Aa

Chủ đầu tư sống dựa vốn vay ngân hàng sẽ... khó sống

Thứ Hai, 19/03/2018 - 06:00

Năm 2018, ngành ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 17%. Để hoàn thành kế hoạch này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) kiểm soát chặt tốc độ tăng trưởng tín dụng theo đúng chỉ tiêu được giao, phù hợp với các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, trong đó ưu tiên hướng dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.

Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, cần tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các ngành ưu tiên theo chỉ đạo Chính phủ, để tạo ra các sản phẩm có giá trị cao, đảm bảo nền kinh tế tăng trưởng ổn định, bền vững.

Thống đốc cho biết, thời gian qua, NHNN đã có những điều chỉnh về chính sách nhằm kiểm soát nguồn vốn tín dụng vào lĩnh vực bất động sản như chỉ tập trung cho vay nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp, hạn chế cho vay các dự án bất động sản trung và cao cấp…

"Thời gian tới, NHNN sẽ kiểm soát tăng trưởng tín dụng cả về số lượng và chất lượng để dòng vốn tín dụng đi đúng theo định hướng của Chính phủ. Theo đó, các TCTD cần hạn chế cấp tín dụng đối với các lĩnh vực có rủi ro cao như chứng khoán, bất động sản..., đồng thời thường xuyên rà soát, đánh giá và theo dõi tiến độ của các dự án bất động sản, năng lực tài chính, hạn mức tín dụng và tài sản bảo đảm của khách hàng để kịp thời đưa ra biện pháp xử lý khi rủi ro không may xảy ra", Thống đốc nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN - Chi nhánh TP.HCM cho biết, sự tăng trưởng của hệ thống ngân hàng tại TP.HCM trong năm 2017 cũng như những tháng đầu năm 2018 vẫn tích cực, đảm bảo phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế trên địa bàn Thành phố, trong đó có tới 80% lượng vốn tín dụng dành cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.

"Cùng với việc hỗ trợ nguồn lực cho các chương trình phát triển trọng tâm của Thành phố, các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã tích cực tham gia hoạt động kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, đưa dòng vốn tín dụng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhiều ngân hàng thực hiện giải ngân hiệu quả, ưu tiên hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp...", ông Minh cho hay.

Tiếp tục kiểm soát chặt tín dụng bất động sản

Theo thống kê của NHNN, kết thúc năm 2017, tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản đạt 471.022 tỷ đồng, chiếm 6,5% tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế, giảm so với mức 7,7% của năm 2016.

Kết quả này có được là do NHNN đã sớm có biện pháp kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào bất động sản từ đầu năm 2015 thông qua một loạt quy định về tỷ lệ an toàn vốn, về sử dụng vốn vay ngắn hạn cho vay trung - dài hạn như Thông tư 36/2014/TT-NHNN, Thông tư 06/2016/TT-NHNN, Thông tư 19/2017/TT-NHNN... theo hướng giảm dần việc dùng vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn và tăng hệ số rủi ro đối với nhóm tài sản là bất động sản.

Mới đây, vào ngày 23/1, NHNN đã có Công văn số 563/NHNN-TTGSNH yêu cầu các TCTD hạn chế tập trung tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, xây dựng; chủ động cân đối nguồn vốn, sử dụng vốn theo đúng định hướng để đảm bảo thanh khoản…

Mặc dù việc kiểm soát hoạt động tín dụng được đẩy mạnh, song trên thực tế, vốn ngân hàng vẫn hướng vào bất động sản, nhất là đối với phân khúc cho vay mua nhà. Giới chuyên gia cho rằng, tình trạng này dễ làm phát sinh thêm nợ xấu cho ngân hàng.

"Bất động sản là lĩnh vực luôn cần nguồn vốn lớn, trong khi không phải chủ đầu tư nào cũng có đủ tiềm lực tài chính để triển khai dự án. Đó là lý do vì sao các dự án bất động sản luôn cần có sự bảo lãnh của ngân hàng. Tuy nhiên, các ngân hàng hiện không còn dễ dãi cho vay như trước đây, khi mà hậu quả của nợ xấu đến nay còn chưa xử lý hết", TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế-tài chính nhìn nhận.

Theo ông Lịch, thị trường bất động sản luôn có sự sàng lọc và cơ hội sẽ đến với những chủ đầu tư có tiềm lực tài chính. Ngược lại, các chủ đầu tư sống dựa vào vốn vay ngân hàng sẽ khó tồn tại lâu dài.

Tuy dư nợ cho vay bất động sản chiếm tỷ trọng 6% tổng dư nợ nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng cho vay bất động sản khoảng 8,5%, nhưng để hạn chế rủi ro, NHNN chủ động yêu cầu TCTD kiểm soát chặt chẽ.

Bên cạnh tín dụng bất động sản, một phân khúc khác cũng được các chuyên gia lưu ý là tín dụng cho vay tiêu dùng. Theo thống kê của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, trong năm 2017, tuy tăng trưởng tín dụng vào bất động sản đã giảm rõ rệt, nhưng tín dụng tiêu dùng lại tăng rất mạnh, cao gấp 3-4 lần mức tăng trưởng tín dụng bình quân cả nước. Đặc biệt, tín dụng dành cho mua, sửa chữa nhà ở tăng tới 76,5% và hiện chiếm gần 53% tổng dư nợ cho vay tiêu dùng.

"Tín dụng tiêu dùng đang cho thấy đà tăng trưởng rất mạnh mẽ và xu hướng này được dự báo sẽ còn tiếp diễn khi nền kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định và đời sống người dân ngày một cải thiện hơn. Do đó, không chỉ hệ thống ngân hàng, mà các cơ quan quản lý cũng cần thận trọng với phân khúc tín dụng này", một lãnh đạo cấp cao của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top