Theo đó, thông tin từ Văn phòng UBND TP.HCM, đơn vị này vừa giao UBND huyện Bình Chánh thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi diện tích đất; đồng thời hoàn thành việc giải tỏa, di dời các hộ dân khu vực 40ha để bàn giao cho Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (Công ty VWS) trồng cây xanh cách ly và xây dựng bến thủy nội địa tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước.
Đồng thời, thành phố cũng yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường cần tăng cường kiểm tra, giám sát quy trình vận hành kỹ thuật, công tác kiểm soát mùi hôi trong quá trình hoạt động xử lý chất thải của các đơn vị; xử lý nghiêm các vi phạm về bảo vệ môi trường trong các Khu liên hợp xử lý chất thải. Chủ đầu tư các nhà máy xử lý chất thải đang hoạt động tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn và nghĩa trang Đa Phước cần thực hiện các giải pháp hạn chế tối đa việc khuếch tán mùi hôi, đặc biệt là mùi hôi từ hoạt động xử lý chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt.
Ngoài ra, Công ty VWS cần tăng cường thực hiện các giải pháp khắc phục, hạn chế tối đa việc khuếch tán mùi hôi ra khu dân cư, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động các khu vực vận hành tiếp nhận xử lý chất thải; nhanh chóng thực hiện các thủ tục môi trường liên quan đến hoạt động xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước, đặc biệt là báo cáo đánh giá tác động môi trường của giai đoạn vận hành dự án Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước, nâng công suất tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt từ 3.000 tấn/ngày lên 10.000 tấn/ngày. Sớm hoàn thành thử nghiệm, đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước rỉ rác/nước thải MBR mở rộng công suất 2.000 tấn/ngày; tăng cường xử lý triệt để nước rỉ rác tồn lưu và chấm dứt tình trạng lưu chứa nước rỉ rác trong các ô chôn lấp.
Theo một số người dân sống tại khu vực Nam Sài Gòn, đây là động thái tích cực nhằm giúp ổn định tâm lý của họ khi cuộc sống của họ đã bị đảo lộn nghiêm trọng từ mùi hôi phát ra từ bãi rác Đa Phước trong thời gian qua.
Trước đó, nhiều người dân đang sinh sống tại khu Nam Sài Gòn như quận 7, huyện Nhà Bè, Bình Chánh… đã phản ánh tới cơ quan chức năng khi họ đang phải hứng chịu mùi hôi thối bốc lên từ bãi rác. Mùi hôi nặng đến nỗi người dân muốn bán nhà đi nơi khác ở.
Theo một số hộ dân sống tại chung cư Bellaza (quận 7), trong khoảng thời gian từ chiều đến khuya, họ như muốn nín thở vì mùi hôi. Không khí càng trở nên ô nhiễm mỗi khi trời vừa mưa xong, mùi xú uế xộc thẳng vào mũi khiến cho nhiều người dân không dám ra khỏi nhà.
Tương tự như các hộ dân sống tại chung cư Bellaza, ở chung cư Green Valley nằm trong khu đô thị Phú Mỹ Hưng, cũng xảy ra tinh trạng tương tự khi hầu như mọi người khi ra khỏi căn hộ đều phải đeo khẩu trang. Theo một số người dân sống tại Phú Mỹ Hưng, năm nào cứ đến tháng 6; 7 là mùi hôi từ hướng bãi rác Đa Phước lại ùa về. Cư dân đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền địa phương nhưng tình trạng này vẫn cứ tiếp diễn.
Sau phản ánh của người dân sống tại khu Nam Sài Gòn, các cơ quan chức năng như Thanh tra Chính phủ, Bộ TN&MT cùng chính quyền TP.HCM đã chỉ ra hàng loạt những sai phạm cũng như bất cập tại bãi rác Đa Phước. Đồng thời, có nhiều biện pháp chỉ đạo nhằm hạn chế mùi hôi từ bãi rác này để không ảnh hưởng tới người dân sống ở xung quanh.
Cũng vào năm 2017, Tổng cục Môi trường cũng đã ra quyết định xử phạt hành chính Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam, chủ đầu tư bãi rác Đa Phước (xã Đa Phước, huyện Bình Chánh), số tiền khoảng 1,6 tỷ đồng do vi phạm về lưu trữ, xử lý nước rỉ rác; xả nước thải ô nhiễm ra môi trường; không xây lắp công trình bảo vệ môi trường theo quy định.