Aa

Hàng loạt giải pháp cho Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Bình

Thứ Tư, 29/09/2021 - 16:20

Nhằm phát triển hiệu quả chương trình phát triển nhà ở từ nay đến năm 2030, UBND tỉnh Quảng Bình vừa ban hành nhiều quyết sách, giải pháp tối ưu.

UBND tỉnh Quảng Bình cho biết đã ký Quyết định số 2804/QĐ-UBND phê duyệt chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021 – 2030 bằng hàng loạt các chỉ tiêu, giải pháp cụ thể về đất đai, tín dụng, quy hoạch kiến trúc…

Một bộ phận người dân tại các xã Quảng Phú, Quảng Tùng, Cảnh Dương của huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình
Một bộ phận người dân tại các xã Quảng Phú, Quảng Tùng, Cảnh Dương của huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình có nhà cao tầng và khá kiên cố (Ảnh: Đình Toàn)

Nhà ở tối thiểu 10m2 sàn/người

Theo Quyết định nêu trên, chỉ tiêu về diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh đến năm 2025 đạt 29,6m2 sàn/người (trong đó: Đô thị 35,0m2 sàn/người; nông thôn 27,7m2 sàn/người). Diện tích nhà ở tối thiểu 10m2 sàn/người; Diện tích nhà ở tăng thêm khoảng 3,9 triệu m2 sàn. Trong đó, nhà ở thương mại, khu đô thị: 607.000m2 sàn; Nhà ở xã hội: 109.000m2 sàn; Nhà ở riêng lẻ người dân tự xây dựng: 3,2 triệu m2 sàn.

Cũng theo Quyết định của UBND tỉnh sẽ có 2.200 hộ thuộc hộ gia đình người có công với cách mạng có khó khăn về nhà ở được hỗ trợ cải thiện nhà ở (nâng lên 3.300 hộ vào năm 2030); 5.000 hộ thuộc hộ nghèo, hộ sống trong vùng bão lụt tạo dựng, được hỗ trợ cải tạo, sửa chữa nhà ở (năm 2030 nâng lên 3.600 hộ). Không chỉ về diện tích nhà ở mà chất lượng nhà ở cũng được đề ra, cơ bản tỷ lệ nhà ở kiên cố và bán kiên cố toàn tỉnh đến năm 2025 đạt 97% (năm 2030 là 98%), giảm tỷ lệ nhà ở thiếu kiên cố và nhà ở đơn sơ xuống còn 3% (năm 2030 còn 2%). Đến năm 2030, chỉ tiêu về diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh đạt 33,0m2 sàn/người (trong đó: Đô thị 36,5m2 sàn/người; nông thôn 31,6m2 sàn/người). Diện tích nhà ở tối thiểu 12m2 sàn/người; Diện tích nhà ở tăng thêm khoảng 4,3 triệu m2 sàn. Trong đó: Diện tích nhà ở tối thiểu 12m2/sàn/người; Diện tích nhà ở tăng thêm khoảng 4,3 triệu m2 sàn. Trong đó: Nhà ở thương mại, khu đô thị: 736.000m2 sàn; Nhà ở xã hội: 132.000m2 sàn; Nhà ở riêng lẻ người dân tự xây dựng: 3,4 triệu m2 sàn.

Khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp

Để thực hiện chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021 – 2030, UBND tỉnh đề ra phương hướng phát triển nhà ở theo khu vực, phù hợp với Quy hoạch vùng tỉnh, Quy hoạch phát triển đô thị, Quy hoạch xây dựng. Cụ thể là phát triển nhà ở tại khu vực đô thị, trong đó ưu tiên đầu tư phát triển nhà ở theo dự án (nhà ở thương mại, khu đô thị); kết hợp hài hòa giữa việc xây dựng nhà theo dự án và chuyển quyền sử dụng đất cho người dân tự xây dựng nhà ở; tăng tỷ lệ xây dựng nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua tại TP. Đồng Hới, thị xã Ba Đồn; cải tạo, nâng cao chất lượng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, cảnh quan, môi trường đô thị tại các khu đô thị, khu dân cư hiện hữu theo quy hoạch, quy chế quản lý kiến trúc, đô thị đã được ban hành.

