Tại Việt Nam, thị trường chứng khoán bắt đầu chịu tác động của dịch bệnh là từ sau Tết âm lịch. Kể từ đó đến nay, nhà đầu tư liên tục phải hứng chịu những phiên bán tháo rất mạnh và xảy ra trên diện rộng.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 30/3, VN-Index đứng ở mức 662,26 điểm, tương ứng giảm đến hơn 33% so với thời điểm trước Tết, HNX-Index và UPCoM có mức giảm khiêm tốn hơn với lần lượt 12,2% và 15,3%.
Trong thời gian kể trên, hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn ở nhiều phiên giao dịch phải nằm trong cảnh bị bán bất chấp về mức giá sàn thậm chí còn trắng bên mua. Đỉnh điểm đó là việc một số mã được coi là trụ cột của thị trường chứng khoán nói chung và VN-Index nói riêng là VIC hay VHM có đến 3 phiên giảm sàn liên tiếp, điều mà nhà đầu tư thường thấy ở nhóm cổ phiếu có yếu tố đầu cơ (penny) chứ rất hiếm khi xảy ra ở nhóm bluechip.
Thống kê trong khoảng 48 doanh nghiệp có vốn hóa trên 10.000 tỷ đồng ở cả ba sàn HoSE, HNX và UPCoM, chỉ có 2 cổ phiếu giữ được đà tăng đó là SHB và DNH. Trong khi đó, một cổ phiếu giữ nguyên giá so với thời điểm trước Tết là MVN. Tuy nhiên, cả DNH và MVN thuộc diện thanh khoản rất thấp, thậm chí một thời gian dài không có giao dịch. Trong khi đó, SHB tăng đến 87% ở thời gian qua và góp phần đáng kể giúp HNX-Index kìm hãm đà giảm.
Chiều ngược lại, toàn bộ 45 cổ phiếu bluechip còn lại đều giảm so với thời điểm trước Tết, thậm chí có đến 25 cổ phiếu giảm trên 30%.
Hai cổ phiếu khiến nhà đầu tư phải “xót xa” nhất thời gian qua đều thuộc nhóm bán lẻ là MWG và PNJ. Trong đó, chỉ trong khoảng thời gian hơn 2 tháng, MWG đã mất đến 50% giá trị, giá giảm từ 119.200 đồng/cp xuống còn 59.500 đồng/cp. Ngoài việc ngành bán lẻ chịu tác động xấu từ đại dịch, riêng MWG còn liên tục gặp vận xui khi nhân viên bán hàng tại siêu thị Điện máy Xanh thuộc Thế giới di động bị nhiễm Covid-19, cùng với đó, đơn vị này đã phải đóng cửa một số cửa hàng để ứng phó với dịch bệnh cũng đã tác động không tốt đến tâm lý nhà đầu tư.
Cùng cảnh ngộ với MWG thì PNJ giảm 47% từ sau Tết đến nay, cổ phiếu giảm từ 91.300 đồng/cp xuống 48.300 đồng/cp. PNJ mới đây cũng phải tạm đóng cửa một số cửa hàng tại vùng dịch Covid-19.
Tiếp đến, cổ phiếu từng có thị giá thuộc hàng cao nhất TTCK Việt Nam là SAB hiện giờ chỉ còn 121.100 đồng/cp tương ứng giảm gần 47% so với trước Tết. Việc SAB giảm không chỉ đến từ dịch bệnh Covid-19 mà còn xảy ra trước đó bởi Nghị định 100 làm nhu cầu tiêu thụ bia giảm mạnh. Mức vốn hóa hiện tại của SAB chỉ còn 77,6 nghìn tỷ đồng.
Cổ phiếu có bước tăng thần tốc trước Tết là BID cũng chịu chung số phận với các mã bluechip khác khi giảm đến 44,3% từ 55.500 đồng/cp xuống còn 30.900 đồng/cp. BID đã phải mất gần 1 tháng rưỡi để tăng từ mức khoảng 40.000 đồng/cp lên trên 55.000 đồng/cp, nhưng cũng chỉ cần hơn 1 tháng để mất sạch thành quả và thậm chí còn phá hết công sức gây dựng được kể từ tháng 6/2019.
Rõ ràng trước tình hình dịch bệnh còn quá phức tạp như ở thời điểm hiện tại thì không có quá nhiều nhà đầu tư có thể kỳ vọng thị trường hồi phục trở lại trong thời gian tới. Theo một báo cáo mới đây của Chứng khoán MB (MBS), những diễn biến thị trường và phản ứng chính sách trên thế giới hiện đều có điểm tương đồng so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Tuy nhiên, điểm khác biệt là hiện tại thế giới phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng y tế chứ không phải khủng hoảng hệ thống tài chính ngân hàng. Trong khi hệ thống tài chính vẫn hoạt động ổn định thì tình trạng hiện tại là kết quả của một cú sốc kép do suy giảm nguồn cung và suy yếu nhu cầu tạm thời.
MBS cho rằng, đến nay vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro xung quanh quy mô và mức độ nghiêm trọng của đại dịch, tuy nhiên trên thị trường hiện tại vẫn còn nhiều yếu tố có thể được nhà đầu tư cân nhắc và kỳ vọng như tâm lý thị trường dần ổn định, khi những diễn biến leo thang của dịch bệnh không còn khiến nhà đầu tư hoảng loạn bán tháo.
Các chính phủ được dự báo sẽ tiếp tục có những biện pháp hỗ trợ tài khóa sâu rộng hơn trong bối cảnh đại dịch còn chưa được đưa vào tầm kiểm soát. Dòng tiền đầu tư mặc dù vẫn e ngại rủi ro, nhưng vẫn có xu hướng được phân bổ vào các nhóm tài sản theo tỷ trọng nhất định. Ngoài ra, vắc-xin hoặc thuốc điều trị cho virus SARS-CoV-2 là điều khó khả thi trong ngắn hạn, tuy nhiên vẫn có khả năng các bác sỹ tìm được phác đồ điều trị thích hợp giúp những người nhiễm bệnh nhanh chóng phục hồi, kết hợp với các biện pháp cách ly xã hội ngăn chặn sự lây lan của virus, giúp số người phục hồi cao hơn số người nhiễm mới, do đó đưa dịch bệnh vào tầm kiểm soát.
MBS nhấn mạnh, chìa khóa cho một cuộc khủng hoảng y tế luôn phải đến từ một giải pháp y tế. Vì vậy, bất kỳ tiến triển tích cực nào trong công cuộc kiểm soát dịch bệnh hiện nay, dù nhỏ, cũng là một tín hiệu tốt cho nền kinh tế và thị trường.