Aa

Hàng loạt bộ ngành và tỉnh thành vào cuộc chặn sốt đất

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Tư, 31/03/2021 - 06:00

Nhận thấy tình trạng sốt ảo giá đất có thể gây ra những hệ lụy về kinh tế - xã hội và ảnh hưởng tới việc triển khai các dự án đầu tư, nhiều bộ ngành và tỉnh thành đã ra hàng loạt công văn nhằm siết chặt quản lý.

Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng lên tiếng

Mới đây, Bộ Xây dựng đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác quản lý tình hình thị trường bất động sản tại các địa phương.

Theo Bộ Xây dựng, thời gian vừa qua, tại một số địa phương đã và đang xuất hiện tình trạng các nhà đầu tư, người môi giới bất động sản lợi dụng thông tin về quy hoạch, việc ban hành bảng giá đất mới, việc sáp nhập thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính, nâng cấp hệ thống hạ tầng và việc triển khai các dự án lớn tại các địa phương… để tung tin đồn thổi, mua đi bán lại bất động sản, lôi kéo người dân tham gia theo tâm lý đám đông vào các giao dịch bất động sản (quyền sử dụng đất, nhà ở chưa đảm bảo điều kiện pháp lý đưa vào kinh doanh, giao dịch…); gây nhiễu loạn thông tin nhằm đẩy giá bất động sản lên cao để lợi dụng trục lợi.

Trước tình hình đó, Bộ Xây dựng đề nghị các tỉnh tập trung chỉ đạo một số nội dung. Đầu tiên, cần tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các tổ chức, cá nhân có liên quan; đồng thời, tổ chức triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản. Theo dõi nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng bất động sản trên địa bàn.

Thứ hai, tổ chức công bố công khai thông tin về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án bất động sản, đặc biệt là các dự án lớn, và việc sáp nhập thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính… tại địa phương để minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi bất hợp pháp.

Thứ ba, thực hiện quản lý, kiểm soát việc tăng giá đất nhằm đảm bảo phù hợp điều kiện thực tế của các khu vực trên địa bàn, tránh ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản tại địa phương.

Ngoài ra, các tỉnh thành cần có biện pháp quản lý, kiểm soát hữu hiệu hoạt động môi giới của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản tại địa phương…

Nhiều cơn sốt đất diễn ra ngay từ đầu năm 2021.
Những cơn sốt đất xảy ra tại nhiều tỉnh thành ngay từ đầu năm 2021.

Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường, sáng 30/3, Bộ này đã ban hành công văn số 1454/BTBMT-TCQLĐĐ gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về giá đất.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các sở, ngành có liên quan tăng cường quản lý chặt chẽ các dự án bất động sản, nhất là bất động sản hình thành trong tương lai, bảo đảm việc đưa bất động sản vào kinh doanh, chuyển nhượng dự án bất động sản phải đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư và kinh doanh bất động sản; kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động môi giới bất động sản bảo đảm các quy định của pháp luật.

Việc công bố công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch phải được thực hiện để người dân tiếp cận các thông tin chính thống, không bị nhiễu thông tin; tránh bị giới đầu cơ lợi dụng thổi giá, đẩy giá đất, giá bất động sản lên cao nhằm thu lợi bất chính và có biện pháp quản lý sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị thực hiện nghiêm các quy định về đăng ký chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất... để thu nghĩa vụ thuế, kiểm soát các giao dịch ảo, thổi giá đất, giá bất động sản; quản lý chặt chẽ, bảo đảm tuân thủ đúng các quy định của pháp luật đất đai về việc tách thửa đất; xử lý nghiêm đối với hành vi không đưa đất vào sử dụng, sử dụng đất chậm so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có kế hoạch chủ động điều tiết quỹ đất ra thị trường thông qua việc tạo quỹ đất sạch để đấu giá quyền sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, kinh doanh bất động sản… nhất là thông tin kịp thời về quy hoạch của địa phương để người dân hiểu và thực hiện, tránh bị lợi dụng, trục lợi.

Hàng loạt tỉnh thành ra công văn

Trước những cơn sốt đất diễn ra tại nhiều tỉnh thành từ Bắc vào Nam, các địa phương cũng đã có động thái chấn chỉnh, cảnh báo đến người dân, nhà đầu tư. Cụ thể, trước cơn sốt đất ăn theo quy hoạch sông Hồng, mới đây, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã yêu cầu, cấp ủy, UBND các quận, huyện làm tốt công tác tuyên truyền, bảo đảm công khai, minh bạch, tạo sự đồng thuận của người dân về việc phê duyệt quy hoạch ven sông Hồng.

Đồng thời, tăng cường công tác quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, quản lý đô thị, trật tự xây dựng, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lợi dụng quy hoạch để có các hành vi vi phạm, trục lợi chính sách về đất đai, đầu cơ đất đai, xây dựng các công trình trái phép, gây mất ổn định an ninh trật tự trên địa bàn.

