Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, bên cạnh các địa phương sáp nhập, trong phương án mà Bộ Nội vụ tham mưu, trình các cấp có thẩm quyền xem xét thì có đề xuất một số tỉnh thuộc diện không sáp nhập, sắp xếp lần này.
Trong danh sách đề xuất có tỉnh Nghệ An và Thanh Hoá không sáp nhập. Ông Phan Trung Tuấn, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ lấy ví dụ, tỉnh Nghệ An, tỉnh Thanh Hóa. Ngoài yếu tố diện tích tự nhiên, dân số rất lớn, hai tỉnh này sở hữu các yếu tố tiềm năng, lợi thế nội tại đủ lớn, đủ rõ ràng để có thể phát triển cho địa phương và tạo động lực cho cả vùng.
"Hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa đều nằm trong vùng Bắc Trung Bộ. Hai tỉnh này có thể ví như 'Việt Nam thu nhỏ' với đầy đủ vùng núi, đồng bằng, ven biển, biên giới, sân bay, cảng biển, đường bộ, cao tốc...", ông Tuấn phân tích.

Một đoạn cao tốc nối Nghệ An - Thanh Hoá. Ảnh: Internet
Thanh Hóa và Nghệ An – hai tỉnh lớn nhất vùng Bắc Trung Bộ – đang dần vươn lên trở thành những trung tâm kinh tế mới của khu vực nhờ nhiều điểm tương đồng mang tính chiến lược. Cả hai địa phương đều sở hữu vị trí địa lý đặc biệt, nằm trên trục giao thông Bắc – Nam huyết mạch của quốc gia với hệ thống Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc – Nam, cao tốc và các tuyến đường ven biển. Chính vị trí này giúp hai tỉnh trở thành điểm kết nối quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển logistics và giao thương liên vùng.
Sự phát triển mạnh mẽ về hạ tầng là điểm nổi bật trong chiến lược phát triển của cả Nghệ An và Thanh Hóa. Với việc đầu tư nâng cấp các sân bay như Vinh, Thọ Xuân, các cảng biển như Cửa Lò và Nghi Sơn, cùng hàng loạt tuyến đường giao thông huyết mạch, hai tỉnh đang từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng đồng bộ, mở ra không gian phát triển kinh tế rộng lớn hơn.

Cả hai tỉnh này đều có tiềm năng du lịch. Ảnh: Internet
Đặc biệt, cả Nghệ An và Thanh Hóa đều đang nổi lên như những cực tăng trưởng công nghiệp mới của miền Trung. Trong khi Nghệ An sở hữu các khu công nghiệp lớn như VSIP, WHA, thì Thanh Hóa có Khu kinh tế Nghi Sơn – một trong những khu kinh tế trọng điểm quốc gia, thu hút hàng loạt dự án tỉ đô. Sự phát triển của công nghiệp đã kéo theo nhu cầu mạnh mẽ về nhà ở, khu đô thị, dịch vụ và hạ tầng xã hội, từ đó tạo ra lực đẩy đáng kể cho thị trường bất động sản.
Bên cạnh công nghiệp, hai tỉnh còn có lợi thế lớn về du lịch biển và văn hóa, với những bãi biển đẹp như Sầm Sơn, Hải Tiến (Thanh Hóa), hay Cửa Lò, Bãi Lữ (Nghệ An), cùng hàng trăm di tích lịch sử – văn hóa có giá trị. Tiềm năng này mở ra cơ hội phát triển các khu đô thị du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng và hệ sinh thái dịch vụ ven biển phong phú.
Có thể nói, Thanh Hóa và Nghệ An đang tận dụng tốt lợi thế vị trí, hạ tầng và chính sách đầu tư để tạo ra bước chuyển mình rõ nét. Sự đồng bộ trong định hướng phát triển công nghiệp, du lịch và bất động sản đã và đang biến hai địa phương này trở thành những điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Theo số liệu năm 2022, Thanh Hóa có dân số khoảng 3,72 triệu người, đứng thứ 3 cả nước sau TP. HCM và Hà Nội, và là tỉnh đông dân nhất Việt Nam. Nghệ An với diện tích gần 16.500km2 là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn nhất Việt Nam.