Aa

Hàng loạt dự án cao tốc Bắc - Nam có nguy cơ thiếu nguồn vật liệu

Thứ Sáu, 12/03/2021 - 14:00

Ngoài việc cấp phép mỏ khai thác, các địa phương cũng cần thực hiện tốt công tác quản lý về giá; có giải pháp, chế tài kịp thời để chống độc quyền, đầu cơ, tùy tiện nâng giá vật liệu xây dựng.

Hàng loạt dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt nguồn vật liệu xây dựng, trong khi các mỏ này vẫn phải chờ địa phương cấp phép khai thác. Điều này có thể dẫn ảnh hưởng tiến độ công trình...

Chờ địa phương cấp phép

Báo cáo của Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) cho thấy dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 bao gồm 11 dự án thành phần đi qua 13 tỉnh với tổng chiều dài khoảng 653km. Theo hồ sơ thiết kế kỹ thuật, nhu cầu vật liệu đất đắp (sau khi đã điều phối dọc tuyến) cho toàn bộ 11 dự án khoảng 52 triệu m3.

Theo số liệu khảo sát mỏ vật liệu của các đơn vị tư vấn thiết kế, tổng số lượng mỏ cung cấp cho 11 dự án khoảng 143 mỏ trong đó bao gồm 81 mỏ đang khai thác (tổng trữ lượng khoảng 63,2 triệu m3), 12 mỏ đã hết thời hạn khai thác đang chờ gia hạn (tổng trữ lượng 28,8 triệu m3) và 82 mỏ trong quy hoạch nhưng chưa cấp phép khai thác (tổng trữ lượng khoảng 101,3 triệu m3) đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu vật liệu đất đắp cho toàn bộ 11 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

Một số dự án cao tốc Bắc - Nam đang thiếu nguồn vật liệu đất đắp dẫn tới ảnh hưởng tiến độ thi công của nhà thầu.
Một số dự án cao tốc Bắc - Nam đang thiếu nguồn vật liệu đất đắp dẫn tới ảnh hưởng tiến độ thi công của nhà thầu. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Hiện tại, 6 dự án cao tốc gồm Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, cầu Mỹ Thuận 2) đang triển khai thi công xây dựng, qua khảo sát thực tế hiện trường tình hình vật liệu đất đắp cho thấy, 3 dự án cao tốc (Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn, cầu Mỹ Thuận 2) cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu vật liệu đắp.

Tuy nhiên, dự án Mai Sơn Quốc lộ 45 đoạn qua địa phận tỉnh Ninh Bình có 1 mỏ (trữ lượng 4,8 triệu m3); Vĩnh Hảo - Phan Thiết gồm 6 mỏ (tổng trữ lượng khoảng 4,17 triệu m3), Phan Thiết - Dầu Giây có 6 mỏ (tổng trữ lượng khoảng 6 triệu m3) đã có trong quy hoạch nhưng chưa được địa phương cấp phép khai thác.

Đặc biệt, trong trường hợp 6 mỏ được cấp phép kịp thời, dự án Phan Thiết - Dầu Giây vẫn thiếu khoảng 1,4 triệu m3 do trong quá trình thực hiện công tác khảo sát mỏ vật liệu bước thiết kế kỹ thuật có sai khác lớn với thực tế (trong hồ sơ khảo sát tổng trữ lượng là 20 triệu m3 nhưng tổng trữ lượng thực tế chỉ đạt 4,1 triệu m3).

“Trường hợp các địa phương (Ninh Bình, Bình Thuận, Đồng Nai) không kịp thời cấp phép khai thác cho các mỏ vật liệu này dẫn đến các dự án trên có nguy cơ thiếu hụt nguồn vật liệu đắp,” ông Phan Quang Hiển, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông thừa nhận.

Đối với các dự án Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo) dự kiến triển khai thi công trong quý II/2021 trong hồ sơ khảo sát mỏ vật liệu có sử dụng các mỏ quy hoạch của địa phương mới đáp ứng được nhu cầu vật liệu đắp các dự án.

