Aa

Hàng loạt dự án của các “đại gia” BĐS dính sai phạm

Thứ Năm, 13/07/2017 - 15:00

Qua kiểm tra 7 dự án BT (đổi đất lấy hạ tầng) ở Hà Nội, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện hàng loạt sai phạm. Đáng chú ý, hầu hết các dự án do các “ông lớn” BĐS thực hiện, như Tasco, Bitexco và Gamuda thực hiện đều dính hàng loạt sai phạm.

Theo Báo Đầu tư, Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản 6844/VPCO - V.I thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình liên quan đến Kết luận thanh tra một số dự án BT, BOT trên địa bàn TP. Hà Nội.

Theo đó, Phó Thủ tướng đồng ý nội dung kết luận và kiến nghị của Thanh tra Chính phủ tại Văn bản 1422/KL-TTCP ngày 6/6/2017 (Kết luận số 1422) về việc chấp hành quy định của pháp luật trong việc thực hiện một số dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, BOT trong lĩnh vực giao thông, môi trường thuộc địa bàn TP. Hà Nội.

Đáng chú ý tại kết luận thanh tra trên, Thanh tra Chính phủ cho biết, đơn vị này chỉ chọn đưa vào tầm ngắm 7 dự án BT trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, môi trường quy mô lớn, đã cơ bản hoàn thành. Sau gần 2 năm tiến hành thanh tra tại UBND TP. Hà Nội, các cơ quan quản lý hợp đồng; kiểm tra, xác minh các nội dung thanh tra đối với các nhà đầu tư, Thanh tra Chính phủ đã hoàn tất bản Kết luận số 1422 với 33 trang A4.

Theo kết luận thanh tra, khác với nhiều địa phương hay dành ưu tiên cho các dự án BOT, toàn bộ 63 dự án huy động vốn ngoài ngân sách trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, môi trường tại Hà Nội tính đến năm 2012 đều được triển khai theo hình thức BT - đổi đất lấy hạ tầng.

Tuyến đường Lê Đức Thọ kéo dài được Taso xây dựng theo hình thức BT vừa bị Thanh tra Chính phủ kết luận mắc rất nhiều sai phạm. Ảnh: Kháng Trần.

Tuyến đường Lê Đức Thọ kéo dài được Taso xây dựng theo hình thức BT vừa bị Thanh tra Chính phủ kết luận mắc rất nhiều sai phạm. Ảnh: Kháng Trần.

Con số này sau đó đã được điều chỉnh giảm xuống 24 dự án sau đợt rà soát của TP. Hà Nội vào năm 2014. Trong số này, 17 dự án đã ký hợp đồng, 6 dự án đã lựa chọn xong nhà đầu tư, 1 dự án đang thực hiện các thủ tục xin chấp thuận đề xuất dự án.

Đáng chú ý, tại kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã nhiều lần phải dùng các cụm từ “thiếu trách nhiệm”, “thiếu chặt chẽ” đối với UBND TP. Hà Nội và các đơn vị quản lý hợp đồng; hạn chế về năng lực tài chính, kinh nghiệm đối với nhà đầu tư trong việc thực hiện 7 dự án BT bị “sờ gáy”.

Mặc dù đã giảm nhẹ trách nhiệm cho cơ quan quản lý nhà nước địa phương khi nêu ra nguyên nhân thị trường BĐS gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm, làm ảnh hưởng đến năng lực tài chính của nhà đầu tư, tuy nhiên Thanh tra Chính phủ đã khẳng định đối tượng phải chịu trách nhiệm chính là UBND TP. Hà Nội giai đoạn trước năm 2012 trong cả hai vai trò là cấp quyết định đầu tư và cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Theo đơn vị này, UBND TP. Hà Nội chưa thực hiện đúng quy định về việc lập, phê duyệt, công bố danh mục dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, BOT lĩnh vực giao thông và môi trường, trong giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2012, gây ảnh hưởng đến việc lựa chọn nhà đầu tư (không có đủ số lượng nhà đầu tư tham gia để thực hiện lựa chọn), làm giảm hiệu quả đầu tư.

UBND TP. Hà Nội cũng bị quy trách nhiệm trong việc chưa thực hiện đúng quy định về việc lập, phê duyệt, công bố danh mục dự án đầu tư quy định tại Điều 7, Điều 8 Nghị định số 78/2007/NĐ-CP; Điều 9, Điều 10, Nghị định số 108/2009/NĐ-CP.

Thực tế, đến thời điểm thanh tra, trong 15 dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT thuộc lĩnh vực giao thông, môi trường trên địa bàn TP. Hà Nội chỉ có 1 dự án được lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức đấu thầu (có sơ tuyển), 14 dự án còn lại, việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện thông qua hình thức chỉ định thầu.

