Aa

Tỷ phú "trong tay" ngân hàng

Thứ Ba, 13/03/2018 - 21:24

Trở thành tỷ phú nhờ sở hữu khối tài sản tỷ USD nhưng thực tế nhiều doanh nhân Việt Nam đang dùng chính các tài sản này để bảo đảm cho các khoản vay của họ hoặc công ty liên quan tại các ngân hàng.

Danh sách tỷ phú thế giới 2018 của tạp chí Forbes vừa chào đón thêm hai doanh nhân Việt Nam là ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hòa Phát và ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Ô tô Trường Hải (Thaco).

Năm 2013, Việt Nam lần đầu có đại diện trong danh sách này là ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup. Năm nay ông Vượng tiếp tục là người giàu nhất Việt Nam với quy mô tài sản 4,3 tỷ USD. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo vẫn là nữ tỷ phú duy nhất của Việt Nam được Fobres công nhận với số tài sản 3,1 tỷ USD.

Mới đây, một doanh nhân khác được Bloomberg công bố sở hữu tài sản trên 1 tỷ USD là ông Nguyễn Đăng Quang, chủ tịch tập đoàn Masan.

Nếu dựa vào thống kê trên thị trường chứng khoán, danh sách những tỷ phú đô la của Việt Nam có thể sẽ còn kéo dài hơn. Trong đó, ông Trịnh Văn Quyết, chủ tịch tập đoàn FLC có quy mô tài sản tính theo giá trị cổ phiếu do ông nắm giữ lên đến hơn 2 tỷ USD.

Dù Forbes và Bloomberg không công nhận ông Quyết là tỷ phú do chưa đáp ứng được các tiêu chí trong phương pháp xác định tài sản, song điều này không có nghĩa là những tài sản của ông Quyết là vô giá trị, ít nhất là đối với các.ngân hàng. Một nguồn tin cho biết, hàng chục triệu cổ phiếu của công ty FLC Faros (ROS) đã được sử dụng làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay tại ngân hàng.

FLC Faros, nơi ông Quyết đang nắm giữ hơn 65% cổ phần, là công ty xây dựng phụ trách phần lớn các dự án của tập đoàn FLC. Niêm yết với mức giá hơn 10.000 đồng từ cuối năm 2016, cổ phiếu của công ty này đã tăng một mạch lên 150.000 rồi 200.000 đồng vào cuối năm 2017.

Đây cũng là thời điểm cổ phiếu ROS bắt đầu được sử dụng làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay tại ngân hàng. Theo một giao dịch bảo đảm ngày 29/11, ngân hàng Quốc Dân đã nhận tài sản bảo đảm là 17 triệu cổ phiếu ROS do ông Quyết và vợ sở hữu. Lô cổ phiếu này khi đó có giá trị thị trường gần 3.000 tỷ đồng.

Cuối tháng 12/2017, có 5 triệu cổ phiếu ROS được sử dụng làm tài sản bảo đảm tại ngân hàng Phương Đông. Gần đây nhất, ngày 7/2, có 7 triệu cổ phiếu ROS làm tài sản bảo đảm tại ngân hàng Quốc Dân.

Từ lâu, việc sử dụng cổ phiếu làm tài sản bảo đảm đã được các tỷ phú tại Việt Nam áp dụng trong hoạt động huy động vốn để kinh doanh. Thực tế, người giàu nhất Việt Nam cũng có một lịch sử giao dịch bảo đảm bằng cổ phiếu Vingroup liên tục những năm qua, chủ yếu thông qua ngân hàng Techcombank.

Cuối tháng 12 năm ngoái, có 37,1 triệu cổ phiếu Vingroup (VIC) đã được sử dụng làm tài sản bảo đảm tại Techcombank với mức giá 65.000 đồng/cổ phiếu, tương đương tổng giá trị hơn 2.400 tỷ đồng, thấp hơn chỉ 10% so với giá trị trên sàn chứng khoán. Trước đó hơn 1 tháng, lô cổ phiếu VIC trên chỉ được Techcombank định giá ở mức 45.000 đồng/cổ phiếu.

Ông Trần Đình Long, tỷ phú đô la mới trong bảng xếp hạng của Forbes, cũng đã nhiều lần sử dụng cổ phiếu tập đoàn Hòa Phát làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay tại các ngân hàng BIDV, Vietcommbank, Vietinbank.

Tương tự, trong giai đoạn 2011 đến 2014, cổ phiếu Thaco của ông Trần Bá Dương cũng được dùng làm tài sản bảo đảm ở nhiều ngân hàng khác nhau. Năm 2014, ông Dương và vợ sử dụng hơn 42 triệu cổ phiếu Thaco để bảo đảm cho các khoản vay, bên nhận bảo đảm là Vietcombank.

Công ty cổ phần Masan, pháp nhân sở hữu tập đoàn Masan (MSN) của ông Nguyễn Đăng Quang, cũng sử dụng cổ phiếu MSN làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay tại nhiều ngân hàng. Ngoài ra bà Nguyễn Hoàng Yến, vợ ông Quang, sở hữu hơn 42 triệu cổ phiếu MSN. Cuối năm ngoái, hơn 9 triệu cổ phiếu này được đăng ký giao dịch bảo đảm tại Vietcombank.

Một phần quan trọng khi xác định tài sản của những tỷ phú là tính toán lượng cổ phiếu trị giá hàng nghìn tỷ đồng họ đang nắm giữ. Mặc dù vậy, đa phần những cổ phiếu này lại trong tình trạng bị “phong tỏa” trong ngân hàng, để bảo đảm cho các khoản vay của cá nhân hoặc công ty.

Những doanh nhân nổi tiếng nhất Việt Nam như ông Đoàn Nguyên Đức, chủ tịch HAGL, ông Nguyễn Văn Đạt, chủ tịch Phát Đạt, ông Bùi Thành Nhơn, chủ tịch Novaland đều để một lượng lớn cổ phiếu mà họ sở hữu trong tay các ngân hàng.

Khi bên đi vay không thể trả nợ, bên cho vay có thể xử lý các tài sản bảo trong đó có hình thức nhận chuyển nhượng số cổ phiếu này.

Ngoài ra, trong trường hợp giá trị thị trường của số cổ phiếu được sử dụng làm tài sản bảo đảm giảm, bên cho vay có thể yêu cầu bên đi vay bổ sung các tài sản bảo đảm mới. Điều này có thể dẫn đến nhu cầu giữ giá cổ phiếu ở mức xác định nhằm tránh phải bổ sung tài sản bảo đảm.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top