Theo thông tin từ Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương, 6 tháng đầu năm nay, đơn vị này đã cấp cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 26 dự án mới với tổng vốn đầu tư 129 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 13 lượt dự án với tổng vốn đầu tư tăng thêm khoảng 43 triệu USD.
Cấp mới, điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho các dự án DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 2.365,8 tỷ đồng, trong đó, cấp mới 8 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 2.088,2 tỷ đồng; điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 06 lượt dự án với tổng vốn đầu tư tăng thêm khoảng 277,6 tỷ đồng.
Như vậy, tính đến nay, các KCN trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 394 dự án đầu tư thứ cấp, gồm 311 dự án FDI đến từ 23 quốc gia và vùng, lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 6,2 tỷ USD và 83 dự án DDI với tổng vốn 8 đầu tư đăng ký khoảng 14.410 tỷ đồng.
Trong những năm qua, Hải Dương đã phát huy rất tốt lợi thế nằm ở giữa trung tâm chiến lược của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, với những khẳng định qua kết quả thu hút đầu tư mạnh mẽ.
Năm 2023, tỉnh đã thực hiện cấp mới, điều chỉnh tăng vốn đầu tư khoảng 1,25 tỷ USD cho các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, tăng hơn 927 triệu USD so với năm 2022 và gấp trên 6 lần kế hoạch năm.
Vốn FDI luôn chiếm từ 35 - 40% cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội của tỉnh Hải Dương. Các doanh nghiệp FDI đóng góp trên 60% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Là thành tố quan trọng nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp trong quá trình thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Hải Dương.
Các dự án FDI và DDI đến với Hải Dương đều được UBND tỉnh định hướng tập trung vào các ngành nghề, lĩnh vực trọng tâm gồm: Sản xuất các sản phẩm công nghiệp phụ trợ, chế biến, chế tạo, điện tử. Lĩnh vực chế biến nông sản thực phẩm; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ môi trường, năng lượng sạch…