Gần hai tháng sau khi chính thức ra mắt, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã chính thức hoàn thành việc tiếp nhận khối tài sản khổng lồ 2,3 triệu tỉ đồng của 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể “siêu ủy ban” này đã tiếp nhận một doanh nghiệp của Bộ Tài chính là SCIC vốn điều lệ 50.000 tỷ đồng, năm doanh nghiệp của Bộ Giao thông vận tải vốn chủ sở hữu Nhà nước khoảng 49.000 tỷ đồng, hai doanh nghiệp của Bộ Thông tin và truyền thông là VNPT và MobiFone giá trị vốn Nhà nước 83.629 tỷ đồng, năm doanh nghiệp của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (50.000 tỷ đồng).
Riêng Bộ Công thương có sáu doanh nghiệp là PVN, EVN, TKV, Petrolimex, Vinachem và Vinataba có số vốn Nhà nước hơn 555.000 tỷ đồng, tương đương 1/2 tổng số vốn Nhà nước mà “siêu ủy ban” nắm giữ tại 19 tổng công ty, doanh nghiệp.
Công tác giao vốn đã hoàn thành, tuy nhiên đây mới chỉ là bước đầu, nghiệm vụ trước mắt của siêu ủy ban vẫn còn rất nhiều khó khăn. Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, sau khi tiếp nhận các tập đoàn và tổng công ty, cơ quan này sẽ tiếp tục sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu các doanh nghiệp.
Điều quan trọng là siêu ủy ban này phải làm sao để “bảo toàn và phát triển vốn” như những gì Thủ tướng đã chỉ đạo và đặt niềm tin, ông Hoàng Anh nhấn mạnh.
Trong khi đó, thực tế cho thấy hàng loạt dự án, kế hoạch của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước hiện đang trong giai đoạn tái cơ cấu dở dang, nhiều dự án chậm trễ, doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả.
Điển hình như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) với kết quả hoạt động kinh doanh sụt giảm, 5 dự án thua lỗ nghìn tỷ đồng và khoản lỗ lũy kế gần 3.500 tỷ đồng tại PVC thời Trịnh Xuân Thanh. Nhiều doanh nghiệp của ngành công thương cũng đang thua lỗ hoặc khó khăn như Vinalines, Vinachem (Tập đoàn Hóa chất), Vinafood II.
Trả lời câu hỏi về việc làm thế nào để Ủy ban Quản lý vốn nhà nước có thể hoạt động một cách hiệu quả, tránh các rủi ro trong việc quản lý nguồn vốn, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về hợp tác đầu tư cho rằng, việc thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước hiện có hai bài toán lớn cần sớm có lời giải.
Thứ nhất là việc các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước trước đó do các bộ chủ quản quản lý, Bộ Giao thông quản lý các công ty trong tổng công ty giao thông, Bộ Công thương quản lý các doanh nghiệp ngành công thương. Giờ lại có siêu uỷ ban đa ngành, quản lý tất cả các lĩnh vực, đa ngành như vậy thì rõ ràng phức tạp hơn nhiều chuyên ngành, đây là một thách thức rất lớn trong hoạt động của siêu uỷ ban.
Thứ hai, từ khi thành lập siêu ủy ban đến nay đã hơn một năm nhưng điều lệ của uỷ ban này gần đây mới ra đời.
Để siêu uỷ ban này đi vào hoạt động một cách hiệu quả phải có một bộ máy rất tốt, thậm chí tốt hơn nhiều so với sự điều hành các bộ chủ quản như trước đây. Trong khi đó, mặc dù đã hoàn thành việc chuyển giao trong thời gian ngắn nhưng theo lộ trình, đến hết năm 2019, siêu ủy ban mới có thể hoàn thiện toàn bộ bộ máy.
Điều đó có nghĩa, trong thời gian tới, cả ủy ban lẫn các doanh nghiệp đều phải tự phối hợp vận hành để bảo đảm hoạt động thông suốt và đúng luật. Đó là hai bất cập lớn nhất đối với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước hiện nay, ông Mại nhận định.
Ông Mại cũng cho rằng, để siêu ủy ban có thể hoạt động tốt thì yếu tố số một là cần có người đứng đầu đủ tầm, tâm để quản lý khối lượng tài sản của nhà nước. Bên cạnh đó là bộ máy nhân sự, siêu uỷ ban hiện nay đang tuyển chọn các chuyên gia từ rất nhiều lĩnh vực: quản lý vốn nhà nước, kinh tế, tài chính, kế toán, không biết được bao giờ mới có thể chọn được người giỏi nhất. Nếu những điều kiện đó không được đảm bảo, sẽ không thể có một Ủy ban Quản lý vốn nhà nước với kết quả hoạt động tốt được.
