Aa

Hai vướng mắc lớn nhất trong phát triển nhà ở xã hội

Yên Trung
Yên Trung huongbt.ajc@gmail.com
Thứ Hai, 20/11/2017 - 06:00

Chi phí giải tỏa, đền bù giải phóng mặt bằng; chi phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho các dự án phát triển nhà ở xã hội là 2 vấn đề lớn nhất trong việc phát triển nhà ở xã hội, được doanh nghiệp đề xuất.

 

Hiện nay, nhu cầu nhà ở xã hội và thương mại ngày càng bức thiết bởi cơ cấu dân số đang bước vào cơ cấu dân số vàng, với 70% dân số trong độ tuổi lao động từ 15 - 59 tuổi.

Các thành phố lớn hay siêu đô thị như TP.HCM hay Hà Nội đang bùng nổ nhu cầu nhà ở trong khi quỹ đất để phát triển xây dựng nhà ở, giao thông và các dịch vụ tiện ích đều đang thiếu hụt nghiêm trọng.

Theo số liệu chính thức từ Bộ Xây dựng, từ nay đến năm 2020, các khu vực đô thị cả nước có hơn 1,7 triệu người khó khăn về nhà ở (diện tích bình quân 5m2/người) và 1,7 triệu công nhân có nhu cầu ổn định chỗ ở. Để đáp ứng được nhu cầu này, cần xây dựng khoảng 700.000 căn hộ.

Thực tế, nhu cầu nhà ở, nhất là căn hộ đã và đang bùng nổ từ nhiều năm qua tại TP.HCM với số liệu không chính thức là hàng năm có 20.000 gia đình mới cưới có nhu cầu nhà ở vừa túi tiền.

Thực tế tại TP.HCM, siêu đô thị và thị trường bất động sản phát triển nhất của cả nước, số liệu khảo sát từ công ty nghiên cứu CBRE cho thấy nhu cầu nhà ở giá rẻ là cao nhất và phát triển bền vững nhất. Các căn hộ bình dân và trung cấp có giá bán từ dưới 15 triệu đồng/m2 đến tối đa 32 triệu đồng/m2 chiếm đến 80% thị phần căn hộ bán tại TP.HCM, giai đoạn 2015 - 2017.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đưa ra một số đề xuất về cơ chế chính sách cho phát triển nhà ở xã hội và thương mại giá rẻ, ông Nguyễn Xuân Quang - Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Nam Long cho rằng, trước tiên cần hình thành cơ quan quản lý và phát triển nhà cấp quốc gia, là đại diện của 3 Bộ gồm Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên Môi trường để đưa ra một khung chính sách chung, giải pháp cụ thể cho việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ.

Bên cạnh đó thiết lập các kênh tài chính - tiết kiệm nhà ở theo thông lệ và kinh nghiệm quốc tế.

Tại Việt Nam, tổ chức này đặc biệt quan trọng trong vai trò là đầu mối cho các kế hoạch, quy hoạch phát triển không gian đô thị, nâng cấp và tái chỉnh trang đô thị tại các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng… Đồng thời cung cấp quỹ nhà ở xã hội cho các đối tượng thu nhập hạn chế, để mua và thuê nhà ở…

Song song với một tổ chức quốc gia phát triển và quản lý nhà ở xã hội, việc hình thành các kênh tài chính và tiết kiệm để mua nhà là yêu cầu bắt buộc tạo ra một thị trường bất động sản nhằm thỏa mãn yêu cầu có nhà ở của tất cả mọi tầng lớp trong xã hội.

Để hỗ trợ cho quá trình phát triển các dự án nhà ở xã hội, ông Quang cũng cho rằng, nên ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật riêng cho nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ. Đồng thời quy hoạch ngân hàng quỹ đất công để phát triển dự án nhà ở xã hội tại các địa phương. Và hình thành cơ chế ưu đãi vượt trội về tài chính, tín dụng và thuế cho người mua nhà và các tổ chức phát triển nhà.

Bên cạnh đó cần giải quyết 2 vướng mắc lớn nhất trong phát triển nhà ở xã hội là chi phí giải tỏa và đền bù giải phóng mặt bằng cho các dự án phát triển nhà ở xã hội và ban hành khung định mức để hạch toán các chi phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đấu nối cho các dự án phát triển nhà ở xã hội.

Theo ông Quang, hiện nay, khi nhà nước muốn các địa phương phải chi ngân sách để xây dựng hạ tầng đầu nối đến các dự án nhà ở xã hội thì còn gặp nhiều vướng mắc. Trong khi đó, các doanh nghiệp địa ốc tại TP.HCM như Nam Long, Hoàng Quân… vẫn thường phải tự giải phóng mặt bằng, tự xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đấu nối đến chân công trình. Chính vì vậy, doanh nghiệp muốn được phép tính các chi phí này vào giá thành. Ngoài ra, ông Quang cũng đề nghị có thể đưa ra mức giá bán nhà ở xã hội bằng giá thương mại trừ đi phần ưu đãi của nhà nước.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top