Ở khu vực nông thôn, tỉnh Quảng Bình yêu cầu đảm bảo tuân thủ các yêu cầu về kiến trúc – quy hoạch xây dựng nông thôn
Ở khu vực nông thôn, tỉnh Quảng Bình yêu cầu đảm bảo tuân thủ các yêu cầu về kiến trúc – quy hoạch xây dựng nông thôn (Ảnh: Đình Toàn)

Riêng phát triển nhà ở tại khu vực nông thôn, tỉnh chủ trương đẩy mạnh phát triển nhà ở theo phương thức đầu tư xây dựng hạ tầng sau đó chuyển quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình tự xây dựng nhà ở đảm bảo tuân thủ các yêu cầu về kiến trúc – quy hoạch xây dựng nông thôn được phê duyệt; bảo tồn và phát huy không gian kiến trúc đối với các làng quê có bản sắc riêng.

Quảng Bình cũng sẽ phát triển các loại hình nhà ở, gồm nhà ở thương mại gồm: Nhà chung cư, nhà ở liên kế, biệt thự. Trong đó khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp để phù hợp với thu nhập của một bộ phận người dân. Với nhà ở xã hội sẽ bố trí quỹ đất theo quy hoạch và sử dụng quỹ đất 20% tại các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để kêu gọi đầu tư các dự án nhà ở xã hội phục vụ cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở tại các đô thị; có cơ chế để khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển nhà ở xã hội, các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng và doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở tại các quỹ đất trong các khu công nghiệp để cho thuê, thuê mua bằng nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước.

Ngoài ra, với nhà ở tái định cư, thực hiện theo hình thức giao đất để người dân tự xây dựng nhà ở đối với các trường hợp đủ điều kiện bồi thường về đất ở. Đối với các trường hợp không đủ điều kiện bồi thường về đất ở thì ưu tiên bán, cho thuê, cho thuê mua để tái định cư trong các dự án nhà ở xã hội.

Người dân vùng ngập lũ tỉnh Quảng Bình cần tính đến những phương án đặc thù trong chương trình phát triển nhà ở
Người dân vùng ngập lũ tỉnh Quảng Bình cần tính đến những phương án đặc thù trong chương trình phát triển nhà ở (Ảnh: Đình Toàn)

Đối với nhà ở riêng lẻ do người dân tự xây dựng, UBND tỉnh chủ trương tạo điều kiện và hỗ trợ cho hộ gia đình cá nhân tự xây dựng nhà ở riêng lẻ tại các khu vực, nhất là vùng nông thôn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn. Với nhà ở cho người có công với cách mạng thực hiện chủ động đề xuất, huy động nguồn vốn để hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với người có công với cách mạng về nhà ở. Đối với nhà ở cho hộ nghèo, vùng thiên tại bão lụt: thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo các chương trình mục tiêu quốc gia; kết hợp linh hoạt giữa các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và sự tham gia của các tổ chức chính trị – xã hội, các doanh nghiệp, cộng đồng... để hỗ trợ một phần kinh phí, kết hợp cho vay ưu đãi để các hộ tự cải tạo, sửa chữa, tạo dựng nhà ở.

Thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh

Đấy là một trong hàng loạt giải pháp để tối ưu hóa thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Bình từ năm đến năm 2030. Cụ thể, đó là việc hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách, như tham gia sửa đổi, hoàn thiện, đồng bộ hệ thống phát luật về nhà ở, đầu tư, đất đai... Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch các cấp; rà soát, bổ sung, xây dựng chính sách riêng của tỉnh nhằm thúc đẩy mạnh hơn chương trình phát triển nhà ở; ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư đủ hấp dẫn để huy động vốn phát triển hạ tầng đô thị, phát triển các dự án nhà ở thương mại, đặc biệt là nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp và người thu nhập thấp chú trọng xã hội hóa đầu tư xây dựng; nghiên cứu ban hành cơ chế sử dụng vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ hạ tầng trong hàng rào (hỗ trợ từ 20% – 50% chi phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật) cho dự án nhà ở xã hội công nhân có tỷ lệ nhà ở cho thuê cao để khuyến khích phát triển nhà ở công nhân theo hình thức cho thuê.

