5 nhiệm vụ trọng tâm
Theo báo cáo của Chính phủ, có 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp chính về thực hiện Đề án chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, với quy mô thực hiện dự kiến trong năm 2022 - 2023 như sau:
Thứ nhất, mở cửa nền kinh tế gắn với phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đầu tư nâng cao năng lực y tế: 60.000 tỷ đồng;
Thứ hai, đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm: 53.150 tỷ đồng;
Thứ ba, hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh: 110.000 tỷ đồng;
Thứ tư, phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển: 113.850 tỷ đồng;
Thứ năm, cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Ngoài ra, huy động từ các Quỹ tài chính ngoài ngân sách Nhà nước (NSNN) khoảng 10.000 tỷ đồng. Tổng quy mô chính sách tài khóa khoảng 291.000 tỷ đồng. Trong đó quy mô tăng bội chi để hỗ trợ trực tiếp từ NSNN khoảng 240.000 tỷ đồng, với các gói hỗ trợ bao gồm:
Một là, gói miễn, giảm thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí phải nộp cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có quy mô 64.000 tỷ đồng;
Hai là, gói chi trực tiếp từ NSNN là 176.000 tỷ đồng, chỉ sử dụng để chi đầu tư phát triển. Trong đó, dự kiến kinh phí 14.000 tỷ cho việc đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp vùng, viện và bệnh viện cấp trung ương.
Ba là, gói an sinh xã hội, lao động, việc làm dự kiến có quy mô 8.150 tỷ đồng.
Bốn là, gói hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có quy mô 40.000 tỷ đồng từ nguồn NSNN. Mức hỗ trợ lãi suất là 2%/năm đối với các khoản vay thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong 2 năm 2022 - 2023. Điều kiện hỗ trợ là các đối tượng thuộc đối tượng thụ hưởng, đã được vay vốn hoặc đáp ứng các điều kiện vay vốn, được ngân hàng thương mại chấp thuận.
Về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, chương trình dự kiến chi 103.164 tỷ đồng cho hạ tầng giao thông chiến lược, bao gồm đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, một số tuyến cao tốc, tuyến nối các cửa khẩu, quốc lộ.
Ngoài ra dự kiến chi 5.000 tỷ đồng cho các dự án bảo đảm an toàn hồ chứa, phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển, thích ứng biến đổi khí hậu; Cấp vốn điều lệ cho Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, dự kiến kinh phí thực hiện là 300 tỷ đồng từ NSNN; Đầu tư chuyển đổi số, hạ tầng số các ngành, lĩnh vực khác như việc làm, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đào tạo, hóa đơn điện tử ngành thuế... với kinh phí thực hiện khoảng 5.386 tỷ đồng từ NSNN.
Chính phủ dự kiến bố trí từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi NSTW năm 2021 khoảng 6.600 tỷ đồng để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.
Về giải pháp gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất, doanh nghiệp giảm chi phí khoảng 6.000 tỷ đồng thông qua gia hạn thuế, tiền thuê đất dự kiến khoảng 135.000 tỷ đồng. Cụ thể, tiếp tục gia hạn thời hạn nộp các khoản thuế (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng) và tiền thuê đất của năm 2022 (như đã áp dụng tại các Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 và số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 của Chính phủ); khoảng 115.000 tỷ đồng. Gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt trong năm 2022 (như đã áp dụng tại các Nghị định số 109/2020/NĐ-CP ngày 15/9/2020, Nghị định số 104/2021/NĐ-CP ngày 04/12/2021 của Chính phủ), khoảng 20.000 tỷ đồng.
Hỗ trợ phục hồi là tất yếu
Trao đổi với phóng viên, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế đánh giá, chương trình hỗ trợ lần này đều có trọng tâm, có dự án cụ thể, không dàn trải và các tính toán tác động của chương trình cũng rõ ràng hơn trước. Cho nên, với số tiền 300.000 tỷ đồng trong 2 năm để nền kinh tế hấp thụ là không nhiều.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia, việc ban hành chính sách hỗ trợ là cấp thiết trong bối cảnh hiện nay, nhưng thực thi như thế nào để hiệu quả đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Trong Đề án hỗ trợ, Chính phủ cũng đặt mục tiêu sẽ giảm lãi suất cho vay tối thiểu 0,5%-1% trong hai năm. Mặc dù không đưa ra tổng quy mô giải pháp tiền tệ (lượng tiền cung ứng) mà cụ thể hóa các giải pháp điều hành như: Điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng; Điều hành đồng bộ các công cụ lãi suất, nghiệp vụ thị trường mở, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí quản lý để phấn đấu giảm lãi suất cho vay tối thiểu 0,5% - 1% trong hai năm; Tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; điều tiết tiền tệ hợp lý, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để việc huy động qua phát hành trái phiếu chính phủ không làm ảnh hưởng lớn đến mặt bằng lãi suất thị trường, tiết kiệm chi phí phát hành trái phiếu chính phủ cho NSNN.
TS. Cấn Văn Lực khẳng định, ông tin và kỳ vọng vào kinh nghiệm quản trị điều hành, năng lực hệ thống tài chính, ngân hàng vững mạnh hơn.
Trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho rằng, cần triển khai chương trình phục hồi cho doanh nghiệp với các giải pháp cụ thể như tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ tăng tính thanh khoản cho doanh nghiệp, bằng cách giãn, hoãn thời gian nộp thuế; miễn, giảm thuế, phí, các khoản phải nộp, giảm lãi suất cho vay. Đồng thời, cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp trong những ngành nghề bị tác động mạnh bởi dịch bệnh Covid-19 và những nhóm ngành trọng tâm ưu tiên phát triển để tạo đà phục hồi cho kinh tế.
“Đặc biệt, doanh nghiệp của chúng ta không thể nằm ngoài cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, nên việc hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ là tất yếu. Doanh nghiệp nên chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với chuyển đổi số, từ đó nâng cao năng lực, sức cạnh tranh. Đồng thời, chủ động chuyển đổi lao động, tái cấu trúc lao động, chú trọng đào tạo, tái đào tạo lại người lao động và trang bị nền tảng quản trị doanh nghiệp hiện đại, chuyên nghiệp”, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh./.