GS. Nguyễn Mại lấy ví dụ về Viettel - một trong những doanh nghiệp nhà nước thành công nhất từ khi đổi mới. Theo đó, doanh nghiệp này được thành lập từ 1997, thời gian đầu hoạt động rất lộn xộn, phải đến khi khi bổ nghiệm được chủ tịch hội đồng quản trị, bây giờ là Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông - một người có tư duy hành động theo hướng hiện đại, Viettel mới thực sự có bước phát triển đột phá.
Một câu chuyện thú vị được ông Mại chia sẻ, khi đó một phó tổng giám đốc của Viettel sang Thái Lan làm việc để đề xuất việc hợp tác với một tập đoàn lớn về công nghệ thông tin của nước này. Tuy nhiên, khi phía Viettel đề nghị được hợp tác công nghệ cũ thì doanh nghiệp Thái từ chối vì hiện giờ họ đang phát triển rất mạnh công nghệ số, 3G, 4G, nếu muốn hợp tác, Viettel phải thay đổi tư duy.
Ngay sau đó ban lãnh đạo Viettel đã nhận thấy sai lầm về mặt chiến lược phát triển của mình và nhanh chóng quyết định hợp tác phát triển công nghệ mới với tập đoàn của Thái Lan.
Từ đó đến nay, Viettel hiện đã bắt đầu có công nghệ 5G. Vừa rồi khi Thủ tướng làm việc với Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã công bố, Việt Nam có 10.000km dây cáp quang đến tất cả các huyện xã, hệ thống cáp quang cao hơn rất nhiều các nước trong khu vực.
Qua câu chuyện này, ông Mại nhấn mạnh, điều làm nên thành công của Viettel là người đứng đầu. Yếu tố về bộ máy lãnh đạo là hết sức quan trọng, chừng nào không có người đứng đầu có tâm, có tầm, hoạt động của các tổ chức doanh nghiệp sẽ không thể thành công.
Quay trở lại với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, theo GS. Nguyễn Mại, sức mạnh của siêu uỷ ban không phải đến từ tên gọi mà từ cơ chế quản lý, năng lực của người lãnh đạo và bộ máy vận hành, làm thế nào để vừa đảm bảo được vốn nhà nước vừa đảm bảo hoạt động hiệu quả của các doanh nghiệp.
Đồng quan điểm, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Phan Đức Hiếu cũng cho rằng, việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu của các doanh nghiệp dưới hình thức chuyển giao từ cơ quan nhà nước này sang một cơ quan nhà nước khác là chưa từng có tiền lệ.
Việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu bao gồm chín quyền, trong đó có quyền về bổ nhiệm cán bộ, phê duyệt kế hoạch sản xuất - kinh doanh và và quyền quyết định về các vấn đề đầu tư tài chính.
Như vậy, siêu ủy ban sẽ chịu trách nhiệm về tình hình lỗ lãi của doanh nghiệp nhận bàn giao. Hay nói một cách chính xác, hiệu quả sản xuất - kinh doanh từ việc sử dụng đồng vốn là do hội đồng quản trị, tổng giám đốc và bộ máy trực tiếp quản lý nguồn vốn chịu trách nhiệm. Siêu ủy ban với tư cách chủ sở hữu sẽ phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ về tổng giá trị danh mục tài sản nhà nước đã giao cho quản lý.
Do đó, trách nghiệm của siêu ủy ban sẽ là rất lớn, theo ông Hiếu, cơ quan này phải làm thế nào để đảm bảo tính hiệu quả của hoạt động sản xuất - kinh doanh cũng như trách nhiệm bảo toàn và phát triển vốn cần gắn với chiến lược tổng thể mang lại hiệu quả chung cho toàn bộ khu vực doanh nghiệp nhà nước.
Vị chuyên gia này cho rằng, để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, vấn đề nguồn lực, nhất là nguồn lực về con người và công nghệ cần phải được xem trọng. Bản thân Ủy ban Quản lý vốn nhà nước cần nâng cao năng lực quản lý và có các nguồn lực đủ mạnh để thực hiện tốt vai trò cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp sau chuyển giao, kể cả các nguồn lực để hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp.