Aa

Hải Châu và câu chuyện tái thiết đô thị ở Đà Nẵng

Thứ Sáu, 18/02/2022 - 06:14

Lãnh đạo UBND quận Hải Châu cho rằng đã đến lúc cần nghiên cứu, đề xuất những giải pháp và đầu tư tái thiết các khu đô thị cũ, qua đó cải thiện đời sống người dân...

Trong những năm gần đây, việc đẩy nhanh quá trình đô thị hóa và chú tâm phát triển kinh tế đã khiến những không gian công cộng trong các khu đô thị cũ ở Đà Nẵng đang dần biến mất và những không gian ít ỏi còn lại thì không đảm bảo tiêu chuẩn về chất lượng. Những nhu cầu thiết yếu liên quan đến chất lượng đời sống của người dân trong các khu đô thị cũ như nghỉ ngơi, thư giãn và giao lưu tương tác xã hội không còn được đáp ứng khi quỹ đất eo hẹp vẫn được ưu tiên dùng cho việc phát triển kinh tế; trong khi mật độ dân cư lớn và dân số tăng nhanh đã là những đặc thù của các khu đô thị cũ.

Là một quận trung tâm của TP. Đà Nẵng, quận Hải Châu có những bước phát triển nhanh về kinh tế, kéo theo việc chỉnh trang đô thị và nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân. Lãnh đạo quận Hải Châu cho rằng đã đến lúc cần nghiên cứu, đề xuất những giải pháp và đầu tư tái thiết các khu đô thị cũ, cải thiện đời sống người dân, với mạng lưới hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hoàn chỉnh, phù hợp với định hướng quy hoạch chung của TP. Đà Nẵng là một vấn đề cấp bách hiện nay trên địa bàn quận Hải Châu.

Một phần quận Hải Châu, TP. Đà Nẳng đã được quy hoạch, đầu tư, xây dựng khang trang, đẹp đẽ, hiện đại

THÍ ĐIỂM VỚI BÌNH HIÊN

Theo ông Lê Tự Gia Thạnh, Chủ tịch UBND quận Hải Châu, trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng của TP. Đà Nẵng, nằm giữa các khu vực mới phát triển, vẫn còn có nhiều khu đô thị cũ, dân cư sinh sống tập trung nhiều thế hệ. Ban đầu, các khu vực đô thị cũng nhanh chóng trở nên phồn vinh, nhộn nhịp, sáng sủa hơn trong quá trình phát triển, nhưng dần dần bị quá tải, chất lượng sống bị giảm sút. Đặc trưng của các khu vực đô thị cũ này là dân cư các nhà phố diện tích nhỏ và các khu kiệt, hẻm chật chội chạy dài, chia làm nhiều nhánh, có nhiều nhánh dẫn đến đường cụt, không thông ra đường giao thông chính.

Nếu các điểm dân cư mới tại các khu vực đô thị mới có sự phân chia chức năng rất rõ ràng giữa nội ngoại thất, giữa khu làm việc và nghỉ ngơi, giữa nơi ở và công trình công cộng, giữa đường giao thông và khu vực sinh hoạt thì trong các khu vực này dường như tất cả không gian mang tính chức năng được lồng ghép vào nhau.

Đà Nẵng từ lâu được biết đến là một thành phố đáng sống, hòa mình với dòng chảy phát triển không gian đô thị hiện đại, tạo ra một môi trường cư trú an toàn, văn minh và bền vững cho cư dân đô thị. Trong tiến trình phát triển này, nhiều khu đô thị cũ cần được tái thiết, để tạo nên diện mạo mới cho TP. Đà Nẵng, nhất là khu vực đô thị trung tâm như quận Hải Châu. Một trong những chương trình phát triển mà lãnh đạo quận Hải Châu đề ra trong thời gian đến là hành động hướng tới các giải pháp về vấn đề đô thị, quy hoạch, đầu tư, xây dựng đô thị theo hướng bền vững về điều kiện kinh tế - xã hội, không gian và môi trường. Trong đó, thí điểm tái thiết đô thị - một câu chuyện dài hơi, nhạy cảm làm “chìa khóa” giải quyết những nút thắt về phát triển đồng bộ hạ tầng đô thị…

Khu vực quy hoạch để thí điểm tái thiết đô thị tại quận Hải Châu

“Dự án Tái thiết đô thị khu vực Bình Hiên có quy mô 3ha là một bước mở đầu, là mô hình thí điểm đầu tiên của cả nước để khởi động công cuộc tái thiết đô thị rộng khắp trên địa bàn quận Hải Châu và TP. Đà Nẵng”, ông Lê Tự Gia Thạnh, chia sẻ với Reatimes.
Mục tiêu chính của dự án này là quy hoạch tái thiết khu vực Bình Hiên theo mô hình đô thị nén, với mục tiêu thay đổi diện mạo của khu dân cư hiện trạng, đồng thời nâng cao đời sống cũng như đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của quận Hải Châu nói riêng và TP. Đà Nẵng nói chung.

Cũng theo ông Lê Tự Gia Thạnh, việc tái thiết đô thị được lên kế hoạch một cách chi tiết và có chiều sâu. Ví dụ như Khu đô thị Bình Hiên đã thực hiện xong các bước như: Lấy ý kiến nhân dân, tổ chức hội thảo, duyệt quy hoạch, báo cáo tiền khả thi và hiện nay đang trình thành phố phê duyệt. Trên cơ sở phê duyệt của lãnh đạo TP. Đà Nẵng, UBND quận Hải Châu sẽ triển khai các bước tiếp theo như phương án đền bù, giải tỏa, bố trí tái định cư, kêu gọi đầu tư xây dựng nhà ở cao tầng, khu trung tâm thương mại…

Khu thương mại hiện đại được quy hoạch tại Khu đô thị Bình Hiên

Quan điểm nhất quán, mục tiêu xuyên suốt của dự án này là đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước - Người dân - Doanh nghiệp; chính quyền ưu tiên bố trí tái định cư tại chỗ và tạo điều kiện tốt nhất cho người dân trong vùng dự án buôn bán, kinh doanh. “Đặc biệt hơn, trong quá trình tái thiết đô thị, quận Hải Châu chú trọng vào yếu tố không gian môi trường cư trú, đây được xác định là yếu tố then chốt tạo nên tính hấp dẫn cho đô thị và mức độ tiện nghi cho đời sống người dân, tạo sự cân đối cho không gian sống và tiện ích công cộng, đồng thời bảo vệ được môi trường sinh thái”, ông Lê Tự Gia Thạnh, tự tin nói về công cuộc tái thiết đô thị đang dần thành hình và ông cũng lạc quan tin tưởng mô hình này sẽ được nhân rộng tại các khu vực khác trên địa bàn quận Hải Châu và mở rộng khắp TP. Đà Nẵng.

Sau tái thiết, an cư, người dân trong vùng dự án sẽ tiếp cận không gian đô thị đúng nghĩa hiện đại, văn minh

TÁI THIẾT HẠ TẦNG GIAO THÔNG

Kết cấu hạ tầng giao thông được xem là nền tảng vật chất có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi thành phố. Việc tạo nên kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại sẽ kết nối và đáp ứng hàng loạt nhu cầu thương mại và tạo tiện ích trong quá trình di chuyển cho người dân. Vì vậy, trong quá trình tái thiết đô thị, quận Hải Châu tập trung vào tái thiết giao thông thông qua việc tháo gỡ các điểm nghẽn về giao thông hiện nay trên địa bàn, khơi thông nhiều tuyến đường, tạo điều kiện cho người dân lưu thông nhanh chóng.

Theo ông Lê Tự Gia Thạnh, chủ trương của quận Hải Châu sẽ tập trung vào những khu vực đường sá nhỏ, hạ tầng kỹ thuật khu vực thấp, không đảm bảo được cuộc sống cho người dân, kéo theo đó là điều kiện phòng cháy chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn không bảo đảm an toàn, nhiều nơi xe chữa cháy và xe cấp cứu không thể chạy vào vì đường hẹp… Chính vì vậy, việc tái thiết đô thị tại quận Hải Châu trước tiên bắt nguồn từ những nhu cầu cơ bản trong đời sống của người dân, tạo ra một không gian tiện ích công cộng là tổ hợp các công trình dịch vụ công cộng đảm bảo đầy đủ các dịch vụ thiết yếu hàng ngày: Có bãi đỗ xe, đường giao thông nội bộ, các công trình dịch vụ công ích như điện, nước, thoát nước, vệ sinh môi trường...

Tái thiết đô thị, đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông là ưu tiên của Hải Châu trong giai đoạn hiện nay

Theo định hướng của UBND quận, sẽ có đường giao thông từ đường Lê Đình Lý nối với đường Hoàng Diệu. Lý giải về việc thực hiện tuyến đường này, UBND quận Hải Châu nhìn nhận hiện nay đường Hoàng Diệu đi từ đường Nguyễn Văn Linh cho đến đường Nguyễn Tri Phương không thể rẽ vào đường Lê Đình Lý. Vì vậy, nút giao thông dồn về hết đường Trưng Nữ Vương. Từ đó, dẫn đến con đường này nhiều lúc bị quá tải, đặc biệt là đường Hoàng Diệu rẽ qua khu Chợ Mới hay bị quá tải bởi mật độ giao thông quá lớn. Có một con đường như vậy sẽ giải phóng lượng dân cư để không bị dồn vào các nút giao thông là vấn đề bức thiết. Về việc thông tuyến, UBND quận Hải Châu đã xin chủ trương của Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng thông tuyến đường Yên Bái và đường Cô Giang. Như vậy, giao thông sẽ không bị dồn đến đường Trần Phú và hạn chế việc quá tải mật độ giao thông. Thông tuyến đường Thanh Sơn qua đường Mai Am ở khu vực phường Thuận Phước... Ngoài ra, chính quyền quận Hải Châu cũng nghiên cứu hàng loạt tuyến đường theo hướng thông tuyến kết hợp với mở rộng, khắc phục tình trạng ngập úng cục bộ tại nhiều điểm ở các khu dân cư.

Theo ông Lê Tự Gia Thạnh, UBND quận Hải Châu đang xin chủ trương di dời phường Hải Châu 1 ra đường Hùng Vương, tái thiết lại đình làng Hải Châu bằng cách giải tỏa một số hộ dân để thông tuyến ra đường Ngô Gia Tự,… Trong tương lai, hứa hẹn sẽ là một điểm đến tâm linh của thành phố. “Điều này cũng áp dụng theo đúng Quyết định số 359/QĐ-TTg phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là TP. Đà Nẵng có khu vực bảo tàng sống, lấy đình làng là “trái tim của bảo tàng sống”. Tức là, thấy được việc thành phố phát triển đô thị thì đình làng vẫn nằm đó tức là trái tim đô thị vẫn còn sống”, ông Lê Tự Gia Thạnh, nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, UBND quận Hải Châu cũng cho thí điểm xe đạp công cộng trên địa bàn quận. Nhiều khả năng tuyến xe đạp này lấy Công viên APEC làm trọng tâm về giao thông, kết nối đi sân ga, tuyến ra biển, chợ Cồn, chợ Hàn, Thành Điện Hải, Nhà thờ Con Gà , Đình làng Hải Châu, Nghĩa trũng Phước Ninh,…