Người dân huyện Lệ Thủy, Quảng Bình xây dựng thêm tầng nhà để sinh hoạt và phòng tránh thiên tai trước mùa mưa bão năm 2021
Người dân huyện Lệ Thủy, Quảng Bình xây dựng thêm tầng nhà để sinh hoạt và phòng tránh thiên tai trước mùa mưa bão năm 2021 (Ảnh: Thiên Bảo)

Đáng chú ý, tỉnh chủ trương tạo lập quỹ đất sạch để kêu gọi đầu tư các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị, nhà ở xã hội, dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư, sử dụng quỹ đất tiết kiệm, hiệu quả. Ưu tiên phát triển các dự án nhà ở tại các khu vực đất đai cằn cỗi, khó canh tác được xem là giải pháp về đất đai khá quyết liệt để thực hiện hiệu quả chương trình phát triển nhà ở.

Cùng với đó là việc nâng cao chất lượng các đồ án quy hoạch xây dựng để làm cơ sở triển khai thực hiện các dự án nhà ở, dự án khu đô thị đảm bảo chất lượng, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, đầy đủ hạ tầng xã hội thiết yếu. Riêng với đối với khu vực trung tâm đô thị, các khu vực có yêu cầu cao về quản lý cảnh quan, chủ yếu phát triển nhà ở theo dự án để đảm bảo chất lượng về không gian kiến trúc; đối với các khu vực nông thôn phát triển nhà ở gắn với bảo tồn và phát huy đặc trưng kiến trúc nhà ở nông thôn; Ban hành hoặc giới thiệu các thiết kế mẫu nhà ở phù hợp với tập quán sinh hoạt, điều kiện sản xuất và truyền thống văn hóa của các vùng, miền, có khả năng ứng phó với thiên tai, động đất, biến đổi khí hậu để người dân tham khảo, áp dụng trong xây dựng nhà ở.

Một điểm đáng chú ý khách là tỉnh đề ra giải pháp về chính sách tài chính – tín dụng, trong đó thành lập quỹ phát triển nhà ở bằng nguồn thu từ các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô dưới 5ha để đầu tư phát triển nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở và các văn bản pháp luật có liên quan; sử dụng vốn ngân sách địa phương hỗ trợ hàng năm theo quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh để hỗ trợ xây dựng hạ tầng kỹ thuật đối với các dự án phát triển nhà ở xã hội…

Theo quyết định của UBND tỉnh, đối với đối tượng người có công với cách mạng, sẽ tiếp tục hỗ trợ về nhà ở theo cơ chế chính sách và các chương trình hỗ trợ về nhà ở của Nhà nước và các nguồn vốn hỗ trợ, huy động hợp pháp khác. Đối với hộ nghèo có khó khăn về nhà ở sẽ tiếp tục thực hiện việc hỗ trợ nhà ở theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 28/8/2014 về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão lụt khu vực miền Trung của Thủ tướng Chính phủ; kết hợp linh hoạt giữa các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã ban hành và sự tham gia của các tổ chức chính trị – xã hội, các doanh nghiệp, cá nhân thông qua các hình thức như hỗ trợ kinh phí, vật liệu, nhân công trong xây dựng nhà ở.

Ngoài ra, giải pháp về phát triển thị trường nhà ở mà tỉnh ban hành cũng được đánh giá có ý nghĩa khá quan trọng trong chính sách phát triển nhà ở của tỉnh, như việc xây dựng và vận hành tốt hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản theo quy định tại Nghị định 117/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ; tăng cường các giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, nhằm thu hút đầu tư phát triển nhà ở và kinh doanh bất động sản trên địa bàn tỉnh… đều là những giải pháp tối ưu để chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Bình hiệu quả, đạt các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top