Đây là nội dung được ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh trình bày tại Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Theo đó, năm 2024 là năm bứt phá để hoàn thành kế hoạch 5 năm 2021 - 2025; trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục biến động, diễn biến phức tạp, khó lường. Trong nước, nền kinh tế tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại. Trong tỉnh, nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; kết cấu hạ tầng còn thiếu đồng bộ; sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, năng lực cạnh tranh hạn chế, năng suất lao động còn thấp; thiên tai, dịch bệnh, hạn hán khó lường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vẫn tiềm ẩn nguy cơ.
Tập trung thực hiện các nhóm giải pháp
Tập trung thực hiện các nhiệm vụ lớn, trọng tâm: Thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tại Kết luận Hội nghị sơ kết đánh giá giữa kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Triển khai các nội dung phục vụ công tác chuẩn bị Đại hội đảng bộ các cấp, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, nhiệm kỳ 2025 - 2030. Rà soát bước đầu công tác chuẩn bị triển khai xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công, cơ chế chính sách 5 năm giai đoạn 2026 - 2030. Đẩy mạnh thực hiện Quy hoạch tỉnh; phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch thực hiện Quy hoạch. Phối hợp chặt chẽ với các tỉnh trong vùng triển khai hiệu quả Nghị quyết 26-NQ/TW về phát triển vùng Bắc Trung bộ, duyên hải Trung bộ; Nghị quyết 36-NQ/TW về phát triển bền vững kinh tế biển.
Phát triển sản xuất công nghiệp; duy trì ổn định sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; nâng cao sức cạnh tranh của du lịch, thương mại, dịch vụ: Triển khai hiệu quả các chính sách về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2021 - 2025. Tập trung triển khai các nội dung Quy hoạch, Kế hoạch phát triển điện lực quốc gia (Quy hoạch điện VIII); bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Duy trì ổn định sản xuất nông nghiệp. Tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị quyết 51/2021/NQ-HĐND. Tiếp tục phát huy hiệu quả phong trào tập trung, tích tụ ruộng đất theo Nghị quyết 06-NQ/TU. Tập trung cao các tiêu chí hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới theo Quyết định số 321/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ; phấn đấu trong năm 2024 các huyện, thành phố, thị xã đạt chuẩn/hoàn thành xây dựng NTM, có thêm 2 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao. Đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu gắn với phát triển logistics theo Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 26/5/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Nghị quyết của HĐND tỉnh. Tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch phát triển thương mại điện tử. Tăng cường quảng bá sản phẩm du lịch, nông nghiệp Hà Tĩnh; đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng xu hướng mới của thị trường…
Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, thu hút và đẩy nhanh các dự án trọng điểm: Tiếp tục rà soát, điều chỉnh khung cơ chế chính sách giai đoạn 2021 - 2025. Thực hiện đồng bộ các giải pháp cải cách thủ tục hành chính trong phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, nhất là các dự án ODA, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia. Đẩy mạnh thực hiện, nâng cao chất lượng công tác lập và quản lý quy hoạch, tạo điều kiện thu hút các nguồn lực đầu tư. Thực hiện tốt các cơ chế, chính sách tạo nguồn đầu tư phát triển hạ tầng 3 đô thị, hạ tầng Khu kinh tế Vũng Áng, Cầu Treo. Tăng cường các hoạt động hỗ trợ, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực, địa bàn, dự án theo định hướng Quy hoạch tỉnh, đặc biệt là các dự án lớn, các nhà đầu tư chiến lược, có mong muốn đầu tư vào Hà Tĩnh (VFT, Vingroup, Sun Group, FPT, Ecopark, Silk Path, T&T, PV Gas...)
Tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động phòng chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu: Trình Chính phủ phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất 5 năm cấp tỉnh; phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất và điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 cấp huyện sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tăng cường công tác quản lý các mỏ khoáng sản, nhất là khoáng sản làm vật liệu xây dựng, bảo đảm nguồn cung phục vụ các công trình dự án. Tiếp tục cập nhật, chỉnh lý bản đồ và hồ sơ địa chính trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 theo Nghị quyết số 175/NQ-HĐND ngày 15/12/2019 của HĐND tỉnh. Tập trung triển khai Đề án kiểm soát ô nhiễm môi trường đối với các dự án có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao và Đề án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 18/11/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phòng ngừa, ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra; xây dựng quy định về cấp báo động lũ tại các vị trí trên địa bàn tỉnh quản lý.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ: Tập trung nguồn lực cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với đào tạo, thu hút nhân lực chất lượng cao. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, nhân rộng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất. Tập trung thực hiện hiệu quả kế hoạch chuyển đổi số, Đề án 06; triển khai hiệu quả Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các đơn vị, địa phương theo Quyết định 2878/QĐ-UBND ngày 07/11/2023 của UBND tỉnh nhằm nâng hạng chỉ số đánh giá chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI).