Bên cạnh đó, UBND TP. Hà Nội cũng không thực hiện đúng quy trình lựa chọn nhà đầu tư; thẩm định, đánh giá năng lực đối với một số nhà đầu tư không chính xác, thiếu chặt chẽ; lựa chọn ký hợp đồng để thực hiện dự án đối với một số nhà đầu tư không đảm bảo năng lực theo quy định.

Mặc dù chưa hoàn thành nhưng tuyến đường quanh khu Công viên Chu Văn An do Bitexco thực hiện theo hình thức BT cũng dính nhiều sai phạm. Ảnh Kháng Trần

Mặc dù chưa hoàn thành nhưng tuyến đường quanh khu Công viên Chu Văn An do Bitexco thực hiện theo hình thức BT cũng dính nhiều sai phạm. Ảnh Kháng Trần

Các dự án được kiểm tra khi trình xin chủ trương lựa chọn nhà đầu tư bằng hình thức chỉ định thầu đều có chung lý do cơ bản là do tính cấp bách, cấp thiết. Tuy nhiên, UBND TP. Hà Nội không thực hiện đúng quy trình, quy định và không có tài liệu chứng minh, làm rõ thực trạng, mức độ chính xác của việc cấp bách, cấp thiết khi chỉ định nhà đầu tư thực hiện các dự án này.

Từ sơ hở này dẫn tới việc một số nhà đầu tư tại thời điểm được thẩm định, đánh giá và lựa chọn để thực hiện dự án trong khi năng lực về tài chính hạn chế, không đảm bảo năng lực.

Hệ lụy của việc chuẩn bị đầu tư chưa kỹ, lựa chọn nhà đầu tư không chuẩn đã khiến hầu hết các dự án đều bị chậm tiến độ so với yêu cầu, một phần do nguyên nhân năng lực về huy động vốn, bố trí vốn chủ sở hữu tham gia vào dự án của nhà đầu tư yếu kém không đảm bảo theo tiến độ giải ngân cam kết mà nổi cộm là Dự án Đường Lê Đức Thọ - Xuân Phương; Dự án Đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây cũ; Dự án Đường bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An....

Với những sai sót này, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TP. Hà Nội thực hiện việc xử lý trách nhiệm đối với các sở, ban, ngành chức năng, các cơ quan quản lý hợp đồng BT và các tố chức, cá nhân thuộc UBND TP. Hà Nội, đã có khuyết điểm, vi phạm nêu trong kết luận thanh tra liên quan đến quá trình tham mưu, quản lý, giám sát, thực hiện hợp đồng.

Liên quan đến việc thực hiện các dự án BT này, mới đây trao đổi với Reatimes, ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, ông luôn luôn không đồng tình biện pháp làm BT vì thiếu sự minh bạch.

B là xây dựng. Trong xây dựng, hình thức phổ biến là người ta thường tổ chức đấu thầu để chọn một nhà thầu nào đưa ra giá thấp nhất, nhưng trong khi thực hiện hình thức BT thì không có việc đó.

Còn T là chuyển giao để đổi lấy đất. Đất phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó có vị trí của nó, nếu dùng để xây dựng. Yếu tố này chỉ được đánh giá thông qua đấu giá.

“Thông thường, trong đấu giá ai trả cao nhất thì người đó được. Tuy nhiên, giá ở dự án BT này cũng không có đấu giá đất, đấu thầu dự án cho nên nó không tuân thủ các quy tắc giá cả của thị trường, vì thế rất dễ bị lợi dụng.
Chẳng hạn, nếu hai bên thông đồng nhau, tức là chính quyền và nhà đầu tư thông đồng với nhau, họ nâng giá công trình lên rất cao và hạ giá đất xuống rất nhiều. Trong khi thông đồng đấy họ phải chuyển một phần tiền đó cho anh ký quyết định.Như vậy, với một việc không minh bạch như thế có thể sẽ tạo điều kiện cho tham nhũng, cho nên tôi rất phản đối”, ông Liêm nói.

Một dự án BT trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, môi trường quy mô lớn trong diện thanh tra:

Dự án Đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở do GaMuda thực hiện.

Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường từ đường Lê Đức Thọ đến Khu đô thị mới Xuân Phương do Công ty Cổ phần Tasco thực hiện.

Dự án Đầu tư xây dựng đường bao quanh khu tưởng niệm Chu Văn An do Tập đoàn Bitexco thực hiện.

Dự án Đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên đoạn qua địa phận Hà Nội do Liên danh Coma-Cotana thực hiện.

Dự án Đầu tư xây dựng đường trục Nam tỉnh Hà Tây do Công ty CP Phát triển địa ốc Cienco 5 thực hiện.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top