Aa

Hạn mức tín dụng: Bỏ hay không?

Thứ Sáu, 10/06/2022 - 06:21

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội ngày 9/6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng tiếp tục nhận được các chất vấn về cơ chế cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng (room).

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) đặt vấn đề cơ chế cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng hàng năm cho các ngân hàng thương mại hiện vẫn còn mang “dáng dấp” theo cách quản lý bao cấp và không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Bên cạnh đó, việc cấp hạn mức hàng năm cũng dẫn đến chuyện năm nào cũng phải cấp lại.

Về vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, thế giới đánh giá Việt Nam rất phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng, gây nguy cơ rủi ro. Từ góc độ của các tổ chức tín dụng, khi thành lập, tổ chức tín dụng nào cũng mong muốn được tăng trưởng tín dụng nhiều. Tuy nhiên Ngân hàng Nhà nước phải đứng trên góc độ điều hành kinh tế vĩ mô, nếu đáp ứng được yêu cầu của các tổ chức tín dụng, chính sách tiền tệ không đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay.

Trong những tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng tăng mạnh nên nhiều ngân hàng đã chạm trần hạn mức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp hồi đầu năm và đang trình xin nới thêm room. Điều này đã khiến nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cơ chế cấp hạn mức hàng năm cho các ngân hàng thương mại hiện nay đã không còn phù hợp, cần có sự thay đổi.

Theo Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 31/5, tín dụng tăng 8,04% so với cuối năm 2021 và tăng 16,94% so với cùng kỳ năm 2021; 4/5 lĩnh vực ưu tiên có mức tăng cao hơn cùng kỳ và 3/5 lĩnh vực ưu tiên có mức tăng cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung; tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát.

Tại một số ngân hàng thương mại như Vietcombank 5 tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng hơn 9%, trong khi hạn mức năm nay tăng trưởng chỉ 15%; ACB sau 4 tháng đầu năm có mức tăng trưởng tín dụng 8%, trong khi đó hạn mức được cấp là 10%. Một số ngân hàng khác như HDBank, Eximbank, Sacombank, TPBank, VPBank hay SHB cũng trong tình trạng tương tự.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn về lĩnh vực ngân hàng, tiền tệ. Ảnh: TTXVN

Theo các chuyên gia kinh tế, cầu tín dụng được dự báo sẽ tiếp tục tăng cao, nhất là khi gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình sẽ kích thích thêm nhu cầu tín dụng. Đây cũng là một trong những lý do khiến nhiều ngân hàng đồng loạt xin được nới room tín dụng.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng nhận định, nhu cầu vốn hiện nay là rất lớn, nhu cầu tăng trưởng room tín dụng của các ngân hàng cao. Do đó, cần cân đối với mức lạm phát để đưa ra ngưỡng tăng trưởng tín dụng hợp lý, nếu không sẽ rất khó cho các ngân hàng khi điều kiện đủ nhưng lại không thể giải ngân do hết room.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng việc nới room tín dụng chỉ là giải pháp tình thế, Ngân hàng Nhà nước nên bỏ quy định về hạn mức tăng trưởng tín dụng, để các ngân hàng tự quyết vấn đề này. Bởi vì, hệ thống ngân hàng đã được cải thiện tích cực, hầu hết đã đáp ứng chuẩn Basel II (phiên bản thứ hai của Hiệp ước Basel; trong đó đưa ra các nguyên tắc chung và các luật ngân hàng của Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng), đồng thời Ngân hàng Nhà nước có thể kiểm soát tín dụng qua công cụ mang tính thị trường như: dự phòng thanh khoản, tỷ lệ cho vay trên huy động, hệ số an toàn vốn...

Theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, để kinh tế phục hồi tốt hơn thì việc mở tỷ lệ tín dụng cho các ngân hàng sẽ có lợi cho khách hàng và doanh nghiệp. Việc nới room tín dụng sẽ không có nhiều tác động đến lạm phát nếu như việc điều phối của Ngân hàng Nhà nước tiếp tục linh hoạt.

TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cũng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần quản lý các ngân hàng bằng các chỉ số tài chính, thay vì công cụ hành chính là hạn mức tín dụng.

Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết, hằng năm cơ quan này xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng cho cả năm của cả hệ thống tổ chức tín dụng; đồng thời, có điều chỉnh phù hợp với nhu cầu, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, bảo đảm cung cấp vốn cho phát triển kinh tế nhưng cũng thận trọng với rủi ro lạm phát và rủi ro nợ xấu phát sinh.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, việc thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng được thực hiện theo nguyên tắc: tổ chức tín dụng có tình hình hoạt động an toàn, lành mạnh hơn sẽ được Ngân hàng Nhà nước xem xét phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn. Qua đó, thúc đẩy tổ chức tín dụng nâng cao năng lực quản trị, điều hành, tăng cường chất lượng, hiệu quả hoạt động và các chỉ số an toàn hoạt động.

"Ngân hàng Nhà nước cũng xem xét một số yếu tố như mặt bằng lãi suất huy động, cho vay, tỷ trọng đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn... đảm bảo thực hiện đúng chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, với đặc thù của nền kinh tế Việt Nam, vốn đầu tư phụ thuộc lớn vào nguồn vốn tín dụng của hệ thống ngân hàng; trong đó, vốn tín dụng trên GDP đang ở mức 124%. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là một trong số quốc gia mà tỷ lệ này cao nhất thế giới.

Chính vì tỷ lệ cao như vậy, khi có biến động trong nền kinh tế thế giới, doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh sẽ ảnh hưởng ngay tới hệ thống ngân hàng. Do đó, Thống đốc cho rằng việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng là cần thiết bởi nếu như ngân hàng gặp vấn đề, mất khả năng chi trả sẽ gây hệ lụy tới nền kinh tế.

Theo đánh giá của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, từ khi áp dụng việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng vào năm 2011, đây là biện pháp hiệu quả trong tổ chức điều hành, đưa thị trường tiền tệ, tín dụng hoạt động ổn định trở lại.

Cụ thể, trước đây khi không kiểm soát room tín dụng, một số ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng rất cao, lên tới 30-53,8%, tạo ra những cuộc đua lãi suất để huy động nguồn tiền cho vay.

Thống đốc cho biết hiện hệ thống ngân hàng vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu, hướng tới chuẩn mực quốc tế. Trong điều kiện thị trường vốn vẫn đang trong quá trình phát triển non trẻ, Chính phủ trong thời gian vừa qua đã chủ trì một hội nghị về thị trường vốn, qua đó chỉ đạo các bộ ngành nghiên cứu, phát triển thị trường vốn.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng cần tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản; chứng khoán; các dự án BOT, BT giao thông; trái phiếu doanh nghiệp. Làm được như vậy sẽ giúp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhận định, năm 2022, sức ép tăng trưởng tín dụng lớn do cộng hưởng nhiều yếu tố đầu tư công giải ngân vẫn còn chậm khiến nguồn vốn phục hồi kinh tế phụ thuộc lớn vào tín dụng ngân hàng.

Bên cạnh đó, việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng trong hai năm 2022 - 2023 trong bối cảnh áp lực lạm phát ngày càng tăng và tỷ lệ tín dụng/GDP đã ở mức cao khiến điều hành tín dụng gặp nhiều thách thức.

Với những khó khăn và thách thức trên, để điều hành tín dụng phù hợp với các mục tiêu đề ra, qua đó góp phần kiềm chế lạm phát, trong điều hành thời gian tới lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ theo sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong và ngoài nước để điều hành phù hợp, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn hệ thống.

Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và tình hình thị trường để có giải pháp điều hành phù hợp.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao câu hỏi chất vấn của đại biểu Trịnh Xuân An và cho rằng nội dung chất vấn đặt ra rất hay, đây là lần đầu tiên vấn đề này được đặt ra tại phiên chất vấn của Quốc hội và cũng là nội dung mà hầu hết các tổ chức tín dụng bây giờ đang rất quan tâm.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top