Quan tâm các lĩnh vực văn hóa - xã hội, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội: Kịp thời xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai Đề án phát triển văn hóa Hà Tĩnh; ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình văn hóa lớn của tỉnh. Duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục đại trà mũi nhọn; đảm bảo hoàn thành chương trình, kế hoạch năm học 2023 - 2024. Tiếp tục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình; củng cố cơ sở vật chất hệ thống trường lớp, sắp xếp bố trí hợp lý đội ngũ giáo viên. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các nội dung ký kết với Đại học Quốc gia Hà Nội; tăng cường liên kết, hợp tác đào tạo trong các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn. Khẩn trương kiện toàn, tổ chức bộ máy ngành y tế gắn với tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân và công tác dân số trong tình hình mới. Nâng cao hiệu quả các chính sách người có công, trợ giúp xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo đa chiều, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Chú trọng tạo việc làm và tăng cường kỹ năng cho người lao động. Thực hiện sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng linh hoạt, hiệu quả; triển khai mạnh phân luồng kết hợp dạy nghề, khởi nghiệp…
Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh: Đẩy mạnh hiện đại hóa nền hành chính, lấy người dân làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước. Thực hiện đồng bộ giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh; phát huy hiệu quả Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và các địa phương (DDCI); thực hiện đồng bộ các giải pháp duy trì, cải thiện và nâng cao các chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh (PARINDEX, PAPI, SIPAS, PCI). Đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; tập trung hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, kinh tế tập thể, hợp tác xã, nhất là hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, hội nhập kinh tế quốc tế.
Bảo đảm quốc phòng, an ninh; tăng cường công tác đối ngoại: Nắm chắc tình hình tuyến biên giới, tuyến biển, địa bàn trọng điểm, tăng cường công tác dự báo, không để bất ngờ, bị động. Hoàn thành tốt công tác tuyển, giao quân năm 2024, bảo đảm 100% chỉ tiêu (1.250 công dân). Tăng cường bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội; tập trung đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm. Tiếp tục thực hiện nhanh, đồng bộ các nội dung Đề án 06. Sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết, Chỉ thị của Bộ Chính trị về chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, nâng cao hiệu quả công tác phòng chống và kiểm soát ma túy. Phát huy vai trò của Ban chỉ đạo 35, Lực lượng 47 trên không gian mạng. Tăng cường mở rộng hội nhập quốc tế, đẩy mạnh ngoại giao kinh tế. Củng cố thắt chặt mối quan hệ hợp tác hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện với các địa phương của Lào; tiếp tục tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư tại các nước Châu Âu, Châu Mỹ và các địa bàn có tiềm năng…
Làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội: Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền; chú trọng thông tin về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến, mô hình hay, cách làm hiệu quả để phát huy, nhân rộng. Phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, góp phần tạo đồng thuận xã hội, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2024.
Thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 trong bối cảnh, tình hình thế giới và trong nước phục hồi chậm do hậu quả để lại của đại dịch COVID-19, căng thẳng địa chính trị, xung đột quân sự, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn cũng như tình trạng lạm phát cao và kéo dài. Trước tình hình đó, dưới sự lãnh đạo sát sao, kịp thời của Trung ương, của Tỉnh ủy; sự đồng hành chủ động, tích cực, linh hoạt và giám sát chặt chẽ, hiệu quả của Hội đồng nhân dân; công tác chỉ đạo, điều hành sâu sát, quyết liệt, bài bản của UBND tỉnh; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành; tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp tỉnh nhà... nên tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 tiếp tục giữ được xu hướng phục hồi và phát triển.
Cụ thể, năm 2023, có 26/29 chỉ tiêu tại nghị quyết của HĐND tỉnh đạt và vượt kế hoạch đề ra, tăng trưởng kinh tế dự kiến đạt 8,05%, cao so với năm 2022 (năm 2022 đạt 2,54%), dẫn đầu trong 06 tỉnh Bắc Trung Bộ, xếp thứ 15 cả nước. Năm 2023, tăng trưởng kinh tế đạt 8,05%, đứng thứ 15/63 tỉnh thành cả nước; trong đó: khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 11,4% (công nghiệp tăng 10%, xây dựng tăng trên 14%), khu vực nông nghiệp tăng 2,7%, khu vực dịch vụ tăng 6,5%. Quy mô nền kinh tế ước đạt gần 102.500 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế: công nghiệp - xây dựng 41%; nông nghiệp 14%; dịch vụ 45%.