Aa

Tăng nguồn lực phục hồi kinh tế

Thứ Ba, 28/12/2021 - 11:00

Mặc dù thu ngân sách Nhà nước (NSNN) vượt kế hoạch năm, nhưng để phục hồi và phát triển kinh tế, NSNN cần có thêm nhiều nguồn thu khác…

Qua trường hợp đấu giá đất Thủ Thiêm, sẽ thấy việc huy động vốn hạ tầng cần có những phương pháp sáng tạo, thay đổi.

Lũy kế thu ngân sách Nhà nước 11 tháng ước đạt 1.389,2 nghìn tỷ đồng, bằng 103,4% dự toán, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2020. Nguồn: Bộ Tài chính

Từ chuyện đấu giá đất Thủ Thiêm…

Vụ đấu giá đất Thủ Thiêm với 4 lô giá đất đạt trị giá cao, trong đó có lô trúng về tay công ty thành viên thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh đạt nấc giá 2,4 tỷ đồng/m2, đặt ra 2 vấn đề.

Thứ nhất, đây có thể là một trong các đòn bẩy khiến giá đất Thủ Thiêm được “định giá lại” ở một thời kỳ mới khi bất động sản phục hồi và lợi ích trước hết sẽ thuộc về chính các chủ đầu tư đã gom quỹ đất tại khu vực.

Thứ hai, với phương thức mới đấu giá công khai, ai trả giá cao thì trúng thầu và chủ động thuê đầu tư hạ tầng, vừa đảm bảo chất lượng, vừa không thất thu đất bởi nhóm lợi ích.

TS. Đinh Thế Hiển, Chuyên gia kinh tế nhận định, thương vụ đấu giá đất Thủ Thiêm cho thấy thời sơ khai khai thác đất lãng phí, mất nguồn thu của ngân sách đã đi qua.

Các phương án sắp xếp để tăng nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế vẫn rất cần được đẩy mạnh.

… đến chuyện tăng đấu thầu TPCP

Theo kế hoạch điều chỉnh đấu thầu trái phiếu Chính phủ (TPCP), 5 đợt đấu thầu trong quý IV sẽ tăng thêm hơn 20.000 tỷ đồng, đưa tổng mức phát hành quý lên 135.000 tỷ đồng và đưa tổng mức phát hành cả năm lên 373.000 tỷ đồng.

Việc Nhà nước đẩy mạnh phát hành trên thị trường được đánh giá là phù hợp khi, trên thị trường sơ cấp, lợi suất TPCP đang nhích tăng ở kỳ hạn 1 - 2 - 3 năm, nhưng lại điều chỉnh giảm ở kỳ hạn 5, 10, 15, 20 và 30 năm. Lợi suất TPCP tạo mặt bằng thấp (ở cả sơ và thứ cấp), nhưng thanh khoản cao, là điều kiện tốt cho Chính phủ huy động vốn giá rẻ phục vụ các nhu cầu chi tiêu công, đồng thời tạo nền tảng thuận lợi phục vụ cho các công cụ tiền tệ. Chi phí vốn này sẽ càng rẻ trong bối cảnh nếu có lạm phát tăng lên.

Báo cáo công tác ngân sách của Bộ Tài chính tháng 11 cho biết, do tiến độ chi thấp hơn tiến độ thu ngân sách, nên về tổng thể cân đối NSNN 11 tháng có thặng dư; tuy nhiên, cân đối ngân sách Trung ương bội chi, ngân sách địa phương có thặng dư lớn. Bộ Tài chính đã chủ động điều hành việc phát hành TPCP để vừa sử dụng có hiệu quả ngân quỹ nhà nước, vừa đảm bảo nguồn thanh toán, chi trả kịp thời các khoản nợ, gốc đến hạn và góp phần định hướng sự phát triển của thị trường, cơ cấu lại nợ công.

Các chuyên gia cho rằng, kể cả khi ngân sách thu vượt dự toán, trong bối cảnh nền kinh tế đang cần nguồn lực để phục hồi và phát triển như hiện tại (và như theo chương trình dự kiến 2022 - 2023), các phương án sắp xếp để tăng nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế vẫn rất cần được đẩy mạnh./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top