Aa

Hai mặt của trào lưu sống tối giản

Thứ Năm, 24/08/2017 - 07:00

Sống tối giản đang dẫn trở thành một phong cách sống được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên bất cứ một phong cách sống nào cũng có ưu và nhược điểm nhất định.

Lối sống tối giản có nghĩa là bạn giảm đi những thứ không cần thiết trong cuộc sống của mình. Trên bề mặt, bạn có thể nhận thấy ngay một vài lợi ích như sẽ đỡ tốn thời gian hơn cho dọn dẹp, có 1 căn nhà luôn ngăn nắp, theo đó bạn cũng sẽ bớt căng thẳng hơn. 

Nhà ít đồ sẽ giúp bạn giảm bớt thời gian dọn dẹp.

Nhà ít đồ sẽ giúp bạn giảm bớt thời gian dọn dẹp.

5 ưu điểm của lối sống tối giản

1. Tạo không gian cho những thứ quan trọng

Khi loại bỏ bớt quần áo cũ và đồ đạc không dùng đến, bạn sẽ tạo được không gian cho sự thư thái trong tâm hồn. Không còn cảm giác ngột ngạt mỗi khi mở tủ hay về nhà và thấy đồ đạc ngồn ngộn. Giờ đây bạn có thể thoải mái hít thở và lấp đầy cuộc sống bằng những điều ý nghĩa hơn là bằng của cải vật chất.

2. Tự do hơn

Sự tích tụ của vật chất giống như một mỏ neo, nó sẽ kéo bạn xuống và giữ yên bạn ở đó. Chúng ta luôn luôn sợ hãi mất đi cái này cái kia, nhưng khi bạn buông bỏ được chúng, bạn sẽ trải nghiệm được một cảm giác tự do tự tại rất tuyệt vời. Bạn sẽ được giải phóng khỏi lòng tham, những nỗi ám ảnh phải mua sắm, hay phải làm việc quá sức để có tiền cho những thứ vật chất đó.

3. Có thời gian tập trung vào sức khoẻ và sở thích của bạn

Khi bạn dành ít thời gian hơn cho các cửa hàng mua sắm, hay cố gắng bắt kịp một xu thế nào đó, đồng nghĩa với việc bạn sẽ có nhiều thời gian hơn dành cho bản thân, làm những điều bạn muốn và thật sự có ý nghĩa với bạn.

Mọi người luôn luôn than phiền rằng họ không có đủ thời gian, nhưng liệu có bao nhiêu người thực sự dừng lại và nhìn xem mình đang dùng thời gian vào những gì? Bạn có thể thưởng thức một ngày với lũ trẻ, tới phòng tập thể dục, tập yoga, đọc sách hay đi du lịch.

4. Ít tập trung hơn vào tài sản vật chất

Thực tế là, tất cả những thứ vật chất vây quanh chúng ta chỉ vì chúng ta muốn lấp đầy khoảng trống. Tiền không thể mua hạnh phúc, nhưng nó có thể mua sự thoải mái tiện nghi. Khi đã thỏa mãn được nhu cầu về tiện ích, thì nỗi ám ảnh của chúng ta về tiền bạc nên kết thúc.

Tuy nhiên, hàng ngày hàng giờ chúng ta bị các phương tiện truyền thông đổ vào đầu suy nghĩ vật chất có thể khiến bạn sống hạnh phúc. Vì thế mỗi ngày chúng ta đều vật lộn kiếm tiền để thỏa mãn chúng. Hãy kiềm chế lại những sự thôi thúc đó, bởi đó không phải là con đường đúng đắn để mang hạnh phúc đến cho bạn.

Thật khó để không bị mắc vào sự cám dỗ của việc tiêu dùng. Bạn cần nhắc nhở bản thân liên tục rằng đó chỉ là cảm giác hạnh phúc giả tạo. Mặc dù chúng ta thích chúng, nhưng thực tế là thứ chúng ta thích vượt quá nhiều so với những thứ chúng ta thật sự cần.

5. An tâm hơn

Khi chúng ta bám cứng vào tài sản vật chất, chúng ta rất dễ dàng trở nên căng thẳng bởi vì chúng ta luôn sợ mất đi những điều này. Bằng cách đơn giản hóa cuộc sống của bạn, bạn có thể mất đi sự ràng buộc đối với những điều này và cuối cùng có được một tâm trí bình tĩnh và thư thái.

Lối sống tối giản giúp chúng ta bớt căng thẳng hơn.

Lối sống tối giản giúp chúng ta bớt căng thẳng hơn.

 5 Nhược điểm của lối sống tối giản

1. Phải giặt đồ thường xuyên

Với việc có một số lượng ít quần áo, thường xuyên được quay vòng và mặc đi mặc lại nhiều lần trong thời gian ngắn, ai đang xây dựng tủ quần áo tối giản đều cần cân nhắc đến việc giặt đồ nhiều hơn mỗi tuần.