Vì vậy, các địa phương cần phải khẩn trương thực hiện các công việc liên quan đến cấp phép khai thác và các điều kiện cần thiết khác (giải phóng mặt bằng, thi công xây dựng đường tiếp cận vào mỏ,...)

Riêng với dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo, các mỏ đang khai thác đáp ứng đủ nhu cầu vật liệu đắp cho dự án, tuy nhiên trong hồ sơ khảo sát mỏ vật liệu có các mỏ trong quy hoạch gần dự án để thuận lợi cho việc điều phối và giảm chi phí xây dựng nhưng chưa được cấp phép.

Chống đầu cơ, “hét giá” vật liệu

Từ thực tế trên, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông kiến nghị lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải làm việc và có văn bản gửi các tỉnh, thành tạo mọi điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các điều kiện, thủ tục còn thiếu cho các mỏ đã được cấp phép nhưng chưa khai thác được (do chưa giải phóng mặt bằng mỏ, chưa có đường tiếp cận,...), cấp phép khai thác (các mỏ đã có trong quy hoạch), nâng công suất khai thác mỏ (các mỏ đang khai thác có công suất nhỏ), gia hạn giấy phép mỏ (các mỏ đã hết hạn khai thác nhưng còn trữ lượng)…

Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành chỉ đạo các Sở, ban, ngành và các địa phương có liên quan thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về giá vật liệu xây dựng; có giải pháp, chế tài kịp thời và phù hợp để chống độc quyền, đầu cơ, tùy tiện nâng giá vật liệu xây dựng.

Đối với các dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây có khả năng thiếu hụt lớn khối lượng vật liệu đất đắp, Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các Ban Quản lý dự án 7, Thăng Long tiếp tục chỉ đạo Tư vấn khảo sát các khu vực lân cận tuyến để tìm kiếm phát hiện các mỏ có khả năng khai thác, thực hiện các thủ tục để đủ điều kiện khai thác vật liệu đất đắp đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu cho dự án.

Các nhà thầu của dự án cao tốc Bắc - Nam mong muốn địa phương sớm cấp phép các mỏ để tránh khan hiếm và bị ép mua giá cao.
Các nhà thầu của dự án cao tốc Bắc - Nam mong muốn địa phương sớm cấp phép các mỏ để tránh khan hiếm và bị ép mua giá cao. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Các chủ đầu tư lập phương án điều phối đất để tận dụng ngay vật liệu đủ tiêu chuẩn đắp nền từ các vị trí đào trên tuyến điều phối sang để đắp các đoạn nền đắp, ưu tiên các đoạn phải xử lý nền đất yếu để kịp tiến độ gia tải; nghiên cứu tận dụng đối với vật liệu đào đổ thải theo hướng có thể nghiền và phối trộn để đạt tiêu chuẩn đắp nền; sử dụng tối đa vật liệu đất đắp tại các mỏ đang khai thác cho dự án.

Đối với 2 dự án chuyển đổi sang hình thức đầu tư công (Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu) dự kiến khởi công trong quý II/2021, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông đề nghị Ban Quản lý dự án 2 và 6 chỉ đạo các đơn vị tư vấn tiếp tục khảo sát, rà soát các mỏ vật liệu dự kiến cung cấp cho dự án về chất lượng, trữ lượng, điều kiện khai thác (giấy phép, đường tiếp cận,...), cập nhật vào hồ sơ thiết kế kỹ thuật trước khi trình duyệt, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu vật liệu đất đắp cho dự án./.

Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản yêu cầu các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án cần khẩn trương tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về nguồn vật liệu xây dựng, công tác giải phóng mặt bằng, công trình hạ tầng kỹ thuật,... để đẩy nhanh tiến độ dự án.

Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án bám sát tình hình thực hiện; thường xuyên làm việc với các địa phương, xây dựng kế hoạch để lãnh đạo Bộ làm việc với các địa phương về dự án; cử cán bộ kỹ thuật bám sát hiện trường chỉ đạo tư vấn giám sát, nhà thầu quản lý chặt chẽ chất lượng công trình với quan điểm tiến độ là quan trọng nhưng chất lượng là hàng đầu.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top