Aa

Hàng loạt các chung cư, khu tập thể “chờ sập“ bất cứ lúc nào

Thứ Sáu, 22/01/2021 - 13:00

Hà Nội hiện có hơn 1.500 chung cư, khu tập thể cũ được xây dựng từ những năm 1960 - 1980. Trong đó có đến 42 nhà thuộc diện nguy hiểm, 2 nhà nguy hiểm cấp độ D (cực kỳ nguy hiểm), 1 nhà ở cấp độ B, 39 nhà cấp độ C.

 Đầu tiên phải kể đến khu tập thể Ngọc Khánh (quận Ba Đình, Hà Nội) là khu tập thể lắp ghép được xây dựng năm 1985 để cấp cho cán bộ công nhân viên. Đơn nguyên 1, nhà A Ngọc Khánh đã được đánh giá xếp loại nguy hiểm cấp D, không đáp ứng được nhu cầu sử dụng bình thường. 
Hiện, khu tập thể này đã xuống cấp trầm trọng, những mảng tường bong tróc. Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ dân bám trụ tại nơi nguy hiểm có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào này.
Biển cảnh báo nhà chung cư nguy hiểm được đặt ở xung quanh khu tập thể.
Tiếp theo, đơn nguyên 3 khu tập thể C8 Giảng Võ cũng nằm trong danh sách nguy hiểm cấp độ D cần được di dời. Từ bên ngoài nhìn vào có thể thấy các tầng nhà hiện đã được "chống nạng".
Bên trong khu tập thể là hệ thống cột thép chằng chịt được dựng lên để chống, giữ tòa nhà. Tại chung cư C8 Giảng Võ, nhiều hộ dân chưa di dời bởi băn khoăn của người dân về chính sách tái định cư.
Kế đến là khu tập thể Thành Công (quận Ba Đình, Hà Nội) được xây dựng từ những năm 1960 - 1970, gồm 67 dãy nhà. Trong đó, nhà G6A của khu tập thể này được đánh giá là 1 trong 2 chung cư nguy hiểm nhất Hà Nội.
Thông báo được các cơ quan chức năng dán ngay trên các lối cầu thang.
Trải qua 30 năm sử dụng, quan sát thực tế nhận thấy nhà G6A Thành Công đã có hiện tượng bị nghiêng lún, hai khối nhà tách hẳn ra, cách nhau hàng chục centimet, đe dọa nghiêm trọng tới sự an toàn của các hộ dân.
Nhiều hộ dân cơi nới chuồng cọp, lấn chiếm thêm diện tích sử dụng, khiến cho nguy cơ mất an toàn tại khu nhà ngày càng tăng cao.
Dưới tầng trệt của khu nhà, người dân vẫn tiếp tục cơi nới, sửa sang để cho các cửa hàng quần áo, quán ăn thuê mặt bằng.
Tiếp đến, khu tập thể C5 Quỳnh Mai (Hà Nội) tồn tại 50 năm, đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Nhìn từ bên ngoài, dễ nhận thấy nhiều mảng tường đã bong tróc nặng, để lộ những hàng gạch cũ nát, tạm bợ.
Tầng 1 của khu tập thể thấp hơn mặt đường khoảng 20 - 30cm, nên chỉ cần một cơn mưa là nước tràn vào nhà. Dù rất bất tiện trong sinh hoạt, nhưng người dân ở đây hiện vẫn chưa thể tìm ra cách khắc phục triệt để vấn đề này.
Tiếp theo, khu tập thể Bộ Tư pháp (phường Cống Vị, quận Ba Đình, Hà Nội) được xây dựng từ năm 1990, đến nay đã bị xuống cấp nghiêm trọng, được thẩm định, đánh giá nguy hiểm cấp độ D cần được di dời. Hai đơn nguyên 1 - 3 đã bị nghiêng lún, tách rời khỏi đơn nguyên 2 với khoảng cách hơn 1m.
Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ dân tại khu tập thể này không chịu di dời khiến cho công tác di dời gặp khó.
Cuối cùng là khu nhà A7 tập thể Tân Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội) được xây dựng từ năm 1984 theo công nghệ lắp ghép với quy mô 5 tầng gồm 50 căn hộ nhưng chỉ có duy nhất một cầu thang. Qua thời gian sử dụng, tòa nhà đã xuất hiện nhiều hạng mục xuống cấp nghiêm trọng.
Năm 2010, khi khu vực cầu thang bộ nối từ tầng 1 lên tầng 5 có dấu hiệu tách rời nhau, gây nguy hiểm đến toàn bộ kết cấu khu tập thể, Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội - đơn vị quản lý tòa nhà đã cho lắp hệ thống giàn giáo thép nhằm gia cố, chống đỡ tạm thời.
Hệ thống giàn giáo thép xuất hiện nhiều đoạn cong vênh và những chỗ hoen gỉ tại các mối hàn.
Không khó để nhận ra những vết nứt, bong tróc thành từng mảng lớn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người dân đang sinh sống tại đây.

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top