Aa

Hạ trần lãi suất: Ai mừng, ai lo?

Thứ Tư, 27/11/2019 - 13:30

NHNN vừa hạ trần lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng và trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với 5 lĩnh vực ưu tiên. Động thái trên cho thấy NHNN và Chính phủ đang nỗ lực cắt giảm chi phí vốn cho nền kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa hạ trần lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng (từ 5,5% xuống 5%/năm đối với kỳ hạn từ 1 - 6 tháng và từ 1% xuống 0,8%/năm đối với kỳ hạn dưới 1 tháng và không kỳ hạn) và trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với 5 lĩnh vực ưu tiên (từ 6,5% xuống 6%/năm). 

Động thái trên cho thấy NHNN và Chính phủ đang rất nỗ lực cắt giảm chi phí vốn cho nền kinh tế, song việc hạ lãi suất vào thời điểm cuối năm có thể gây một số xáo trộn cho hệ thống ngân hàng khi thời điểm mùa vụ cận kề.

Giảm lãi suất sẽ có lợi cho doanh nghiệp cần vay vốn, song sẽ gây một số vấn đề trong hoạt động của ngân hàng. Ảnh: Minh Duy

Người vay mừng lớn

Thực tế, NHNN đã giảm lãi suất điều hành từ năm 2018 với mức giảm 0,25 điểm phần trăm lãi suất cho vay ngân hàng qua mua kỳ hạn một tuần các giấy tờ có giá (repo) và giảm đồng loạt lãi suất điều hành trong năm 2019 (giảm 0,75 điểm phần trăm lãi suất tín phiếu về mức 2,25% kỳ hạn một tuần; giảm 0,25 điểm phần trăm lãi suất repo kỳ hạn một tuần và các lãi suất khác như lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu...). Song, lãi suất thị trường 1 (lãi suất huy động, cho vay giữa ngân hàng và cư dân, doanh nghiệp) lại có xu hướng tăng thay vì giảm, khiến nền kinh tế chưa hưởng lợi được nhiều từ chính sách lãi suất kể trên.

Động thái hạ trần lãi suất vừa qua sẽ là cú hích cho nền kinh tế trong thời gian tới. Đây là lần giảm đầu tiên kể từ khi NHNN áp trần lãi suất huy động và cho vay vào tháng 10/2014. Mức giảm 0,5 điểm phần trăm là khá lớn trong một đợt cắt lãi suất và nó đặc biệt có ý nghĩa với nền kinh tế trong giai đoạn cuối năm khi cầu giải ngân tín dụng cho kinh doanh dịp lễ Tết luôn ở mức cao. Tuy giảm lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ áp dụng với các nhu cầu vốn tại năm lĩnh vực ưu tiên, nhưng lãi suất cho vay luôn được neo theo lãi suất huy động, đặc biệt ở các kỳ hạn ba tháng, sáu tháng và chín tháng. Theo đó, lãi suất huy động kỳ hạn ba tháng được điều chỉnh giảm trần lãi suất nên sẽ có nhiều khoản vay không nằm trong lĩnh vực ưu tiên có thể được điều chỉnh giảm tương ứng (điều này không hoàn toàn áp dụng cho tất cả khoản vay, do phụ thuộc vào cầu tín dụng và rủi ro tín dụng tại lĩnh vực đó...).

Nền kinh tế sẽ tiết kiệm được lượng lớn chi phí vốn từ việc hạ lãi suất thương mại do tín dụng vẫn là kênh dẫn vốn chủ đạo cho nền kinh tế, tỷ lệ tín dụng/GDP đầu năm 2019 vào khoảng 130%. Ngoài ra, tín dụng chảy vào các lĩnh vực ưu tiên đang được giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm có xu hướng tăng mạnh kể từ đầu năm và cũng là lĩnh vực mà NHNN có định hướng nắn dòng tín dụng chảy vào nhiều hơn trong những năm qua. Trong sáu tháng đầu năm nay, dư nợ các lĩnh vực ưu tiên gồm cho vay xuất khẩu tăng 15,5%; doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng 6,03%; doanh nghiệp công nghệ cao tăng 7,53%; nông nghiệp và nông thôn tăng 5,8%; công nghiệp hỗ trợ tăng 5,81% so với đầu năm và hầu hết đều tăng cao hơn so với mức tăng trưởng tín dụng 6,22% của sáu tháng đầu năm. Đây sẽ là động lực cho tăng trưởng bứt phá vào quý cuối cùng của năm nay.