Đô thị Hải Châu, TP. Đà Nẵng

Dễ nhận thấy, việc tái thiết đô thị tại quận Hải Châu với bước khởi đầu là Khu đô thị Bình Hiên đều hướng đến mục tiêu chung là nâng cao chất lượng cuộc sống, tính tiện nghi, các giá trị bền vững đối với cư dân đô thị. Tuy nhiên, chuyện tái thiết đô thị ở Hải Châu đã nhiều lần được đề cập, song những vấn đề nhạy cảm về giải tỏa, đền bù, bố trí tái định cư ở khu vực có mật độ dân số đông, nhà cửa nhỏ và san sát nhau, nhiều thế hệ sinh sống chung trong một không gian chật hẹp, công việc người dân trong vùng dự án chủ yếu dựa vào các điểm kinh doanh, buôn bán lân cận… là một bài toán nan giải. Tuy nhiên, với cơ chế, chính sách và phương án quy hoạch, đầu tư, xây dựng, lựa chọn nhà đầu tư có tiềm năng… và trên hết các phương án đền bù, tái định cư được công khai, minh bạch, tiện ích đô thị được nâng cao, vấn đề an sinh xã hội được đảm bảo, chắc chắn sẽ nhận được sự đồng thuận của người dân.

Và như vậy, đô thị Đà Nẵng sẽ phát triển toàn diện, đồng bộ và bền vững./.

Mục tiêu dự án Tái thiết đô thị khu vực Bình Hiên

Thực hiện tái thiết theo hướng cao tầng, mật độ thấp, tạo nhiều không gian mở, tăng cường các không gian xanh, không gian công cộng, tận dụng mọi nguồn lực đầu tư đảm bảo sự cân bằng giữa phần đặc và phần rỗng trong không gian đô thị mới hình thành; Bố trí đất cho các công trình giáo dục, văn hóa, tiện ích công cộng. Công trình cao tầng trong dự án tái thiết đô thị khuyến khích tạo lập không gian thông thoáng tại các tầng đế, kết nối với không gian khu vực; Đề cao bản sắc đô thị, nơi chốn và bảo tồn các giá trị phi vật thể xung quanh khu vực dự án tái thiết hiện hữu; Cải thiện, đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật nhằm thích nghi với quá trình đô thị hóa tại khu vực, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân tại khu vực tái thiết; Cân bằng hiệu quả về lợi ích kinh tế - xã hội giữa người dân, chính quyền và các nhà đầu tư.

Hiệu quả về mặt xã hội của dự án:

Đối với Nhà nước: Quy hoạch nâng cấp khu dân cư ngay khu vực trung tâm thành phố lên một tầm cao mới đảm bảo hiệu quả về vấn đề xây dựng hình ảnh của TP. Đà Nẵng trong thời kỳ mới. Tạo điểm nhấn của Đà Nẵng và hình thành một khu đô thị kiểu mới.

Đối với người dân: Trong xã hội hiện đại, cùng với sự phát triển mạnh về kinh tế và nhịp sống xã hội, nhu cầu về nơi lưu trú kết hợp nghỉ ngơi là điều tất yếu, không gian sống tiện nghi sẽ giúp con người phát huy tính sáng tạo, lao động và tận hưởng cuộc sống. Cùng với sự đổi mới, nền kinh tế của Đà Nẵng ngày càng tăng trưởng, điều kiện làm việc và chất lượng sống của người dân ngày càng tăng cao; Được sinh sống với môi trường sống tốt hơn; Được tái định cư tại chỗ và gia tăng thêm việc kinh doanh mua bán của cư dân trong khu vực qua các căn nhà Shophouse hoặc ki-ốt thương mại...

Đối với Nhà đầu tư: Chung tay tham gia cùng với các cấp chính quyền của TP. Đà Nẵng nhằm đẩy mạnh việc phát triển thành phố một cách tốt đẹp hơn; Tạo môi trường tốt cho việc đầu tư chung của nhà đầu tư nói riêng và Nhà nước nói chung đối với việc tái thiết đô thị của Đà Nẵng trong tương lai.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top