Theo đó, cơ quan này đã ban hành hai quyết định có hiệu từ ngày 19/11/2019, hạ lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng tiền đồng không kỳ hạn, có kỳ hạn dưới một tháng từ 1% xuống 0,8%/năm, tiền gửi ngắn hạn dưới sáu tháng từ 5,5% xuống 5%/năm; đồng thời giảm lãi suất cho vay ngắn hạn tiền đồng đối với các lĩnh vực ưu tiên từ 6,5% xuống 6%/năm.
Ngay sau khi hai quyết định trên được ban hành, hàng loạt ngân hàng đã giảm mạnh lãi suất ngắn hạn. Một số ngân hàng điều chỉnh cả lãi suất tiền gửi dài hạn từ 12 - 36 tháng theo hướng đi xuống dù mức giảm chỉ 0,1 - 0,3 điểm phần trăm. Các ngân hàng Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank đã hạ lãi suất cho vay năm lĩnh vực ưu tiên từ trước đó, thậm chí không chỉ về mức 6%/năm như chỉ đạo của cơ quan quản lý, mà về hẳn 5 - 5,5%/năm để hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt những đơn vị xuất khẩu nông lâm thủy hải sản đang gặp khó khăn.
Những doanh nghiệp được hưởng lợi ngay và trực tiếp từ động thái hạ lãi suất là các nhà xuất khẩu cá tra, tôm do nhu cầu vay vốn lưu động thường trực cao như ACL, ANV, MPC... hay các công ty dệt may như TCM, TNG, VGT, VGG, STK..., xuất khẩu sản phẩm gỗ như GDT, GTA.
Việc giảm lãi suất được cân nhắc trên ba yếu tố cơ bản. Thứ nhất, lạm phát 10 tháng đầu năm tăng 2,48% so với cuối năm ngoái, còn khoảng cách khá an toàn so với chỉ tiêu đề ra cho năm nay. Thứ hai, tăng trưởng tín dụng đang ở trong tầm kiểm soát của NHNN.
Thứ ba, nhiều khả năng tỷ giá sẽ ổn định nhưng không cố định trong cả năm sau khi dự trữ ngoại hối đã lên mức 73 tỷ đô la Mỹ, cao hơn mức ba tháng nhập khẩu theo khuyến cáo của các định chế tài chính quốc tế. Ngoài ra xuất siêu 10 tháng đạt kỷ lục 9 tỷ đô la Mỹ, cao nhất trong nhiều thập niên trở lại đây.
Việc hạ lãi suất, không nghi ngờ, là một cú đẩy có sức bật lớn đối với thị trường chứng khoán. Giờ đây để được hưởng một mức lãi suất cao, người gửi tiền sẽ phải chuyển dịch từ gửi kỳ hạn ngắn sang kỳ hạn dài. Những người có tiền nhàn rỗi kỳ vọng một mức lãi suất cao hơn có thể sẽ nghiên cứu khả năng giải ngân một phần vào chứng khoán.
Thời gian qua, VN-Index lên điểm nhờ các cổ phiếu trụ cột. Còn rất nhiều cổ phiếu trung bình và nhỏ thị giá còn thấp, với chỉ số giá trên lợi nhuận (P/E) đang chỉ 4 - 7 lần, có thể lọt vào tầm ngắm của nhà đầu tư. Điều này sẽ hợp lý hóa thông qua điều chỉnh lại sự phân hóa vốn không đồng đều diễn ra vừa qua. Không thể tái diễn mãi tình trạng các cổ phiếu có thu nhập 9.000 - 10.000 đồng/cổ phiếu mà thị giá chỉ 40.000 - 50.000 đồng trong khi doanh nghiệp trả cổ tức tiền mặt 40 - 50%/năm và giá trị sổ sách xấp xỉ thị giá. Các blue-chips thượng hạng hiện nay đều có P/E quá cao, có cổ phiếu tới cả 100 lần, khiến mặt bằng P/E chứng khoán Việt Nam nhảy lên 14 - 15 lần - không thể nói là cổ phiếu rẻ so với khu vực.
Khi chứng khoán có lực hỗ trợ từ lãi suất, các đợt thoái vốn đầu tư ngoài ngành và cổ phần hóa có điều kiện để tiến hành thuận lợi. Các công ty tư nhân liên tục gọi vốn thành công như VHM, VIC, VJC, MSN, thì các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa đã không thể tìm được đối tác chiến lược trong 10 tháng đầu năm nay (không kể BIDV và VCB).
Một số doanh nghiệp dầu khí, tổng công ty xây dựng, đã không thể thoái vốn hoặc tiến hành thoái vốn mà không tìm được người mua. Những doanh nghiệp đã niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên UpCom nhưng tỷ lệ sở hữu của Nhà nước còn lớn như BSR, BCM, PLX, HVN, POW... vẫn đang trong quá trình đàm phán tìm đối tác đầu tư dài hạn.
Ở đây có một khía cạnh không thể bỏ qua: việc giảm lãi suất tiền đồng gián tiếp can thiệp để tiền đồng không lên giá quá mạnh trong bối cảnh dòng vốn ngoại cả trực tiếp và gián tiếp đều đang tăng cường vào Việt Nam.
Chỉ cần tỷ giá ổn định, dòng vốn đầu tư còn có thể chảy vào nhiều hơn do hiện lãi suất đô la Mỹ và các ngoại tệ mạnh trên thị trường tài chính thế giới rất thấp, có đồng tiền lãi suất âm. Chính vì thế lãi suất trái phiếu Chính phủ chỉ xoay quanh 3%/năm nhưng khối ngoại vẫn mua ròng đều đặn.