Aa

Hầm đường bộ dài thứ 3 Việt Nam do Tập đoàn Đèo Cả xây dựng lên kế hoạch hoàn thiện sau 6 năm thông xe

Chủ Nhật, 30/03/2025 - 20:59

Việc hoàn thiện ống hầm và đường dẫn 2 bên sẽ giúp công trình gia tăng năng lực khai thác.

Được khởi công từ tháng 9/2015 và thông xe vào tháng 1/2019, hầm đường bộ Cù Mông là công trình giao thông trọng điểm nối liền hai tỉnh Bình Định và Phú Yên. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng, do Tập đoàn Đèo Cả làm chủ đầu tư. Với chiều dài gần 3km, đây là hầm đường bộ dài thứ ba tại Việt Nam, sau hầm Hải Vân (dài hơn 6,28km) và hầm Đèo Cả (dài hơn 4km). Hiện nay, hầm Cù Mông đang được khai thác hai chiều trên một ống hầm phía Tây với quy mô 2 làn xe và tốc độ giới hạn 60km/h.

Hầm đường bộ dài thứ 3 Việt Nam do Tập đoàn Đèo Cả xây dựng lên kế hoạch hoàn thiện sau 6 năm thông xe- Ảnh 1.

Hầm Cù Mông dài gần 3km. Ảnh: Báo Thanh Niên

Theo Báo Giao Thông, Ban Quản lý dự án 85 vừa có tờ trình gửi Bộ Xây dựng đề xuất chủ trương đầu tư hoàn thiện hạng mục còn lại của hầm Cù Mông và đường dẫn hai đầu hầm, nhằm phục vụ khai thác đồng bộ tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh. Hướng tuyến của đoạn cao tốc này đi qua khu vực hầm Cù Mông, kết nối từ Km19+800 đến Km24+900 và được thiết kế theo quy mô phân kỳ giai đoạn 1 gồm 4 làn xe, bề rộng nền đường 17,5m.

Tuy nhiên, hiện tại đoạn qua hầm Cù Mông vẫn là "điểm thắt" trên toàn tuyến do hạn chế về mặt kỹ thuật. Ống hầm phía Đông có chiều dài hơn 2,57km tuy đã được xây dựng phần thô nhưng vẫn chưa hoàn thiện, chưa có mặt đường bê tông xi măng cũng như hệ thống thiết bị điện, chiếu sáng, thông gió và an toàn khai thác. Thực tế này ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả vận hành và năng lực khai thác của toàn tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông.

Hầm đường bộ dài thứ 3 Việt Nam do Tập đoàn Đèo Cả xây dựng lên kế hoạch hoàn thiện sau 6 năm thông xe- Ảnh 2.

Đây là hầm đường bộ dài thứ 3 Việt Nam. Ảnh: Báo Giao Thông

Để khắc phục tình trạng này, Ban Quản lý dự án 85 đề xuất đầu tư hoàn thiện ống hầm thứ hai và mở rộng đường dẫn hai đầu hầm theo quy mô 4 làn xe. Cụ thể, các hạng mục đầu tư bao gồm: Xây dựng phần vỏ hầm còn lại, mặt đường trong và ngoài hầm, lắp đặt hệ thống thông gió, chiếu sáng, phòng cháy chữa cháy và các thiết bị phục vụ vận hành khai thác. Ngoài ra, phần cầu dẫn sẽ được xây dựng hoàn chỉnh với quy mô 6 làn xe nhằm phù hợp với lưu lượng phương tiện trong tương lai.

Tổng mức đầu tư cho phương án này được đề xuất gần 1.300 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng khoảng 876 tỷ đồng, chi phí thiết bị hơn 179 tỷ đồng, chi phí quản lý dự án, tư vấn và các khoản chi khác hơn 126 tỷ đồng, cùng khoảng 188 tỷ đồng chi phí dự phòng. Nếu được chấp thuận, dự án sẽ được triển khai từ năm 2025 và hoàn thành đưa vào khai thác vào năm 2027.

Việc đầu tư hoàn chỉnh hầm Cù Mông không chỉ tháo gỡ điểm nghẽn kỹ thuật trên tuyến cao tốc Bắc - Nam, mà còn góp phần quan trọng trong việc giảm tải cho Quốc lộ 1, nâng cao năng lực kết nối giữa các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng biển của khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho hai tỉnh Bình Định, Phú Yên và vùng lân cận.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top