Đây là một trong những nội dung được quan tâm tại kỳ họp HĐND TP. Hà Nội lần này.
“Hà Nội đã nhiều lần bàn các giải pháp để giảm thiểu ùn tắc, nhưng do dân số tăng cao - hiện trên 10 triệu người, cộng với áp lực của quá trình đô thị, công nghiệp hoá nên ùn tắc vẫn diễn ra”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề cập vấn nạn ùn tắc giao thông.
Bên cạnh đó, ông Lưu cho rằng, việc giảm ùn tắc chưa hiệu quả do phương tiện giao thông cá nhân tại thủ đô tăng quá nhanh, trong lúc hạ tầng chưa theo kịp, giao thông công cộng còn hạn chế. "Hà Nội cần có giải pháp hữu hiệu giảm ùn tắc giao thông, cả với ôtô và xe máy", Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu nhấn mạnh.
Do đó, Sở GTVT Hà Nội đưa ra hai phương án: Phương án một, hạn chế xe máy theo quận, tiến hành ở 12 quận nội thành và 5 huyện chuẩn bị lên quận gồm: Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức, Thanh Trì, Đan Phượng từ năm 2030;
Phương án hai là hạn chế xe máy theo vành đai. Trong 5 vành đai được Hà Nội xây dựng đến năm 2030, vành đai 3 được cho đạt đầy đủ các chỉ tiêu để áp dụng chính sách hạn chế xe máy.
Trên thực tế, Báo cáo của UBND TP gửi đến kỳ họp HĐND lần này cũng nêu vấn đề xe cá nhân đang tăng nhanh, người sử dụng phương tiện giao thông công cộng còn hạn chế dẫn đến tình trạng ùn tắc, tai nạn và ô nhiễm môi trường ở nhiều nơi trên địa bàn.
Để khắc phục tình trạng trên, chính quyền Hà Nội cho biết, sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng, mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu vận tải hành khách công cộng vào năm 2020 đạt trên 20%.
Đối với đề án phân vùng hoạt động, tiến tới cấm xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030, thành phố xác định đây là việc khó, phức tạp và nhạy cảm, động chạm đến tâm tư, tình cảm và cuộc sống của rất nhiều người dân, do vậy đề án sẽ được triển khai thận trọng.
Cho ý kiến về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Thị Vinh, nguyên Tổng Thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam cho biết, việc hạn chế xe máy cần thực hiện theo lộ trình, từ phạm vi hẹp đến rộng.
Theo đó, vị chuyên gia cho rằng, Hà Nội nên áp dụng thí điểm với 2 tuyến đường, đồng thời có điều chỉnh tăng cường các tuyến xe buýt mini, xe điện ba bánh…
Đồng quan điểm, GS.TS Từ Sỹ Sùa, Đại học Giao thông vận tải cho rằng, với tỷ lệ đáp ứng hiện nay của xe buýt là khoảng 10%, như vậy, để tăng tỷ lệ đáp ứng lên mức 15% sẽ cần khoảng 2.400 phương tiện, mức 20% là khoảng 3.300 phương tiện. Với điều kiện cơ sở hạ tầng như hiện nay, việc đưa thêm số lượng phương tiện trên vào hoạt động là hết sức khó khăn.
Tuy nhiên, GS. Từ Sỹ Sùa cho rằng vẫn cần phải kiên định với chủ trương phát triển vận tải hành khách công cộng.
Theo dự báo, với tốc độ tăng bình quân 10%/năm, thì đến năm 2025, Hà Nội sẽ có khoảng 11 triệu xe máy. Trong khi đó, tỷ lệ đất dành cho giao thông ở Hà Nội hiện mới đạt 10% diện tích đất xây dựng đô thị.
Đến năm 2020, dù thành phố có đạt được chỉ tiêu tổng diện tích đất dành cho giao thông khoảng 13% đất đô thị như Chương trình số 06 của Thành ủy Hà Nội đề ra, thì vẫn kém xa so với tỉ lệ yêu cầu là từ 20 - 26% trong Quy hoạch giao thông vận tải thủ đô Hà Nội.