2. Không còn liều “doping” mua sắm

Một điều bị nhiều người phản đối nhưng không thể phủ nhận, đó là cảm giác hưng phấn ngay tức thì sau khi mua được một món đồ mới. Mặc dù cảm giác hưng phấn này có thể chỉ diễn ra trong vài phút, nó cũng là cái bẫy khiến mọi người không ngừng mua sắm, thậm chí coi mua sắm là liều thuốc tiên để giải toả tâm lý khi buồn chán. Với việc tối giản hoá cuộc sống và nói không với mua sắm vô độ, vô hình chung ta cũng mất đi liều “doping” này.

3. Khó để giải thích với những người khác lối sống

Bởi vì Chủ nghĩa tối giản là một khái niệm trừu tượng, là một phong cách sống mà chỉ có mỗi cá nhân mới có thể hiểu được qua trải nghiệm thực tế, rất khó để giải thích với người khác thế nào là Chủ nghĩa tối giản. Sẽ không có người ông, bà, bố, mẹ nào thấy ổn khi con mình tự dưng bỏ đi hết đồ đạc mà tốn bao nhiêu công của có được, cũng không có người con nào hiểu được ngay khi bố mẹ tự nhiên bỏ đi hàng loạt các món đồ bao năm của gia đình. Và chúng ta cũng không có quyền để ép người khác thay đổi lối sống của họ. Tối giản hay không tối giản đó là nhận thức và quyền lựa chọn của riêng của mỗi người, không có lý do gì để áp đặt lên người khác. Do vậy, đôi khi sống theo Chủ nghĩa tối giản cũng đồng nghĩa với việc đơn độc đi ngược lại thói quen của số đông. Bạn sẽ nhận ra rằng mình phải nói “không” nhiều hơn (với đồ miễn phí, đồ cũ người khác cho mình, các lời mời đi mua sắm…), trong khi đó lại rất khó để giải thích tại sao mình phải từ chối. Làm sao để giải thích cho những người ở thế hệ trước, những người quen sống với nhiều đồ đạc, những người ít dọn dẹp… thế nào là Chủ nghĩa tối giản và cảm giác nhẹ nhõm, tự do, thanh thản khi có ít đồ như thế nào?

4. Cuộc sống có thể vẫn bị đồ đạc chi phối

Điểm trớ trêu của việc thay đổi phong cách sống (bất cứ phong cách nào) là con người rất dễ đi từ cực này sang cực kia. Nếu như Chủ nghĩa tiêu dùng (consumerism) khiến mọi người sống nặng nề về mua sắm, tích trữ vật chất, khiến đồ đạc leo thang chi phối, bóp nghẹt cuộc sống của mình thì Chủ nghĩa tối giản lại khiến nhiều người trở nên “ám ảnh” với việc ngày nào cũng phải nghĩ ra bỏ đi một vài món đồ. Họ còn có xu hướng không ngừng đếm đồ đạc của mình và so sánh bản thân với người khác xem ai “tối giản” hơn ai. Quay trở lại mục đích cốt lõi của Chủ nghĩa tối giản là giải phóng con người khỏi đồ đạc và những thứ không còn ý nghĩa để tập trung thời gian và năng lượng vào những điều tích cực hơn, việc suốt ngày quay quanh đồ đạc của mình, dù là để mua thêm hay để bỏ đi, cũng là không hiệu quả.

5. Không biết sử dụng thời gian rảnh hiệu quả

 Sau một thời gian áp dụng tư duy tối giản vào mọi mặt của cuộc sống, bạn sẽ bỗng chốc cảm thấy mình có thêm nhiều thời gian rảnh. Và điều này có thể sẽ rất “có vấn đề”. Ví dụ như trước đây buổi sáng cuống cuồng nhảy ra nhảy vào nhà tắm, lặn ngụp trong đống quần áo chất như núi mà vẫn “không biết mặc cái gì”, rồi định trang điểm cũng không tìm đâu ra cây cọ chuẩn trong số hàng chục cây hỏng mà không vứt…  mất đứt một tiếng rưỡi đồng hồ. Bây giờ tất cả các công đoạn trên chỉ mất chừng 15-30 phút vì thời gian tắm rửa đã đi vào nếp, mặc quần gì áo gì chỉ liếc qua là biết, trang điểm cũng nhanh hơn, các bước thao tác nhanh gọn, tối giản. Vậy hơn một tiếng dôi dư ra nên làm gì? Đó chỉ là buổi sáng, nếu áp dụng tư duy tối giản vào công việc, tập trung cao độ để đạt hiệu quả cao nhất, bạn sẽ còn dôi dư ra thêm nhiều thời gian nữa. Đột xuất trở nên “nhàn” cũng sẽ khiến ta lúng túng. Từ đó chúng ta dễ sa đà vào điện thoại, máy tính, mạng xã hội, chơi game online…dẫn đến tốn nhiều thời gian hơn và có thể càng ngày càng lười hơn nữa.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top