Ngày 15/1, TP. Hải Phòng tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Hội nghị có sự tham dự của ông Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng; ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố; ông Phạm Văn Lập, Chủ tịch HĐND Thành phố cùng các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND, UBND Thành phố; lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị và địa phương.
Trước đó vào ngày 02/12/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký quyết định số 1516/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cụ thể hóa khát vọng phát triển của TP. Hải Phòng
Quy hoạch TP. Hải Phòng là sự cụ thể hóa khát vọng phát triển của thành phố theo đúng tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, thể hiện tư duy, tầm nhìn mới với những định hướng, giải pháp đột phá, dài hạn, giúp khơi thông các điểm nghẽn và khai thác tốt vị trí địa lý chiến lược đặc biệt quan trọng của TP. Hải Phòng.
Đây cũng là bản quy hoạch lần đầu tiên được lập theo phương pháp hoàn toàn mới với cách tiếp cận tích hợp, đa ngành nhằm xây dựng các quan điểm, mục tiêu trong Quy hoạch TP. Hải Phòng. Trong đó đặt ra yêu cầu phù hợp với quan điểm, định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, các nghị quyết của Bộ Chính trị và Chính phủ về phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng; về xây dựng và phát triển TP. Hải Phòng. Loại bỏ sự mâu thuẫn, chồng chéo, tranh chấp nguồn lực trong định hướng phát triển giữa các ngành, lĩnh vực của thành phố thông qua việc xây dựng đầy đủ các nội dung chính theo quy định tại Điều 27 của Luật Quy hoạch và nghiên cứu cụ thể đối với các nội dung đề xuất tích hợp vào Quy hoạch thành phố.
Theo đó, Quy hoạch TP. Hải Phòng đưa ra 6 quan điểm phát triển và xác định rõ mục tiêu phát triển. Đến năm 2030, xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố cảng biển lớn, đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chuyển đổi số; là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và cả nước; có công nghiệp hiện đại, thông minh, bền vững; kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không và đường thủy nội địa.
Đưa Hải Phòng trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại, mang tầm quốc tế, hàng đầu ở Đông Nam Á, trọng tâm là dịch vụ cảng biển, logistics và du lịch biển; trung tâm quốc tế về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao ngang tầm với các thành phố tiêu biểu ở châu Á; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, quốc phòng, an ninh được giữ vững.
Đến năm 2050, Hải Phòng là thành phố cảng biển lớn trong khu vực và thế giới với 3 trụ cột phát triển: Dịch vụ cảng biển - logistics; công nghiệp xanh, thông minh, hiện đại và trung tâm du lịch biển quốc tế; quy mô dân số khoảng 4,5 triệu người, có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới.
Chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng xanh, bền vững, xây dựng lối sống xanh.
Hải Phòng là một trong những cực tăng trưởng quan trọng của cả nước
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhận định, Hải Phòng là thành phố cảng đặc biệt quan trọng, là trung tâm công nghiệp, đồng thời cũng là trung tâm kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học, thương mại và công nghệ thuộc vùng Duyên hải Bắc Bộ trù phú.
Hải Phòng cũng là một đỉnh trong tam giác kinh tế sôi động bậc nhất cả nước: Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Hải Phòng có vị trí địa kinh tế độc đáo với hệ thống giao thông bao gồm cả đường bộ, đường sắt, hàng không và đặc biệt là đường biển để trở thành một trong những "cửa ngõ" kết nối quan trọng của vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Trung du và miền núi phía Bắc và khu vực phía nam Trung Quốc thông qua hai hành lang kinh tế chiến lược: Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; cùng với đó là hành lang ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình.
Quy hoạch TP. Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ mở ra những cơ hội, không gian phát triển mới để đưa Hải Phòng phát triển trở thành thành phố cảng biển lớn trong khu vực và thế giới với ba trụ cột phát triển: Dịch vụ cảng biển - logistics; công nghiệp xanh, thông minh, hiện đại và trung tâm du lịch biển quốc tế; có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới.
Bản quy hoạch khi được hiện thực hóa sẽ là cơ sở để Hải Phòng chuyển đổi thành công mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng xanh, bền vững, xây dựng lối sống xanh.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch, TP. Hải Phòng cần nỗ lực để tận dụng và phát huy đạt hiệu quả cao nhất những cơ chế đột phá, chính sách đặc thù đã được Quốc hội quyết định tại Nghị quyết số 35 ngày 13/11/2021. Đồng thời, triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị về về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị.
Để triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà gợi mở TP. Hải Phòng cần sớm hoàn thiện Kế hoạch thực hiện Quy hoạch, xác định một số công việc cần phải làm để thực hiện các quy định pháp luật về xây dựng, quy hoạch, đô thị; ưu tiên triển khai các dự án hạ tầng kết nối liên vùng, cảng biển, logistics, hạ tầng số; phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu; các dự án động lực, trọng điểm có tác động trực tiếp đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, có tính lan tỏa lớn...
Thúc đẩy nhanh chuyển đổi mô hình kinh tế thông qua phát triển hệ sinh thái kinh tế số, năng lượng sạch, du lịch xanh. Chú trọng quản lý tổng hợp, thống nhất các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển tự nhiên; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh./.