Chiều 10/11, Ủy ban nhân dân huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng đã tổ chức họp báo về việc cưỡng chế thu hồi đất của 18 hộ dân xã An Lư chưa chịu bàn giao thuộc dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, công nghiệp và dịch vụ VSIP Hải Phòng.
Theo đó, Ủy ban nhân dân huyện Thủy Nguyên sẽ tiến hành cưỡng chế thu hồi đất theo phương án vào ngày 15/11 nếu các hộ dân không di dời.
Trong số 18 hộ dân chưa bàn giao đất nằm trong dự án VSIP đã có 10 hộ dân nhận tiền đền bù từ năm 2010- 2011 song vẫn chưa bàn giao đất.
Ông Lê Anh Thân, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thủy Nguyên cho biết, các hộ dân này canh tác nuôi trồng thủy sản trên địa bàn xã An Lư. Diện tích đất các hộ bị thu hồi hầu hết là diện tích đất thuê lại từ đất công ích của xã và đã hết thời gian hợp đồng.
Trong quá trình thống kê đền bù hỗ trợ cho các hộ, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư luôn vận dụng tối đa các chính sách để tránh thiệt hại cho các hộ dân. Ngoài số tiền đền bù hỗ trợ, 14/18 hộ dân (đã chuyển ra ở và xây dựng nhà kiên cố trước thời điểm công bố thu hồi đất phục vụ dự án năm 2009) đã được Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư xét bố trí đất tái định cư có thu tiền sử dụng đất.
Ngay trong chiều 9/11, Ban cưỡng chế thu hồi đất cùng các ban ngành chức năng của huyện, xã An Lư đã tổ chức họp đối thoại, vận động, thuyết phục các hộ dân chấp hành việc tháo dỡ, di chuyển tài sản ra khỏi phạm vi khu đất thu hồi và chấp hành việc bàn giao đất để thực hiện dự án xong trước ngày 14/11/2016.
Phần lớn các hộ dân có kiến nghị về mức bồi thường, hỗ trợ vật kiến trúc, cây cối, hoa màu thấp; miễn nộp tiền sử dụng đất và hỗ trợ kinh phí xây nhà đối với lô đất tái định cư gia đình được giao; cần có hỗ trợ thêm ngoài chính sách quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Trên tinh thần công khai và dân chủ, cơ quan chức năng huyện giải thích, trả lời cụ thể, thỏa đáng kiến nghị của các hộ dân trên.
Việc xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB đều căn cứ trên các quy định của pháp luật. Căn cứ vào các quy định của pháp luật về GPMB, các kiến nghị đã nêu của các hộ dân không có cơ sở giải quyết.
Trước một số câu hỏi về việc buông lỏng quản lý xây dựng, tạo điều kiện để các hộ xây dựng công trình có quy mô lớn hơn quy mô cho phép và đến nay Nhà nước lại phải mất thêm ngân sách để hỗ trợ đền bù, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thủy Nguyên Bùi Doãn Nhân cho biết: Cùng với công tác giải phóng mặt bằng, Ủy ban nhân dân huyện đang kiểm tra lại trách nhiệm của các cá nhân tập thể trong việc quản lý xây dựng và sẽ thực hiện kiểm điểm theo đúng người, đúng sai phạm.
Dự án VSIP đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, cho phép thành phố Hải Phòng thực hiện việc thu hồi đất đai với toàn bộ dự án từ tháng 9/2007. Ngày 10/12/2008, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã ban hành Quyết định số 2112 phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 khu đô thị công nghiệp và dịch vụ VSIP Hải Phòng với diện tích quy hoạch là 1.566 ha, thuộc địa bàn 8 xã gồm: An Lư, Dương Quan, Lập Lễ, Thủy Triều, Trung Hà, Thủy Đường, Tân Dương, Thủy Sơn.
Dự án được thành lập và cấp Giấy chứng nhận đầu tư từ tháng 12/2008. Công tác đền bù giải phóng mặt bằng được triển khai từ năm 2009, đến nay đã quyết định thu hồi với tổng diện tích 684 ha. Tổng diện tích đã kiểm kê, lập, phê duyệt phương án bồi thường 574,5 ha. Diện tích đã chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ là 569,3 ha với tổng số tiền 1.140 tỷ đồng của 6.808 hộ dân, đã bố trí 230 hộ vào khu tái định cư, trong đó, diện tích đã bàn giao cho chủ đầu tư là 544,3 ha.