Nhà đầu tư kéo về tìm mua đất tại các điểm nóng của Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hoà Bình...
Nhà đầu tư kéo về tìm mua đất tại các điểm nóng Thạch Thất, Ba Vì của Hà Nội hay Bắc Giang, Bắc Ninh, Hoà Bình...

Liên quan đến nguy cơ sốt đất ảo ăn theo quy hoạch sân bay lưỡng dụng (vừa phát triển kinh tế vừa thực hiện nhiệm vụ quốc phòng) tại Bình Phước, lãnh đạo huyện Hớn Quản đã có văn bản chỉ đạo về việc tăng cường công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn và khuyến cáo người dân cảnh giác, cân nhắc kỹ trước khi giao dịch mua bán đất động sản.

Trước đó, trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã xuất hiện tình trạng mua, bán, nhận chuyển nhượng đất đai chưa đúng với quy định của pháp luật. Giá đất tại một số khu vực tăng đột biến, đặc biệt là các khu vực thuộc huyện Kim Bảng, huyện Duy Tiên…, nguy cơ tạo ra những cơn sốt đất ảo về thị trường bất động sản. Đồng thời, tình trạng này gây khó khăn cho công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, làm ảnh hưởng không nhỏ đến nỗ lực kêu gọi đầu tư của tỉnh. Trước thực trạng đó, UBND tỉnh Hà Nam cũng vừa ra văn bản chấn chỉnh hoạt động rao bán đất nền các dự án đô thị.

Tương tự, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, từ sau Tết Nguyên đán 2021 đến nay, tại các khu vực quy hoạch, dự kiến đầu tư xây dựng các công trình, dự án trọng điểm, quy mô lớn (như khu đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, sân golf, đường giao thông….) và vùng lân cận đang xuất hiện ngày càng nhiều tình trạng tách một thửa đất thành nhiều thửa để lợi dụng hợp thức hóa, chuyển mục đích sang đất ở; chuyển nhượng quyền sử dụng đất trái pháp luật; cò đất đầu cơ mua đi bán lại gây sốt đất ảo…

Để khắc phục tình trạng trên, UBND tỉnh Bắc Giang đã yêu cầu UBND cấp xã phải tăng cường kiểm tra, xây dựng cơ chế khuyến khích phát hiện, tố giác vi phạm pháp luật đất đai; khi phát hiện các trường hợp lấn chiếm, tự ý chuyển mục đích, tự ý chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất phải có trách nhiệm chỉ đạo thiết lập hồ sơ xử lý ngay và xử lý nghiêm theo thẩm quyền.

Các khu vực có dấu hiệu gia tăng đột biến tình trạng chuyển mục đích, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, sốt ảo phải được chú ý đặc biệt để chỉ đạo cơ quan chuyên môn. UBND cấp xã sớm kiểm tra phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm nêu trên.

Ngoài ra, hàng loạt địa phương khác như Quảng Trị, TP.HCM, Lâm Đồng, Phú Quốc… cũng đưa ra các văn bản nhằm quản lý chặt chẽ, ngăn chặn cơn sốt đất. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng đây mới chỉ là những biện pháp tạm thời.

Sốt đất có thể dẫn đến đổ vỡ bất động sản

Chúng ta cần cảnh giác với câu chuyện sốt đất nền, nó luôn là nguồn cơn của sốt giá bất động sản. Giá tiếp tục tăng nhưng không ai bán, không ai mua cả. Chúng tôi đã có báo cáo tới Thủ tướng Chính phủ, dù hiện tại không quá căng thẳng nhưng cần có giải pháp để kiểm soát giá đất nền. Kinh tế thực của Việt Nam có thể không đạt được tốc độ phát triển nhanh như mong muốn. Cùng với đó, các nguy cơ về bùng nổ tài chính có thể xảy ra. Tôi cho rằng, không nên đua theo dòng tiền của đất nền sốt ảo bởi có thể dẫn đến đổ vỡ bất động sản.

TS. Lê Xuân Nghĩa

Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia

Thiệt hại lớn cho những nhà đầu tư non trẻ

Dù dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam, nhưng thị trường bất động sản, giá bất động sản, sốt đất vẫn nóng. Đáng chú ý, sốt đất không chỉ ở các khu vực có quy hoạch rõ ràng, có giấy phép xây dựng, mà cơn sốt còn xảy ra ở những vị trí không nằm trong quy hoạch, đất thổ cư trong làng xóm, thậm chí đất phi nông nghiệp như đất trồng rừng...

Mặc dù chỉ trong thời gian ngắn nhưng sốt đất đã tàn phá kinh tế, xã hội, công ăn việc làm của người dân… Những cơn sốt đất mà chúng ta từng chứng kiến ở Ba Vì hay như mới đây ở Bình Phước... là những ví dụ điển hình.

Những cơn sốt đất ngoài cái lợi vẫn có những thiệt hại lớn cho các nhà đầu tư non trẻ, thiếu kinh nghiệm, đầu tư theo số đông. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị Nhà nước, lãnh đạo địa phương phải quan tâm và kiểm soát điều này.

Ông Nguyễn Mạnh Hà

Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top