Thông tin công bố từ Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVCombank) ngày 19/3, thời điểm chốt danh sách để gửi thông báo về việc tham dự phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 là 10/4/2018.
Trước đó, nhà băng này đã công bố danh sách các nhóm cổ đông đề cử thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2018-2023.
Mua cổ phần gấp 42 lần mệnh giá
Năm 2008, trong đợt tăng vốn từ 200 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng của Western Bank, các bên liên quan tới Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (Mã cổ phiếu: KBC) của ông Đặng Thành Tâm đã tham gia đầu tư vào ngân hàng này, với tỷ lệ nắm giữ công khai có lúc gần 1/3.
Tuy nhiên con số thực tế có thể cao hơn nhiều khi ngay sau đó, 4/5 thành viên Hội đồng quản trị Western Bank đều là người của Kinh Bắc.
Tháng 9/2009, Kinh Bắc cùng hai công ty con mua lại toàn bộ cổ phần Công ty CP Đầu tư Láng Hạ - chủ đầu tư dự án 1A Láng Hạ - với giá chuyển nhượng 357,02 tỷ đồng.
Quý II/2010, Kinh Bắc nhượng lại 75% cổ phần Công ty CP Đầu tư Láng Hạ cùng quyền phát triển dự án 1A Láng Hạ cho Công ty CP Kum – Ba với giá 856,8 tỷ đồng.
Đến tháng 6/2011, Western Bank dưới thời nhóm cổ đông Đặng Thành Tâm, lại ký hợp đồng mua 2,364 triệu CP, tương đương 94% vốn của Công ty CP Đầu tư Láng Hạ; mục đích là để xây dựng trụ sở Ngân hàng rộng 3.709 m2 tại 1A Láng Hạ.
Với tổng giá trị thương vụ là 1.003,9 tỷ đồng, Western Bank đã trả cho mỗi cổ phần của Công ty CP Đầu tư Láng Hạ số tiền gần 425.000 đồng, gấp 42,5 lần mệnh giá. Trong bối cảnh thị trường bất động sản đóng băng những năm đầu thập niên, đây là con số rất đáng chú ý.
Theo tìm hiểu, Công ty CP Kum-Ba được thành lập 2009, hiện là thành viên trong hệ thống doanh nghiệp của ông Đặng Thành Tâm và do chính doanh nhân này làm Chủ tịch HĐQT. Có nghĩa rằng hai công ty do ông Tâm làm chủ có thể 'bỏ túi' khoản lãi khoảng 670 tỷ đồng khi sang tay 94% dự án 1A Láng Hạ cho Western Bank.
'Miếng bánh khó nuốt'
Ngày 22/10/2011, Western Bank đã tổ chức lễ khởi công dự án Western Bank Tower tại 1A Láng Hạ. Ông Đặng Thành Tâm, dù không giữ chức vụ cụ thể tại nhà băng này, vẫn có mặt và phát biểu với vai trò quan trọng bậc nhất.
Sau buổi lễ khởi công hoành tráng, dự án nhanh chóng rơi vào cảnh 'đắp chiếu'.
Tháng 8/2012, một năm trước thời điểm nhóm cổ đông Đặng Thành Tâm thoái vốn khỏi Western Bank để nhà băng này sáp nhập với PVFC (trở thành PVCombank), Western Bank đã nhượng lại toàn bộ 94% cổ phần Công ty CP Đầu tư Láng Hạ cho Công ty CP Đầu tư và Phát triển Nhà máy điện Sài Gòn Bình Thuận (công ty của ông Đặng Thành Tâm) với giá trị đúng bằng 1.003,9 tỷ đồng.
Ngoài ra, Sài Gòn - Bình Thuận đồng thời cam kết mua lại toàn bộ 4 khoản góp vốn khác của Western Bank vào các công ty liên quan tới ông Đặng Thành Tâm, với tổng giá trị 700 tỷ đồng.
Năm 2015, nghĩa vụ mua lại các khoản đầu tư này được chuyển từ Sài Gòn - Bình Thuận sang Tổng công ty Kinh Bắc, với tài sản đảm bảo là một phần dự án và tài sản hình thành trong tương lai của Dự án Khu công nghiệp và Khu đô thị Tràng Cát rộng 585 ha tại Hải Phòng; thời hạn trả chậm trong vòng 36 tháng đến năm 2018.
Ở diễn biến cùng chiều, Kinh Bắc bắt đầu ứng trước tiền mua cổ phần cho PVCombank, với số dư tới cuối năm 2016 là 191,7 tỷ đồng, tăng lên 211,8 tỷ đồng cuối năm 2017.
Trong trường hợp thực hiện đúng cam kết, tập đoàn của ông Đặng Thành Tâm sẽ đối mặt với sức ép tài chính không nhỏ trong năm 2018 (trả thêm khoảng 1.500 tỷ đồng, chưa kể lãi và phạt).
Trong lúc này, gần 4.000 m2 đất vàng 1A Láng Hạ vẫn chỉ là khu đất trống, được tranh thủ làm bãi đỗ xe.
Liên tục các trong các năm 2015 và 2017, nhà thầu chính của dự án là Công ty Kumho Industrial của Hàn Quốc đã khởi kiện đòi thanh toán cho phần việc đã thi công. Toà án Nhân dân TP. Hà Nội tháng 8/2017 đã chấp thuận phương án PVCombank trả cho Kumho nợ gốc 1,4 triệu USD và lãi chậm trả 184.224 USD.
"Di chứng" Đặng Thành Tâm
PVCombank tới nay dù có vốn điều lệ không nhỏ (9.000 tỷ đồng), nhưng kết quả kinh doanh thuộc dạng "khiêm tốn" trong khối các ngân hàng thương mại. Bên cạnh 'vũng lầy' Tài chính Dầu khí PVFC, những di chứng nặng nề từ thời kỳ ông Đặng Thành Tâm ở Western Bank cũng là nguyên nhân chính dẫn tới thực trạng trên.
Tại ngày 30/9/2015, theo Đề án tái cơ cấu PVCombank giai đoạn 2016-2020, PVCombank được giữ nguyên nhóm nợ của các bên liên quan tới Western Bank, với dư nợ 2.180 tỷ đồng dù đã quá hạn và phải chuyển nhóm nợ có mức độ rủi ro cao hơn.
Vào cuối năm 2015, PVCombank có số dư đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp 5.563 tỷ đồng, trong đó có trái phiếu của nhóm khách hàng là các bên liên quan của Western Bank, được PVCombank phân loại vào nhóm nợ đủ tiêu chuẩn theo Đề án tái cơ cấu được phê duyệt; Ngoài ra còn có khoản uỷ thác đầu tư vào nhóm cổ đông cũ của Western Bank với số tiền 538,5 tỷ đồng và lãi phải thu 260 tỷ đồng cũng được giữ nguyên trạng thái nợ dù không đủ tiêu chuẩn.
Hiện PVCombank là chủ nợ lớn nhất của Kinh Bắc. Một phần không nhỏ các khoản nợ có lịch sử từ thời Western Bank và đã và đang được tái cơ cấu thời gian trả nợ gốc và lãi.
Tới cuối năm 2017, Kinh Bắc còn dư nợ gốc gần 600 tỷ đồng với PVCombank. Số dư lãi vay cũng ở mức khá cao: 1.032 tỷ đồng, chủ yếu là lãi trái phiếu phải trả cho PVCombank. Nợ gốc và lãi đã được gia hạn đến năm 2020.