Aa

Hàng loạt địa phương xin làm đường cao tốc trong gói phục hồi kinh tế

Thứ Sáu, 07/01/2022 - 13:30

Thảo luận về chính sách tài chính và tiền tệ trong chương trình phục hồi kinh tế, nhiều đại biểu Quốc hội ở các địa phương đề xuất ưu tiên xây đường cao tốc khi giải ngân gói này.

Gói chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội dự kiến có giá trị khoảng 350.000 tỷ đồng, trong đó dự kiến chi khoảng 114.000 tỷ đồng cho xây dựng cơ sở hạ tầng. Nội dung này thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu khi Quốc hội thảo luận sáng 7/1.

Nhiều đại biểu Quốc hội ở các địa phương như Bà Rịa - Vũng Tàu, Thái Bình, Nam Định, Điện Biên... đồng loạt xin ưu tiên sử dụng gói cơ sở hạ tầng này để xây dựng cao tốc qua địa phương.

Bà Rịa - Vũng Tàu, Thái Bình, Nam Định, Điện Biên xin làm cao tốc

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu) dùng từ "tha thiết" để đề xuất ưu tiên xây dựng tuyến cao tốc nối Biên Hòa (Đồng Nai) với Vũng Tàu bằng hình thức đầu tư công, thay vì đầu tư theo đối tác công - tư (PPP) như được phê duyệt chủ trương ban đầu.

Theo ông Hùng, dự án đường cao tốc này được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư theo hình thức PPP năm 2021 với tổng mức khoảng gần 20.000 tỷ. Tuy nhiên, dịch bệnh gây khó khăn cho các nhà đầu tư trong thu hút tài chính.

hang loat dia phuong xin lam duong cao toc trong goi phuc hoi kinh te
Với gói cơ sở hạ tầng, nhiều địa biểu Quốc hội ở địa phường đồng loạt đề xuất ưu tiên xây cao tốc qua địa phương mình. Ảnh: Hoàng Hà.

Dự án có vai trò đặc biệt quan trọng, phát huy liên kết vùng, nối các trung tâm kinh tế lớn như Bình Dương, TP.HCM và Đông Nai với cụm cảng Cái Mép - Thị Vải. Mặt khác, đường này sẽ giúp kết nối cảng hàng không quốc tế Long Thành trong tương lai, thúc đẩy kinh tế của nhiều tỉnh phía Nam.

"Nếu làm bằng đầu tư công thì 2021 - 2023 có thể hoàn thành toàn tuyến", ông Tâm Hùng nói.

Tương tự, các đại biểu đến từ Nam Định và Thái Bình đồng loạt xin ưu tiên xây dựng cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình nối với Hải Phòng và Quảng Ninh.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) đề nghị trong gói cơ sở hạ tầng cần ưu tiên những tuyến cao tốc mang tính quan trọng, giải quyết các điểm nghẽn của nền kinh tế. Bà Dung cho rằng cao tốc qua tỉnh Thái Bình sẽ giúp tỉnh này có nhiều cơ hội phát triển.

hang loat dia phuong xin lam duong cao toc trong goi phuc hoi kinh te

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Nam Định) cũng đề xuất đẩy nhanh tuyến đường này để giải quyết điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng cho các tỉnh phía nam đồng bằng sông Hồng. Dự án này dài 79km, nằm trong quy hoạch đường bộ cao tốc Việt Nam, được phê duyệt năm 2016.

Nói về sự cấp thiết, ông Dũng cho biết hiện khu vực Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình chỉ có các tuyến theo hướng đông - tây nhưng chưa có tuyến tây bắc - đông nam, chưa có tuyến ven biển nào. Cao tốc sẽ giúp đẩy nhanh liên kết vùng, khai thác kinh tế biển, hỗ trợ tuần tra an ninh, quốc phòng.

