Theo văn bản trên, các dự án thuộc các khu kinh tế cần phải xử lý những tồn đọng kéo dài bao gồm: Khu kinh tế Vũng Áng; Khu kinh tế Cửa khẩu Cầu Treo và Khu công nghiệp Hạ Vàng.
Trước đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản đề xuất với tỉnh về xử lý tồn đọng tại các dự án thuộc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực Khu kinh tế tỉnh làm chủ đầu tư.
Tại khu kinh tế Vũng Áng có dự án bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư dự án trọng điểm quốc gia: Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương gồm các khu tái định cư theo mô hình đô thị loại IV, các tiểu dự án khu tái định cư tại các xã Kỳ Lợi, Kỳ Phương, Kỳ Nam, Kỳ Trinh.
Đối với dự án này, tỉnh Hà Tĩnh giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở ngành địa phương liên quan soát xét các nội dung, tham mưu lập tổ công tác liên ngành để kiểm tra đôn đốc, hướng dẫn xử lý theo thẩm quyền và tham mưu báo cáo lại UBND tỉnh.
Đối với dự án đường trục ngang trung tâm Khu công nghiệp Hạ Vàng, 2 dự án gồm công trình hạ tầng kỹ thuật khu vực cổng B và dự án hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp Đại Kim tại khu kinh tế Quốc tế Cửa khẩu Cầu Treo, tỉnh Hà Tĩnh giao Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực Khu kinh tế tỉnh thực hiện theo đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh và báo cáo tỉnh trước ngày 15/10/2022.
Được biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có 2 khu kinh tế, 3 khu công nghiệp và 23 cụm công nghiệp. Đến nay, tại các khu kinh tế và khu công nghiệp hiện có 189 dự án đầu tư còn hiệu lực. Trong đó, Khu kinh tế Vũng Áng thu hút 152 dự án đầu tư, gồm 57 dự án FDI với số vốn đăng ký 15.767 triệu USD và 95 dự án trong nước với số vốn đăng ký 60.194 tỷ đồng. Tại Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo thu hút 27 dự án với số vốn đăng ký 2.199 tỷ đồng, Khu công nghiệp Gia Lách thu hút 10 dự án với số vốn đăng ký 825,9 tỷ đồng.
Trong tổng số trên 1.400 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư trên địa bàn Hà Tĩnh thì có 244 dự án chậm tiến độ. Trong đó, dự án đang chậm tiến độ có 90 dự án đã thực hiện thủ tục thuê đất và đang triển khai đầu tư xây dựng; 45 dự án đã cho thuê đất nhưng chậm tiến độ kéo dài, không đưa vào sử dụng; 46 dự án chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng, chưa được cho thuê đất; 50 dự án chưa được cho thuê đất do vướng mắc quy định tại Nghị định số 148/2020/NĐ-CP. Riêng Khu kinh tế Vũng Áng có thêm nhóm dự án đầu tư thuê lại đất trong các khu công nghiệp có 13 dự án.
Ngoài ra, thông tin từ UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, từ năm 2019 đến tháng 6/2022 ở địa phương này là 60 dự án đã bị thu hồi hoặc nhà đầu tư tự xin chấm dứt hoạt động. Cụ thể từ năm 2019 đến 2021 là 50 dự án; dự án do UBND tỉnh chấp thuận ngoài khu kinh tế, khu công nghiệp là 17; dự án trong khu kinh tế, khu công nghiệp là 15; dự án do UBND cấp huyện chấp thuận là 18 và 10 dự án còn lại thu hồi trong 6 tháng đầu năm 2022.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Tĩnh, nguyên nhân dẫn đến các dự án chậm tiến độ, "treo" nhiều năm liền không thể triển khai nguyên nhân phần nhiều là bởi kinh tế khủng hoảng, thị trường đầu ra của nông nghiệp bị hạn chế, tính toán đầu tư không có lãi.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại cho rằng, nguyên nhân dẫn đến các dự án chậm tiến độ, chủ đầu tư không triển khai nhiều năm là do năng lực chủ đầu tư còn hạn chế hoặc mục đích lập dự án để giữ đất. Bởi thực tế, một số dự án được cấp phép nhiều năm nhưng không triển khai, hoặc triển khai chiếu lệ, để rồi đến kỳ kiểm tra lại thì xin được gia hạn.
Theo thống kê của tỉnh Hà Tĩnh, từ đầu năm 2022 đến ngày 15/6/2022, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 10 dự án, trong đó có 9 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn hơn 2.600 tỷ đồng, 1 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn 3 triệu USD.
Tỉnh này hiện đang kêu gọi một số nhà đầu tư lớn vào khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư trên địa bàn tỉnh như: Vingroup đề xuất dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Vinhomes Vũng Áng, khảo sát đầu tư dự án Khu đô thị Vinhomes Kỳ Anh tại phường Kỳ Trinh; Công ty Cổ phần Crystal Bay đề xuất dự án Công viên Trung tâm và Khu đô thị Lam Hồng Garden Park City tại TP. Hà Tĩnh; Công ty Cổ phần Tập đoàn Mặt trời (Sun Group), Công ty Cổ phần Tập đoàn Ecopark khảo sát, nghiên cứu đầu tư các dự án đô thị sinh thái và các dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí; Tập đoàn Quế Lâm nghiên cứu, hợp tác đầu tư, phát triển các mô hình nông nghiệp hữu cơ./.