động sản nhà ở và bất động sản du lịch là hai phân khúc tiềm năng đang được địa phương thu hút đầu tư và đẩy mạnh phát triển. Các “đại bàng” đã gia nhập thị trường Hà Tĩnh với những dự án nhà ở đô thị chất lượng trong vài năm trở lại đây, hứa hẹn sẽ đưa thị trường bất động sản nhà ở Hà Tĩnh sôi động hơn bao giờ hết.

“Sự phát triển của các khu kinh tế sẽ là tiền đề phát triển nhiều doanh nghiệp phụ trợ, thu hút số lượng lớn cán bộ, công nhân viên đến lao động sinh sống trên địa bàn tạo cơ hội cho bất động sản nhà ở, nhà cho thuê phát triển”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh./.

12/23/2022 15:47
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top