"Qua các tỉnh này chỉ có quốc lộ 10 hiện đã quá tải. Chúng tôi thấy đầu tư tuyến này là rất quan trọng, cần thiết", ông Dũng nói.

Cũng liên quan đến cao tốc, đại biểu Lò Thị Luyến (Điện Biên) đề nghị Chính phủ ưu tiên dùng tiền để làm cao tốc cho các vùng núi phía Bắc như Bắc Kạn - Cao Bằng, Sơn La - Điện Biên...

Kiểm soát để tiền không đổ vào bất động sản

Cũng trong phiên thảo luận, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) đề cập đến hiệu quả và cam kết sản phẩm đầu ra của chương trình. Đại biểu cho rằng mục tiêu cốt yếu của chương trình là chấp nhận bội chi, chấp nhận đi vay để sau một thời gian nhất định sẽ thu được chi phí lớn hơn.

“Vấn đề hiệu quả thực tế chương trình phải đạt được là trả lời câu hỏi: Với hơn 346.000 tỷ đồng, chúng ta sẽ thu lại kết quả gì? Và với mục tiêu như vậy, chương trình cần quy định rõ hiệu quả nguồn lực, hiệu quả đầu ra?”, bà Mai đặt câu hỏi.

Theo đại biểu, khi đối chiếu với nội dung nghị quyết, vấn đề này chưa được cụ thể hóa. Bà nhấn mạnh nếu không có cam kết về kết quả đạt được thì khó có thước đo chính xác để đánh giá hiệu quả.

hang loat dia phuong xin lam duong cao toc trong goi phuc hoi kinh te
Các đại biểu đề xuất cần kiểm soát rủi ro khi tung ra gói phục hồi kinh tế (Ảnh: Chí Hùng)

Đại biểu Đoàn Hà Nội cũng kiến nghị cần bổ sung căn cứ nguyên tắc, tiêu chí cụ thể để phân bổ đầu tư nguồn lực tương ứng với từng gói chính sách.

Về danh mục dự án, đại biểu đề nghị tập trung vào 2 lĩnh vực cụ thể, gồm những ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch và những ngành nghề có ý nghĩa thúc đẩy tăng trưởng quan trọng nhất.

“Chúng ta chấp nhận rủi ro nhưng cũng cần có những bước đi thực sự vững chắc, cốt lõi chúng ta cần đạt được là hiệu quả thực chất”, đại biểu nói.

Đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa) cho rằng khi đầu tư y tế cơ sở thì phải có tiêu chí rõ ràng xã nào đạt tiêu chuẩn. Ông cho rằng nên nghiên cứu rà soát những xã đặc biệt khó khăn, có kế hoạch đầu tư trước. Đại biểu cũng cho rằng cần đầu tư cho trung tâm y tế, bệnh viện tuyến huyện sẽ phát huy nhanh tác dụng hơn.

Đại biểu Hải cũng cho rằng cần hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh, với gói tiền tệ gần 40.000 tỷ đồng, cấp bù lãi suất 2%/năm. Tuy nhiên, ông cho rằng cần có trọng tâm trọng điểm, vào những lĩnh vực chịu ảnh hưởng như du lịch, vận tải, đặc biệt là vận tải hành khách, dịch vụ nhà hàng, khách sạn, ăn uống, tạo việc làm…

“Chúng ta cũng cần kiểm soát chặt chẽ việc hỗ trợ, tránh tiền đổ vào đầu tư bất động sản và những lĩnh vực rủi ro khác, làm cho suy giảm nền kinh tế”, ông nói. 

Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu với quy mô thực hiện dự kiến trong năm 2022 - 2023.

Thứ nhất, Chính phủ đề xuất chi khoảng 60.000 tỷ đồng để mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh.

Thứ hai, chi khoảng 53.000 tỷ đồng để đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm.

Thứ ba, chi khoảng 110.000 tỷ đồng để hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Thứ tư, chi khoảng 114.000 tỷ đồng cho phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển.

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top