Hoạt động ngân hàng có thể bị xáo trộn

Câu hỏi đặt ra là vì sao tới thời điểm này NHNN mới hạ trần lãi suất khi đã hạ lãi suất chính sách rất nhiều lần trước đó. Thực tế, NHNN có nhiều lãi suất điều hành và cơ chế tác động của mỗi loại lãi suất tới nền kinh tế là khác nhau nên việc thay đổi lãi suất không nhất thiết đồng thời. Việc giảm trần lãi suất vào thời điểm gần cuối năm cho thấy sự thận trọng từ phía nhà điều hành trong đánh giá tác động của việc giảm lãi suất tới sự ổn định vĩ mô vì lãi suất huy động, cho vay có tầm ảnh hưởng tới toàn bộ chủ thể nền kinh tế, không chỉ gói gọn trong hệ thống ngân hàng.

Giảm lãi suất trước mắt sẽ có lợi cho cư dân, doanh nghiệp cần vay vốn, song sẽ gây một số vấn đề trong hoạt động của ngân hàng. Lãi suất huy động giảm sẽ làm giảm nhu cầu tiết kiệm trên thị trường 1. Đặt trong bối cảnh cuối năm, cầu tiền sử dụng cho hoạt động kinh doanh, sản xuất tăng cao sẽ cộng hưởng gây thiếu hụt thanh khoản cho ngân hàng, đặc biệt áp lực sẽ cao hơn đối với các ngân hàng nhỏ. Đó là chưa kể tới việc ngân hàng phải tuân thủ các quy định về tỷ lệ vốn tối thiểu, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, tỷ lệ cho vay trên tổng huy động..., những việc này sẽ khiến thanh khoản hệ thống căng thẳng hơn trong dịp cuối năm.

Đứng từ góc độ ngân hàng thương mại, họ sẽ thấy bất hợp lý khi mình vừa phải chịu trần tăng trưởng tín dụng, vừa phải giảm lãi suất cho vay. Lợi nhuận ngân hàng trước nay chủ yếu từ hoạt động tín dụng. Vì vậy, quy mô cho vay và lãi suất cho vay bị giới hạn sẽ ảnh hưởng lớn tới lợi nhuận của mảng kinh doanh truyền thống này. Ngoài ra, những lĩnh vực ưu tiên có cầu tín dụng ở mức cao (thể hiện trong đà tăng trưởng dư nợ ở mức cao) lại có lãi suất cho vay giảm cũng gây sự bất hợp lý trong cung - cầu vốn, càng làm giảm lợi nhuận cho ngân hàng.

Có thể NHNN sẽ điều chỉnh thêm lãi suất chính sách trong thời gian tới, ví dụ như giảm thêm 0,25 - 0,5 điểm phần trăm lãi suất repo - cho vay qua mua kỳ hạn giấy tờ có giá để hỗ trợ chi phí vay của ngân hàng trong dịp cận Tết, như một hình thức “bù đắp” khi ngân hàng đang hỗ trợ chi phí vốn cho cả nền kinh tế. Việc giảm lãi suất repo sẽ tiết kiệm chi phí đáng kể cho ngân hàng, trong khi không tác động quá lớn tới ổn định vĩ mô. Ngoài ra, NHNN có thể cân nhắc giãn lộ trình thực hiện các chỉ tiêu về vốn như tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, tỷ lệ cho vay trên huy động... như các biện pháp hỗ trợ hệ thống.

Giảm lãi suất thương mại là điều cần thiết để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, giảm lãi suất và bơm tiền (nới lỏng tiền tệ) thường sử dụng trong bối cảnh tổng cầu suy yếu. Tăng trưởng của Việt Nam những năm qua vẫn duy trì ở mức cao so với mặt bằng thế giới, cầu tín dụng cho chi tiêu, đầu tư, sản xuất không có dấu hiệu suy giảm. Do đó, việc giảm lãi suất thị trường 1 có thể đẩy mạnh cầu vốn vào những lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán..., gây nguy cơ bong bóng tài sản. Giảm lãi suất cần đi kèm kiểm soát dòng chảy tín dụng - vấn đề mà NHNN đang quan tâm chặt chẽ trong thời gian qua.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top